Truyền thuyết kể lại rằng Lão Tử (thế kỷ VI trước Công nguyên), triết gia Trung Hoa, người sáng lập Đạo giáo, đã chạm khắc một bùa hộ mệnh với ba khuôn mặt (Đức Phật, Khổng Tử và chính ông), sau đó nhét vào một con trai để nó biến bùa hộ mệnh này thành ngọc. Khi viên ngọc quá lớn, ông lại chuyển sang con trai khác cho đến khi chuyển vào loài trai lớn nhất, sò tai tượng…
1. Viên ngọc nặng 6kg
Nhưng vào tháng 5-1934, tại Palawan, Philippines, một truyền thuyết khác lại được lưu hành. Câu chuyện được kể như sau: vào một ngày nọ, có một ngư dân Palawan vừa tách một vỏ sò tai tượng ra thì phát hiện bên trong nó là một viên ngọc khổng lồ.
Ông đặt nó lên cân, thấy trọng lượng đạt những 14 pound (6,35kg). Không chỉ to bất ngờ, viên ngọc này còn bề ngoài như khuôn mặt của Nhà Tiên tri Muhammad. Ngư dân nọ bèn đặt tên nó là Ngọc Allah.
Hay tin, Wilburn Dowell Cobb (một người Philippines gốc Mỹ) lập tức tìm đến, hỏi mua viên ngọc. Ông bị từ chối vì lý do “một viên ngọc mang hình ảnh Nhà Tiên tri Muhammad không phải là thứ nên đem đi bán”.
Nhưng xui cho người đánh cá Palawan ấy và may cho Cobb là con trai trưởng của ông ta bị ốm nặng. Không còn cách nào khác, người đánh cá tội nghiệp đành bán Ngọc Allah cho Cobb để lấy tiền chữa bệnh cho con.
Năm 1939, Cobb mang Ngọc Allah đến New York, đem trưng bày tại Công ty Ripley’s Believe It or Not. Ngay khi vừa thấy viên ngọc thì Lý, một quý ông Trung Quốc cao niên đã kích động khóc thét.
Ông nói rằng đây không phải viên ngọc của Allah mà là viên ngọc đã mất tích từ lâu của Lão Tử, vị triết gia ảnh hưởng đến văn hóa Trung Hoa suốt chiều dài lịch sử.
Lý lấy ra ngay 500.000 USD (11,4 tỉ VNĐ) đưa cho Cobb làm tiền đặt cọc, còn nói giá trị thực của viên ngọc phải là 3,5 triệu USD (79,8 tỉ VNĐ) cơ.
Nhưng Cobb vẫn không chịu bán. Còn ông Lý bí ẩn nọ thì quay về Trung Quốc, chưa một lần tái xuất hiện.
Con số 3,5 triệu USD vô hình trung trở thành mức giá thấp nhất của viên ngọc này, từ đó đều đặn tăng lên đến tận 40, 60, 75 triệu USD và có thể còn cao hơn thế nữa.
2. Không rời ngọc quý
Wilburn Cobb sinh năm 1903 tại Cuyo, một hòn đảo ở miền Tây Philippines, là con trai một kỹ sư khai thác mỏ người Mỹ. Ông lớn lên trong nhung lụa, ưa thích phiêu lưu.
Theo mô tả của Ruth Cobb Hill (con gái của Cobb, hiện 85 tuổi, đồng thời là một nhà tâm lý học đã về hưu), Cobb thời trẻ cực giỏi bơi lội.
Ông thích bơi với cá mập, rất say mê các nền văn hóa bản địa, luôn thêu dệt những câu chuyện lãng mạn về những người mà ông từng gặp để tự mua vui.
- Xem thêm: Mê cung khổng lồ bị thất lạc của Ai Cập
Ước mơ lớn nhất trong đời của Cobb là trở thành một nhà văn. Chuyện ông có được viên ngọc khổng lồ nọ từ một ngư dân xa lạ, thấy viên ngọc có bề ngoài giống hệt cái đầu của một lão niên là hoàn toàn chính xác.
Nhưng càng nhìn ngắm viên ngọc, Cobb càng thấy say mê. Thế nên ông mới bịa ra câu chuyện Ngọc Allah, gửi đăng trên tạp chí Natural History.
Không ngờ ai nấy tin sái cổ, Cobb liền tiện thể bịa thêm một ông Lý nữa. Nhưng lần bịa thứ hai này không chỉ để cho vui. Ông đã nổi lòng tham, muốn biến Ngọc Allah thành hiện vật lịch sử giá trị mang tên Ngọc Lão Tử.
Trong gia đình, Cobb là cha của những 8 đứa con, nhưng lại chỉ yêu mỗi viên ngọc. Ngay từ khi mới 5 tuổi, Roth đã thấy viên ngọc trai yêu quý của cha như kẻ thù. Một đêm nọ, cô bé lén đến gần viên ngọc, đá nó vài phát cho đỡ tức.
Cũng trong năm 1939, Cobb đem viên ngọc tạm giao cho Roy Waldo Miner, một nhân viên của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York. Tự tay Miner đã viết giấy xác nhận viên ngọc của Cobb là ngọc trai sò tai tượng chính hãng.
Trong lúc Cobb còn đang hưởng thụ cảm giác có trong tay viên ngọc lớn nhất thế giới tại Mỹ thì ở Philippines, vào năm 1941, vợ con ông phải đối mặt với họa thảm sát từ phát xít Nhật. Hay tin dữ, Cobb lập tức gia nhập Merchant Marines (Thương thuyền Hải quân) của Mỹ với hy vọng trả thù.
Tuy nhiên, ông đã chẳng làm gì để trả thù, chỉ ôm viên ngọc yêu quý đi một chuyến vòng quanh thế giới. Cobb thích viên ngọc đến nỗi một phút cũng không nỡ rời. Dù nghèo tới sắp chết đói đến nơi, ông vẫn cương quyết không đem viên ngọc đi bán.
Trước phóng viên của tờ San Francisco Chronicle, Cobb còn hùng hồn nói: “Trở thành người giàu nhất thế giới không phải là điều mà tôi muốn”.
3. Sang tay với giá bèo
Vào năm 1967, một truyền thuyết nữa lại chào đời. Đó là giám đốc của Phòng thử nghiệm Đá quý San Francisco, Lee Sparrow đã tiến hành kiểm định và xác nhận viên ngọc của Cobb chính xác là Ngọc Lão Tử.
Vì mang tính lịch sử nên viên ngọc này phải có giá từ 40-42 triệu USD (915-958 tỉ VNĐ). Cobb nói rằng cả đống người đã nhào vô hỏi mua nhưng ông vẫn chưa đồng ý.
Đến năm 1990, ngay cả Fidel Ramos, Tổng thống của Philippines, cũng tuyên bố viên ngọc của Cobb là quốc bảo của Philippines, đồng thời là “Viên ngọc của Lão Tử”.
Nhưng tới năm 1979, sau khi Cobb qua đời, Ruth lại bán Ngọc Lão Tử giá vài chục triệu USD của cha cho Victor Barbish, ông chủ của Công ty World’s Largest Pearl, chỉ với giá 200.000 USD (4,6 tỉ VNĐ).
Vậy là sau 40 năm kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, Ngọc Lão Tử đã qua tay chủ mới, người sẽ “tìm hiểu” kỹ càng về nguồn gốc của nó. Và rồi, một truyền thuyết y như thật nữa lại chào đời.
Theo truyền thuyết mới được “sáng tạo” bởi Barbish vào thời Tùy (581-618) của Trung Quốc, chủ nhân đương thời của Ngọc Lão Tử bị đánh thức bởi một tiếng gọi cửa. Ông bước ra, nhìn thấy một cậu bé đói rách đang đứng trước ngõ.
Dẫu nom cậu bé chẳng khác nào trẻ ăn xin, người đàn ông này lại biết ngay chính cậu chứ không phải ai khác sẽ mở ra một thời đại mới. Cậu bé đó sau này trở thành Đường Thái Tông, vị vua sáng lập triều Đường nổi danh.
- Xem thêm: Đến Nam cực săn thiên thạch
Thế rồi rất có thể là trong một chuyến tàu buôn gặp bão nào đó vào thời Minh (1368-1644), Ngọc Lão Tử vô tình rơi xuống biển, cuối cùng trôi dạt vào bờ Philippines.
Barbish cũng tuyên bố chính người nhà của ông Lý (nhân vật được thêu dệt bởi Cobb) đã kể cho ông nghe “sự tích Ngọc Lão Tử” này. Họ cũng rất muốn mua lại Ngọc Lão Tử và Barbish cũng đang có ý định bán.
4. Trò bịp bợm kéo dài
Nếu nói về khả năng thêu dệt, Barbish còn vượt xa tài của Cobb. Ông từng huênh hoang mình là con trai của Al Capone (trùm gangter Mỹ thời Cấm rượu).
Để giống như con trai của Al Capone, Barbish luôn ăn mặc hệt Al Capone, thường xuyên tảo mộ Al Capone. Lần nào đến tảo mộ, ông cũng không quên đặt lên trước bia một điếu xì gà Cuba, loại thuốc lá yêu thích của Al Capone.
Thực ra, cha Barbish chỉ là một người bán thịt bình thường tên là Lester Barbish. Mẹ ông cũng là thường dân nốt, tên là Helen Ruben.
Những năm 1970, California cấm cờ bạc. Barbish vẫn ngoan cố bất tuân thủ. Ông mở một sòng bài trong nhà hàng và câu lạc bộ đêm tên Vic’s Steak House của mình.
Bị chính quyền nhắc nhở, Barbish giở trò “cửa sau”, thậm thụt hứa sẽ đem hết lợi nhuận từ sòng bạc biếu cung thể thao thành phố nuôi các tài năng thể thao trẻ.
Ai dè chính quyền đã không xiêu lòng còn quay sang phạt Barbish luôn cả tội đút lót. Mưu mô không thành, Barbish đành phải chuyển tới San Bernardino.
Ở đây, ông giả làm một mục sư để dễ bề qua mặt cảnh sát, tiếp tục kinh doanh cờ bạc, bắt đầu bằng trò Bingo. Chỉ có điều chưa kiếm chác được bao nhiêu, Barbish lại bị thám tử điều tra đánh hơi được.
Tiếng xấu đồn xa. Bất quá, Barbish mới miếng cưỡng bỏ ra 200.000 USD mua Ngọc Lão Tử để đổi lấy tiếng thơm “công dân gương mẫu”.
Năm 1985, Barbish thành công ghi danh vào Sách kỷ lục thế giới Guinness với Ngọc Lão Tử. Công ty World’s Largest Pearl của ông ngày một chất đầy những món liên quan đến ngọc, bất kể từ Đông, Tây, kim, cổ.
Nhờ dẻo miệng, Barbish giao du rộng khắp và còn với toàn tầng lớp quý tộc, quan chức lớn. Trong lúc lẻo mép bợ đỡ họ, ông cũng mặt dày vay mượn tiền.
Với Barbish, Ngọc Lão Tử hệt như một kiểu tín chấp. Mỗi lúc ông lại một ba hoa về nó để dễ bề mượn tiền. Những năm 1980, Barbish còn “nổ” rằng cả công chúa của Iran cũng đồng ý trả Ngọc Lão Tử những 40 triệu USD.
Rồi đến năm 2004, trên trang WorldNetDaily, Barbish khoa trương Ngọc Lão Tử của ông cũng từng được Osama Bin Laden gạ mua với giá đến 60 triệu USD (1.369 tỉ VNĐ), vào năm 1999.
Còn tại sao Bin Laden lại muốn mua Ngọc Lão Tử thì đó là vì trùm khủng bố thế giới tính lấy nó làm quà tặng Saddam Hussein.
Trong các cuộc tranh chấp để chiếm cổ phần từ Ngọc Lão Tử, đã có hai người bị sát hại. Một người khác thì bị Barbish lừa gạt cả đời để làm phát ngôn viên tình nguyện cho viên ngọc.
Phát mệt với Ngọc Lão Tử, một thẩm phán của Colorado ra lệnh đem nó ra bán đấu giá, khởi điểm là 10 triệu USD (228 tỉ VNĐ).
Nhưng Peter Hoffman, người môi giới của Ngọc Lão Tử, khăng khăng “hiện vật lịch sử vô giá” này mà chưa được giá 25-50 triệu USD (570-1.140 tỉ VNĐ) thì tuyệt đối không bán.
Thật may cho chính quyền Colorado là họ đã thất bại trong việc bán viên ngọc. Không thì phải đến ngày tận thế Colorado mới rửa được vết dơ.
Dù sao, Ngọc Lão Tử vẫn không được bán. Lấy nó làm biểu tượng, Barbish thành lập tổ chức phi lợi nhuận Pearl for Peace (Ngọc trai vì Hòa bình), thu phí thành viên gia nhập từ 25-600 USD (570.000 – 13.700.000 VNĐ)/người. Tổng thống George W. Bush chính là thành viên số 1 của tổ chức này.
5. Sự thật phơi bày
Suốt thế kỷ XX, người Mỹ tin rằng, sau khi nhận Ngọc Lão Tử từ tay Cobb, Lee Sparrow đã kiểm tra, xác nhận nó có niên đại khoảng 600 năm trước Công nguyên. Chẳng một ai lại nghi ngờ rằng Sparrow cũng chỉ là một vai diễn trong trò bịp của Cobb.
Theo Michael Krzemnicki, Giám đốc Viện Gemmological Thụy Sĩ, không có bất cứ hồ sơ nào ghi chép về việc kiểm tra carbon phóng xạ Ngọc Lão Tử.
Dù nhiều người điên cuồng ca ngợi, khẳng định giá trị lịch sử của Ngọc Lão Tử, nhưng cũng chưa từng có một ai đưa ra được bằng chứng xác thực.
Ngọc Lão Tử chỉ đơn giản là một viên ngọc trai của sò tai tượng bình thường, trị giá cỡ 100.000-150.000 USD (2,3 – 3,4 tỉ VNĐ) là cùng.
Ngày 28-2-2018, Tòa án Liên bang Mỹ đưa ra phán quyết cuối cùng, kết luận “Ngọc Lão Tử không phải là hiện vật lịch sử”.
- Xem thêm: Trộm không từ thứ gì!
Theo mô tả của báo chí Mỹ, qua 80 năm lăn lóc, viên ngọc khổng lồ đã nhăn nhúm hệt như “một bộ não bị biến dạng”, không còn sắc màu tinh tế như thuở ban đầu.
Nó cũng chẳng phải là món đồ trang sức mà ai đó sẽ thích thú đeo lên cổ. Điều duy nhất khiến “Ngọc Lão Tử” vẫn còn nổi bật là kích thước của nó.
Tuy nhiên, vào năm 2016, một ngư dân Philipines cũng ở tại Palawan lại trình làng viên ngọc sò tai tượng (kiếm được từ 10 năm trước) khổng lồ gấp bội.
Nó nặng tới 75 pound (34kg), vẫn bị ông quăng dưới gầm giường làm bùa may vì chẳng biết phải dùng để làm gì.