Nếu Thế hệ X (1961-1981) của giới tài phiệt Hàn Quốc bằng mọi cách lấy chính trị gia thì Thế hệ Y (1981-1996) không còn quá bận tâm đến kiểu liên hôn vì quyền lực này nữa. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Hàn Quốc, hơn 50% con cháu các nhà tài phiệt đang kết hôn với con cháu các nhà tài phiệt. Số các cuộc hôn nhân với người ngoài giới cũng có dấu hiệu tăng mạnh. Ngược lại, liên hôn chính trị chỉ còn chiếm 7%.
Kiểm soát 80% GDP
Ở Hàn Quốc, giới tài phiệt được gọi bằng thuật ngữ chaebol (재벌). Họ là các đại tập đoàn gia đình, có hệ thống phân chia cấp bậc và quyền lực hết sức phức tạp. Theo lịch sử Hàn Quốc, các chaebol xuất hiện từ sau Thế chiến thứ hai (1939-1945). Trước thời điểm này, bán đảo Triều Tiên vẫn chưa chia đôi thành Nam Hàn – Bắc Hàn, và đang bị phát xít Nhật kiểm soát.
Nhật Bản chiếm đóng, thuộc địa Triều Tiên từ năm 1910-1945. Trong khoảng thời gian này, họ xây dựng cơ sở hạ tầng, kích cầu sự phát triển kinh tế, hình thành các tập đoàn thương mại, công nghiệp khổng lồ. Sau khi quân đội Nhật Bản bị buộc phải rút khỏi Triều Tiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng phải buông bỏ quyền sở hữu. Một số doanh nhân Triều Tiên đã chớp cơ hội này, giành quyền quản lý. Họ điều phối lại hoạt động, nhân lực, dần dà tạo nên các tập đoàn kinh tế lớn, mang tính chất gia đình trị.
Trong mỗi chaebol Hàn Quốc, có một người nắm giữ vị trí quyền lực tối cao, thường được gọi là chủ tịch tập đoàn. Bên dưới người này là các thành viên trực thuộc gia đình, gia tộc, nắm giữ các vị trí cốt yếu, sở hữu cổ phần và cơ hội thừa kế. Sau cuộc nội chiến 1950 -1953 phân chia bán đảo Triều Tiên thành 2 miền, nền kinh tế ở nửa phía Nam, tức Hàn Quốc, bị ảnh hưởng nặng nề. Kể từ năm 1961, Tổng thống Park Chung Hee (1917-1979) quyết định khởi động công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Ông khuyến khích và hỗ trợ tài chính, tài nguyên cho các chaebol thuận lợi phát triển.
Chỉ 20 năm sau, Hàn Quốc đã lột xác ngoạn mục. Bước sang thế kỷ XXI, họ tự hào là cường quốc kinh tế châu Á. Tất cả các thành tựu này đều từ giới chaebol. Theo số liệu thống kê năm 2008, chaebol chiếm hẳn 80% GDP quốc gia. 3 tập đoàn gia tộc tài phiệt lớn nhất là Samsung, Hyundai và Daewoo được vinh danh như “tam trụ”, chống giữ nền kinh tế đất nước.
Hiện tại, Hàn Quốc có tổng cộng 55 chaebol. Chỉ 10 tập đoàn tài phiệt thuộc top đầu đã nắm giữ gần 30% kinh ngạch toàn quốc.
Liên hôn chính trị
Mặc dù là “người hùng kinh tế”, các chaebol không mấy được lòng quốc gia và công chúng Hàn Quốc. Họ mang tai tiếng độc tài, lũng đoạn kinh tế và phân biệt đẳng cấp. Trước sức mạnh ngày các bành trướng của các chaebol, Chính phủ Hàn Quốc quay sang tăng cường khống chế và kiểm soát. Để đảm bảo thực quyền và sức ảnh hưởng, các nhà tài phiệt chuyển sang chiến lược mới: Hối lộ và liên hôn. Họ nỗ lực tạo lập mối quan hệ hôn sự giữa con cháu thừa kế với con cháu gia đình quan chức cấp cao, chính trị gia.
Theo báo cáo từ Hàn Quốc, có đến 28% các cuộc hôn nhân trong thế hệ chaebol thừa kế đầu tiên (đa phần thuộc Thế hệ X, những người chào đời trong khoảng 1961-1981, hiện đang từ 39-59 tuổi) là liên hôn với gia thế chính trị hoặc quan chức quyền lực.
Đối với giới tài phiệt Hàn Quốc, liên hôn chính trị là “giải pháp nâng cao tầm ảnh hưởng và quyền lực hiệu quả nhất”. Theo kết quả khảo sát vào năm 2017 của Leaders Network, trên 310 gia đình tài phiệt: Có 46 thành viên kết hôn với con cái của các quan chức chính phủ, chiếm 14,8%; và 11 thành viên kết hôn với con cái của các chính trị gia, chiếm 4,5%.
Trong các tập đoàn tài phiệt nổi bật nhất Hàn Quốc, Hanwha ưa thích liên hôn với giới chính trị hơn cả. Họ có tới 60% các thành viên kết hôn với con cháu quan chức cấp cao. Kế tiếp là Hanjin, Hyosung, SK với con số 20%. Hyosung và Kumho Asiana thì chỉ khoảng 10%.
Tăng cường liên hôn trong giới
Đối với con cháu các nhà tài phiệt Hàn Quốc, tự do yêu đương và kết hôn là điều xa xỉ. Tuy đã bước sang thế kỷ tự do từ lâu, thế giới bên trong của các chaebol vẫn chẳng khác gì thời Choson (phong kiến Triều Tiên) “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Trong thế giới này, phụ nữ không có quyền thừa kế. Sau khi kết hôn, họ cũng chỉ có thể đứng sau công việc kinh doanh của chồng và nhà chồng. Con trai chaebol tuy có quyền thừa kế, nhưng luôn dưới sự quản thúc của cha ông. Họ chỉ có thể kết hôn với người phụ nữ có lợi nhất cho tập đoàn.
Mối liên hôn quan trọng nhì với giới chaebol Hàn Quốc, sau liên hôn chính trị là liên hôn tài chính. Cũng theo kết quả khảo sát từ Leaders Network vào năm 2017, có đến 1/3 con cháu các nhà tài phiệt kết hôn với con cháu tài phiệt vì mục đích kinh doanh. Nó bao gồm 94 thành viên trong 310 gia đình chaebol được khảo sát, chiếm 30,3%. Xét chung trong thế hệ chaebol đầu tiên, liên hôn kinh tế chiếm 46,3%.
Tuy nhiên vào tháng 12-2020, Hàn Quốc công bố dữ liệu mới gây ngạc nhiên lớn về hôn nhân trong thế giới tài phiệt. Nó được thực hiện bởi CEO Score, trên 153 trong tổng số 317 người thừa kế chaebol của 55 tập đoàn tài phiệt cả nước. Kết quả cho thấy, số các cuộc hôn nhân giữa chaebol với chaebol gia tăng đáng kể ở thế hệ tài phiệt thứ 2 (đa phần thuộc Thế hệ Y, những người chào đời trong khoảng 1981-1996, đang từ 24-39 tuổi), với con số 50,7%. Nói cách khác, hơn một nửa con cháu tài phiệt đang kết hôn với con cháu tài phiệt.
Trái lại, liên hôn chính trị giảm mạnh, chỉ còn 7%. Nó chỉ ra rằng liên minh chính trị – kinh doanh đã đến hồi kết thúc. So với liên hôn chính trị, giới tài phiệt Hàn Quốc chuyển mạnh sang liên hôn kinh tế, chú trọng nâng cao liên kết và ảnh hưởng tài chính. Bên cạnh đó, các cuộc kết hôn với người “ngoài chaebol” cũng gia tăng, từ 11,6% ở thế hệ thừa kế thứ nhất lên 23,2% ở thế hệ thừa kế thứ 2.