Huỳnh Quang Vinh, cựu tổng giám đốc công ty dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu rau – củ – quả, biến mất khỏi thị trường suốt ba năm qua.
Ba năm, kể từ khi anh thất bại trong cuộc chơi tài chính của một doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Vinh bất ngờ trở lại, vào đúng cái ngày anh bị đại hội cổ đông của công ty mà cả gia đình anh đều góp công gầy dựng từ những ngày đầu tiên “cho ra rìa”.
Vinh nói, rất gọn: “Tui đã học xong bài học về thị trường, và hôm nay tui tốt nghiệp, trở lại để bắt đầu hành trình làm doanh nhân của một nông dân”. Chiều hôm ấy, Vinh nhận chức tổng giám đốc một công ty đã có mặt trên thị trường chứng khoán, vốn đầu tư đa ngành đang muốn mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp.
Nông dân thế hệ mới
Tôi gặp Vinh lần đầu là khi Học viện Mekong có trụ sở tại Thái Lan mở một khóa đào tạo ngắn hạn dành cho những người mà họ chọn là “thủ lĩnh nông dân”. Vinh lúc đó là phó tổng giám đốc, là con trai của “thuyền trưởng” Huỳnh Quang Đấu vừa được vinh danh tại giải thưởng “Doanh nhân xuất sắc nhất” do Công ty Kiểm toán toàn cầu E&Y bình chọn. Ấn tượng mà một anh chàng tốt nghiệp thạc sĩ ở Đức với chuyên ngành phát triển kinh tế địa phương, đang là giảng viên môn quản trị kinh doanh và marketing quốc tế tại Đại học An Giang để lại trong tôi là cách mà anh cứ thấy ruộng, thấy vườn là… nhào xuống.
Tôi nhìn Vinh vừa tò mò vừa có chút phấn khích khi anh loay hoay nói chuyện bằng… tay với ông chủ một trang trại ở vùng ven thủ đô Bangkok, Thái Lan. Xong anh hồ hởi khoe: “Mấy món này mình dư sức làm được, làm ngon lành hơn nhiều nữa là khác”.
Khóa học đó đào tạo về mô hình hợp tác xã nông nghiệp mà người Thái theo đuổi. Đây là sự kết nối của một hệ sinh thái nho nhỏ với phân công mỗi người một việc, mỗi nhà một công đoạn khác nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp của nông nghiệp cả vùng.
Tôi nhớ có đến thăm một hợp tác xã, mà cô gái phụ trách vừa được chọn là “nông dân thế hệ mới” của cả nước. Cô làm một việc rất đơn giản: tìm mọi cách ký được hợp đồng cung cấp rau quả cho hãng bay Thai Airways – hãng bay quốc gia của Thái. Xong cô ôm cái hợp đồng về, nhờ cha mình mời hết mọi nông dân trong vùng đến để trình bày việc làm sao cùng nhau mỗi ngày cung cấp đủ rau, củ, quả cho hãng bay, theo đúng chất lượng và tiêu chuẩn họ yêu cầu. Đều đặn, chuẩn chỉnh và tất cả mọi người đều được gia tăng thu nhập.
Vinh tự dưng nói nhỏ: “Về An Giang đi, tui dẫn đi gặp mấy nông dân nhà mình xịn không thua gì đâu”.
Tôi nghe lời Vinh, đi xe đò xuống Long Xuyên để coi anh làm gì. Trời ơi, Vinh tự chế một cái máy để… lột vỏ chôm chôm, và tách một dây chuyền nhỏ trong nhà máy của mình ra để làm mắm cá linh chưng đóng hộp.
“Ủa cái này hợp lý mà, mùa cá linh thì ngắn mà cá thì nhiều vô kể. No dồn đói góp là vậy, nên làm mắm cũng dễ, mà mọi người có đồ ăn ngon dài dài cả năm thì làm thôi”, Vinh diễn giải. Tôi chưa nói Vinh biết là sau đó món mắm này được một đại biểu Quốc hội ở An Giang đem đi quảng cáo khắp… Quốc hội, ai cũng muốn thử.
Cho tới khi đi xe chạy xình xịch mấy quãng sông tới được ruộng trồng cây đậu nành rau của ông Bảy Bồ, tôi mới thực sự kinh ngạc. Hiểu biết về cây trồng, các loại tiêu chuẩn xuất khẩu, giá cả thị trường Nhật Bản của ông nông dân này vượt xa hình dung về những người nông dân chân lấm, tay bùn lại đang biến mất dần vì di cư về thành phố. Vinh nhảy ùm xuống mương, hái một mớ rau lạ lùng lên để ăn trưa, còn kể thêm về dược tính của mớ cây dại này nữa.
Và một mẩu trái tim trong thương hiệu
Thời còn là “người trong giang hồ”, Vinh hay xuất hiện ở nhiều diễn đàn về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.
Tôi nhớ hoài câu chuyện Vinh kể: “Nông dân mình mà, thích lao động chân tay để chứng minh là mình khoẻ lắm. Ví dụ việc hái xoài trong vườn, luôn đóng xoài vô cái bao, vác trên lưng đem ra bên ngoài. Mấy bao đầu thì không sao, nhưng tới bao thứ mười thì mệt, nên thảy cái bao xoài cái đùng, xoài dập hết trơn. Rồi tui mua đồ xuất khẩu, đâu có biết làm sao xử mớ xoài dập này. Trong khi đó, nếu chúng ta chịu khó đầu tư một con đường nhỏ nhỏ để trung chuyển xoài từ vườn ra vựa, thì mọi thứ sẽ khác đi nhiều. Hạ tầng nông nghiệp nhiều khi là thứ đơn giản như vậy thôi”. Và tôi biết Vinh theo đuổi câu chuyện sau thu hoạch này dữ lắm, vì xứ mình là xứ nông nghiệp, nhưng xử lý sau thu hoạch lại không giỏi như nhiều xứ khác nên thiếu sức cạnh tranh.
Tôi không phải là người trong cuộc nên không biết chuyện gì xảy ra ở Antesco mà Vinh bị đẩy ra ngoài. Nhưng tôi biết Vinh không phải là người buông xuôi. Mấy năm nay, thỉnh thoảng cũng thấy anh trên Facebook hoặc gặp nhau vô tình ở mấy chợ đầu mối rau quả.
Vinh nói, anh trở lại làm người nông dân thực thụ, không có một công ty lớn đỡ đầu như trước, hóa ra cũng là một cơ may để anh tự mình lặn lội hết chuỗi giá trị truyền thống của rau, củ, quả từ người trồng, tới các tầng nấc thương lái khác nhau, kể cả thương lái Trung Quốc. Những bài học thực tiễn nhất, đổ mồ hôi và cả máu nữa, của những tháng ngày vật lộn với câu hỏi: “Vì sao nông dân vẫn không giàu?” của anh, giờ có thêm nền tảng để bắt tay vô giải.
Vinh ngồi đó, ôm một tách trà, nói chuyện về đề tài luận văn của anh ngày xưa về tiếp thị địa phương. Anh bảo thương hiệu, hay tiêu chuẩn, hay cái gì đó sang trọng nhất đi nữa, để làm cho nông sản có giá, cũng không bằng chuyện mình gắp một mẩu trái tim ra, bỏ vô trong sản phẩm mà mình trồng, mình nuôi và mình bán.
Thế giới bây giờ khác nhiều so với ba năm trước. Vinh lại về Sài Gòn, làm tổng giám đốc một công ty đa ngành có đầu tư nông nghiệp. Anh vẫn bắt đầu bài phát biểu khởi công xây dựng nhà máy mới y như ngày xưa: “Tui là một người nông dân…”.
Tôi nhìn Vinh đứng đó, mặc bộ đồ vest của một doanh nhân mà con trai anh luôn thích so với chuyện có ông bố làm nông dân. Tôi biết, trên tay anh còn một vết sẹo dài của tháng ngày lăn lộn nơi phố chợ. Nhưng tôi biết, quan trọng hơn, trong trái tim của người nông dân này, dù khoác cái áo nào, cũng luôn luôn là một trái tim sẽ gắp một mẩu ra, bỏ vô từng sản phẩm nông sản Việt Nam mà anh tự hào đi bán vòng quanh thế giới.
“Nông nghiệp nó là cái máu, cái gen của gia đình tui rồi ông ạ. Tui muốn con tui tự hào về điều đó. Phải nuôi dưỡng nguồn cơn đam mê đối với nông nghiệp – truyền thống gia đình, đam mê bản thân và mong ước cùng nông dân Việt Nam phát triển cái ngành quan trọng nhất nước mình.
Phải tiên phong trong nâng cao năng lực của nông dân miền Tây, quan trọng là làm sao tập hợp những người có tâm và tầm lại. Tui luôn muốn mình là người nông dân tiên phong và đồng hành cùng bà con trong liên kết từ đầu vào, sản xuất, chế biến đến làm thị trường. Vì truyền thống, đam mê và lý tưởng; dù thành công hay thất bại, thì tui vẫn là thương hiệu “Vinh nông dân rau – củ – quả” – Huỳnh Quang Vinh chia sẻ.