Ngày 28-9, Hàn Quốc đã ban hành Luật Kim Yong-ran hay còn gọi là “Luật cấm tiếp nhận sự nhờ vả và tiền của bất chính” do nữ thẩm phán đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc đề xuất. Bộ luật này được áp dụng trên phạm vi rộng, cơ chế nghiêm ngặt. Đối tượng giám sát của bộ luật không chỉ giới hạn ở công chức, mà còn bao gồm viên chức, giáo viên, luật sư, nhân viên các cơ quan truyền thông cũng như gia quyến của họ. Theo thống kê của Ủy ban Quyền lợi công dân Hàn Quốc, Luật Kim Yong-ran sẽ liên quan tới hơn 4 triệu người thuộc 40.919 cơ quan.
Quy định về tiếp nhận tiền của là cốt lõi của Luật Kim Yong-ran, theo đó, công chức và viên chức Nhà nước khi được mời tham dự tiệc tùng chi phí trung bình đầu người không được vượt quá 30 nghìn won (khoảng 27 USD), nhận quà cáp trị giá không được vượt quá 50 nghìn won, tiền mừng hiếu hỷ không được vượt quá 100 nghìn won. Ngoài ra, những người nhận tiền và quà biếu trị giá 1 triệu won trở lên trong một lần hoặc lũy kế 3 triệu won có cùng xuất xứ trong một năm sẽ bị xử tù giam cao nhất là ba năm.
Từ khi đề xuất đến chính thức thực thi, Luật Kim Yong-ran đã phải vượt qua chặng đường hơn năm năm. Tháng 6-2011, tại phiên họp của Chính phủ, bà Kim Yong-ran lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Quyền lợi công dân Hàn Quốc đã lần đầu tiên đề xuất cần phải xây dựng một bộ luật để xây dựng một xã hội Hàn Quốc công bằng và trong sạch. Tháng 4-2013, dự án Luật Kim Yong-ran chính thức được trình lên Quốc hội Hàn Quốc. Tuy nhiên đảng cầm quyền và đảng đối lập luôn tranh cãi gay gắt trong quá trình lập pháp, khiến cho bộ luật này không thể thông qua.
Trên thực tế, từ khi được đề xuất đến nay, Luật Kim Yong-ran luôn gây tranh cãi. Dù vậy người Hàn Quốc đều mong đợi việc thực thi Luật Kim Yong-ran sẽ trở thành bước ngoặt cho Hàn Quốc bước vào xã hội liêm khiết.
L.Q (DNSGCT)