Thực phẩm Fair Trade (thương mại công bằng) sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng trong tương lai, khi người tiêu dùng ngày càng “thông thái” hơn trong việc mua sắm, đòi hỏi nhà sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm và cần có trách nhiệm với xã hội. Trong cuộc thi Young Fairtrade Leader – tìm kiếm ý tưởng, giải pháp kinh doanh hướng đến mô hình Fair Trade – dành cho các nhóm khởi nghiệp – thanh niên – sinh viên yêu thích khởi nghiệp được khởi xướng bởi Công ty TNHH TM & SX Công bằng Xanh (Green Fair Co. Ltd), Sunshine Academy thuộc Sunshine Holding Việt Nam và Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI), hai bạn trẻ Hoàng Văn Tiễn và Đỗ Quốc Anh (cùng tốt nghiệp ngành PR và Truyền thông) đã tìm được tiếng nói chung và cùng tin rằng, áp dụng và lan truyền kiến thức về Fair Trade là cách duy nhất để có sự công bằng trong sản xuất thời buổi hiện tại. Hiện đại diện đến từ TP. Hồ Chí Minh mang tên “2FairTrade Leader” gồm Hoàng Tiễn và Quốc Anh đã hoàn thiện phần thi vòng hai và đang chuẩn bị cho vòng thi cuối cùng của cuộc thi sẽ diễn ra và kết thúc vào ngày 22-4 tại Hà Nội. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với hai bạn trẻ xung quanh chủ để “Fair Trade” thú vị này.
Tại sao các bạn cho rằng thực phẩm Fair Trade sẽ là xu hướng tiêu dùng trong tương lai?
Trên thế giới, vì mục tiêu phát triển kinh tế nhanh chóng, nhiều quốc gia đã bất chấp, lao vào sản xuất tạo ra hàng hóa kém phục vụ nhu cầu người sử dụng. Chính vì cuộc sống đô thị hóa, vốn “nhanh và hời hợt” – cả trong các sản phẩm văn hóa giải trí lẫn trong thực phẩm sử dụng đã khiến nhiều người kinh doanh tạo ra những sản phẩm kém chất lượng với lợi nhuận cao. Như cà phê pha tạp chất, pha hóa chất, hay rau tưới nhớt lớn nhanh chóng mặt, thịt heo siêu nạc… Những sản phẩm này có một đặc điểm là siêu nhanh và siêu nguy hiểm, cuối cùng chính người tiêu dùng là bộ phận chịu thiệt hại lớn nhất.
Nhưng nhờ vào phương tiện truyền thông, người sử dụng sẽ dần phát hiện ra những sản phẩm kém chất lượng này, họ sẽ tìm đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe bản thân, gia đình họ. Và xu hướng quay trở lại sử dụng thực phẩm gần gũi với tự nhiên sẽ được mọi người ủng hộ. Từ đó sản phẩm Fair Trade sẽ là lựa chọn hàng đầu của họ, vì để được chứng nhận Fair Trade, sản phẩm phải trải qua rất nhiều cuộc kiểm tra và nhiều giấy tờ chứng nhận khác nhau.
Vậy sản phẩm Fair Trade có những yếu tố nào có thể thu hút người tiêu dùng?
Thứ nhất, mô hình Fair Trade tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Hiện tại đã có tổ chức Fair Trade khắp thế giới, các sản phẩm đạt chuẩn Fair Trade sẽ được chứng nhận toàn thế giới về chất lượng. Người nông dân sẽ được kết nối cùng chuyên gia để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, với giá ổn định hơn.
Thứ hai là trách nhiệm xã hội của sản phẩm. Kinh doanh trong thời buổi hiện tại khác rất nhiều so với kinh doanh truyền thống, sản phẩm hiện tại phải đi kèm cùng trách nhiệm xã hội. Bởi sự phát triển của truyền thông, khách hàng dễ dàng biết được sản phẩm do ai tạo ra, những người tạo ra có nhận được giá trị họ bỏ ra hay không, hành vi mua hàng thể hiện con người họ. Nếu việc mua hàng của khách hàng sẽ đóng góp những điều tích cực cho xã hội họ sẽ rất vui lòng, sản phẩm không chỉ mang lại lợi nhuận cho “nhà buôn” mà bản thân người sản xuất cũng cần nhận được giá trị họ bỏ ra.
Thứ ba là yếu tố môi trường. Ai cũng sợ phải sống trong một môi trường ô nhiễm, việc công nghiệp hóa đã khiến trái đất rơi vào khủng hoảng môi trường chưa từng có. Các quốc gia phải cam kết vào thỏa thuận chung của Liên Hiệp Quốc về lượng khí thải vì môi trường chung. Fair Trade là mô hình sản xuất bền vững, phân bón sử dụng đa phần là phân hữu cơ, không có hại cho đất và môi trường. Sản phẩm Fair Trade vì thế cũng mang lại sức khỏe và sự an toàn cho người dùng.
Theo các bạn, vì sao người nông dân sản xuất của Việt Nam cần biết về mô hình Fair Trade?
Chúng tôi đã rất xúc động khi đọc những câu chuyện trên fanpage “Tony Buổi Sáng” về việc người trồng cà chua ở Đà Lạt vì không cạnh tranh được với cà chua Trung Quốc mà chịu đổ đống, hay chuyện người trồng dưa hấu khóc ròng vì mùa dưa bội thu, mà giá rớt thảm hại, hàng dài xe chờ xuất khẩu hàng qua bên kia biên giới mà qua không được. Hay như câu chuyện về giá điều, giá tiêu, giá cà phê và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác đều chịu chung một hoàn cảnh.
Admin trang fanpage này có kêu gọi các bạn tình nguyện viên đem về thành thị bán, nhưng đó cũng chỉ là cách giải bài toán trong ngắn hạn. Sản phẩm của bà con nông dân nếu không đạt chất lượng, lệ thuộc thị trường Trung Quốc, hay tạo ra quá nhiều sản lượng trong khi nhu cầu thị trường không có thì cách này chỉ giải quyết được một con số vô cùng nhỏ thiệt hại.
Chỉ còn cách là những người hiểu biết về các vùng nguyên liệu, sản xuất cùng nông dân, hướng dẫn họ về mô hình Fair Trade, sản xuất những thực phẩm mà thế giới đang cần để xuất khẩu, thay vì cứ lệ thuộc mãi thị trường lớn kia. Trong nước cùng là một thị trường tiềm năng, tuy nhiên người dùng cần nhiều chiến dịch truyền thông để chọn đúng sản phẩm tốt, do bà con nông dân Việt Nam sản xuất, thay vì sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Đã từng có việc, nhà buôn nhập khoai tây Trung Quốc về, sau đó trộn màu đất Đà Lạt vào và mang lên thị trường TP.HCM bán, câu chuyện này lại lặp lại với cà rốt, quả thực rất nguy hiểm. Nếu áp dụng mô hình Fair Trade, bà con sẽ biết cách tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, thương hiệu sẽ giúp người tiêu dùng trong nước lựa chọn đúng thực phẩm an toàn.
Những điều gì các bạn tâm đắc nhất về mô hình Fair Trade có thể chia sẻ cùng mọi người?
Chúng ta, ai cũng mơ về một ngày thị trường sẽ ngập tràn thực phẩm tốt với giá cả phù hợp. Người nông dân được quan tâm về các vấn đề như y tế, giáo dục, tri thức. Người dùng không còn phải sử dụng thực phẩm bẩn, thiếu an toàn nữa. Những nhà phân phối hăng say tiếp thị những sản phẩm của bà con nông dân đến mọi người.
Nhưng tương lai là chuyện chúng ta mơ về, cần nhìn vào thực tế thị trường và những khuyết điểm hiện tại để cố gắng một cách thực tế hơn. Chúng tôi không có gì ngoài sức trẻ và tri thức về ngành truyền thông, chỉ còn biết cùng những con người vì “thương mại công bằng” cố gắng xây dựng nên một thế hệ “Fair Trade”. Tạo ra một thế hệ người trẻ văn minh, tự hào và tự tin quảng bá sản phẩm nông nghiệp của nông dân nước mình đến toàn thế giới. Và tương lai ấy, sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay.
Cảm ơn các bạn.
Young Fairtrade Leader là cuộc thi đầu tiên về khởi nghiệp sáng tạo hướng đến thương mại công bằng, hứa hẹn sẽ không chỉ là một sân chơi khởi nghiệp hấp dẫn, mà còn lan tỏa giá trị xã hội của thương mại công bằng trong cộng đồng. Tổng giá trị giải thưởng của chương trình lên đến hơn 30.000 USD gồm khoản đầu tư khởi nghiệp, giải thưởng tiền mặt, học bổng và chuyến đi thực tế tại Tây Nguyên.
- Dương Minh thực hiện