Trang tin Isn.ethz.ch (Thụy Sĩ) mới đây trích dẫn thông tin từ Tổ chức Nhân quyền Conectas cho biết hiện nay khoảng 1 tỉ người đang di chuyển nơi cư trú và làn sóng di cư trở thành một hiện tượng toàn cầu.
Châu Âu đang trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của người di cư. Các vùng khác như Nam bán cầu cũng là điểm đến mới của dòng người di cư với hơn 120 triệu người.
Hơn 30 năm qua, làn sóng di cư mang tính khu vực hóa và toàn cầu hóa. Kể từ giữa những năm 1970, số người di cư trên thế giới tăng nhanh chóng, năm 1975 là 77 triệu người, năm 1999 là 120 triệu người, năm 2000 là 150 triệu người và năm 2016 là 244 triệu người.
Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới do những yếu tố gây nên hiện tượng nói trên vẫn tồn tại. Đó là sự khác biệt về mức độ phát triển con người (bao gồm tuổi thọ, trình độ giáo dục và mức độ hạnh phúc); các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và môi trường sinh thái suy thoái… đã tạo thêm số người di cư mới. Chi phí đi lại giảm, số lượng hộ chiếu được ban hành tăng, thiếu niềm tin vào tương lai ở các nước kém phát triển, vai trò của phương tiện truyền thông và cuối cùng là yếu tố biến đổi khí hậu khiến nhiều người hy vọng có thể đổi đời nếu di cư ra nước ngoài.
Sự đột biến trong làn sóng di cư hiện nay diễn ra cách đây khoảng 20 năm, khi bắt đầu xuất hiện các dòng người di cư trên thế giới. Các yếu tố như đô thị hóa, áp lực về bùng nổ dân số, kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp cao, chiến tranh… là những nguyên nhân chủ yếu làm bùng nổ làn sóng vượt biên và tạo ra những hiệu ứng di cư, gia tăng tính di động của quần thể người vốn định canh, định cư trước đây, nhất là đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của nhiều nước và trở thành vấn đề toàn cầu hiện nay.
Theo Tổ chức Nhân quyền Conectas, Liên minh châu Âu tiếp tục là điểm lý tưởng nhất của người di cư, tiếp theo là Mỹ, các nước vùng Vịnh và Nga.
N.N (DNSGCT)