Vừa qua, Hội Hô hấp TP.HCM, Hội Tai Mũi Họng Nhi TP.HCM, Hội Vi Sinh lâm sàng TP.HCM và công ty dược phẩm và chăm sóc sức khỏe GSK đã cùng hưởng ứng tuần lễ Thế giới Nhận thức về Đề kháng kháng sinh (ĐKKS).
Thông qua một chuỗi hoạt động kêu gọi sự chung tay và đồng lòng của khối bác sĩ, dược sĩ và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh hợp lý, đẩy lùi ĐKKS.
Các sự kiện diễn ra xuyên suốt, xoay quanh các chủ đề: ĐKKS – Thách thức và giải pháp; Điều trị nhiễm khuẩn tai mũi họng theo y học chứng cứ; Tiếp cận và hiểu biết các tác nhân vi sinh phổ biến; Hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ em; Những rào cản trong thực hành lâm sàng cũng như việc sử dụng kháng sinh hợp lý và an toàn.
Tại Việt Nam hiện còn thiếu các dữ liệu giám sát ĐKKS tại cộng đồng giúp định hướng dùng kháng sinh đúng, dẫn tới thực trạng sử dụng kháng sinh chưa hợp lý, lạm dụng kháng sinh thế hệ mới và kháng sinh phổ rộng gây ra tình trạng gia tăng ĐKKS.
Về phía bệnh nhân, việc sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ còn hạn chế, người bệnh thường tự ý ngưng thuốc khi giảm triệu chứng do đó vi khuẩn không được diệt trừ hoàn toàn, tạo điều kiện cho vi khuẩn đề kháng với thuốc.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng ĐKKS đang gia tăng rộng rãi ở các nước, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ ĐKKS cao nhất thế giới. Dự kiến đến năm 2050, đề kháng kháng sinh sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong hằng năm, có nghĩa là cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các vi khuẩn kháng thuốc.
Tại sự kiện, các chuyên gia cũng đã trao đổi về các chiến lược nhằm chống lại tình trạng ĐKKS, trong đó quan trọng nhất là việc thống nhất, hợp tác giữa bệnh nhân và nhân viên y tế trong việc lựa chọn và điều trị bằng kháng sinh, đồng thời tuyệt đối không cho người khác dùng chung kháng sinh hoặc tận dụng kháng sinh còn thừa.
19 ca tử vong mỗi phút do đề kháng kháng sinh và đây là nguyên nhân có thể khiến 10 triệu người tử vong tính đến năm 2050. ĐKKS đang tăng lên mức nguy hiểm ở tất cả các quốc gia. Các bệnh truyền nhiễm phổ biến: viêm phổi, lao, bệnh lậu, và nhiễm trùng máu đang trở nên khó điều trị hơn vì kháng sinh ngày càng kém hiệu quả. Thậm chí cả một số kháng sinh thuộc nhóm “lựa chọn cuối cùng” cũng đang mất dần hiệu lực.
Theo khảo sát của WHO năm 2015 tại Việt Nam, 74% đáp viên đồng ý rằng “Đề kháng kháng sinh là một trong những vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt” (4). Mỗi người đều có trách nhiệm nâng cao nhận thức và hành động cụ thể để chống lại ĐKKS. Tuân thủ điều trị và chủ động phòng ngừa bệnh tật bằng vắc-xin sẽ góp phần giảm thiểu ĐKKS.