Với nhiều họa sĩ thuộc nhiều thế hệ, Hà Nội là một đề tài bất tận, có thể vẽ mãi không chán, không nhàm. Có người thành công, tiêu biểu như Bùi Xuân Phái mà tên tuổi mãi mãi được gắn liền với phố cổ Hà Nội, cũng có rất nhiều người không tạo được dấu ấn nào đáng kể. Phạm Bình Chương là một cái tên mới, được nhiều người ca ngợi với mảng tranh vẽ về Hà Nội.
Sau Bùi Xuân Phái, có lẽ họa sĩ thành công nhất với đề tài Hà Nội là Phạm Luận, người đã “thuộc lòng” những ngõ ngách thủ đô và cả vùng ngoại vi với bốn mùa thay đổi để có thể vẽ được cả màu nắng trên sắc lá cây. Nói như bà Judith Hughs Day, một nhà sưu tập bền bỉ tranh Việt Nam thì: “Độ cảm nhận màu sắc của Phạm Luận được hoàn thiện đến mức gần như là tự nhiên. Thị giác của ông có thể nhận thấy các sắc độ khác nhau của màu xanh lá cây trên hàng cây rợp lá hai bên phố hay vô số các sắc hoa nở rộ trong các làng hoa ở ngoại ô Hà Nội”(1).
Còn với Phạm Bình Chương, ở tuổi ngoại tứ tuần, anh đã có tới hơn một trăm bức tranh vẽ Hà Nội với nhiều góc nhìn lạ lẫm đến bất ngờ. Hà Nội trong tranh Phạm Bình Chương không cổ điển trong cách diễn đạt, tạo hình như tranh “Phố Phái”, cũng không lung linh những vệt màu khoáng đạt, quyến rũ thị giác như trong tranh Phạm Luận. Có thể nói Hà Nội trong tranh Phạm Bình Chương “đời thường” hơn, âm thầm hơn mà đậm tính chất xã hội. Anh tìm thấy, cảm nhận được những nét đẹp còn ẩn giấu, những nét duyên thầm lặng ở bất kỳ nơi đâu, bất kể lúc nào. Tầm quan sát Hà Nội của anh hầu như không bỏ sót gì cả. Dù Hà Nội của Phạm Bình Chương vẫn đong đầy những ký ức một thời quá vãng, những hoài nhớ đến nao lòng kẻ đi xa nhưng cũng đã hiện diện đây đó những yếu tố của cuộc sống đương đại với một chút cười thầm, giễu nhại.
Hà Nội của anh có thể là một ngã tư đường mùa đông vắng lặng, chỉ có hai chiếc xe đạp chở hoa tươi bán dạo thầm thì bên nhau. Cũng có thể là khu nhà kiến trúc thuộc địa cổ kính, đối lập với nó là chiếc ôtô đời mới bóng lộn chễm chệ khoe mẽ trên con phố còn loáng nước sau mưa. Là góc phố Hàng Giày cũ kỹ với hàng nước chè bình dân cũ kỹ. Là cửa hàng cho thuê sách ở mặt tiền một ngôi nhà tàn tạ trên phố Thi Sách. Hay một thân bàng khẳng khiu còn sót lại vài chiếc lá vàng trong ngày đông giá rét hoặc một tán bàng rạo rực sắc lá đỏ trong tiết xuân mát mẻ. Là bụi thài lài tím trên bồn hoa bên khung cửa sổ khép hờ. Là nắng mùa hè qua tán cây đổ bóng loang lổ lề đường hay cơn mưa dài khiến ngõ phố nhòa trong mưa mãi không thấy tạnh, chiếc xe đạp âm thầm đội mưa chờ chủ ngoài kia. Hay những chiếc ghế nhựa nhiều màu đang trò chuyện với nhau trước hiên nhà… Cả cái nắp cống trên hè phố cũng được họa sĩ đưa vào tranh, đối thoại với nó, tôn vinh nó. Cách nào đó, Hà Nội là mảnh đất vàng đối với Phạm Bình Chương như tên gọi một cuộc triển lãm cá nhân của anh được tổ chức tại Mỹ năm 2012 (triển lãm “Golden Place” tại gallery George Billis Gallery, New York) – một “golden place” cho anh khai thác mãi. Trước đó, anh đã có ba cuộc trưng bày tranh đều với đề tài Hà Nội: năm 2004, 2007 là các triển lãm “Xuống phố” tại Hà Nội và năm 2005 là triển lãm “Câu chuyện bên lề đường” tại TP. Hồ Chí Minh.
Phạm Bình Chương vẽ Hà Nội với bút pháp hiện thực, kỹ đến từng chi tiết mà vẫn toát lên chất thơ hay nói một cách ví von anh “chính là chàng thi sĩ của Hà Nội trong mảng hội họa”(2). Anh không chỉ chắc tay về hình họa, mà màu sắc anh sử dụng trong tranh đã đạt tới độ tinh tế của biểu cảm, thể hiện được sự biến chuyển của thời tiết, khí hậu, của sự vận hành thời gian trong ngày… Say sưa theo đuổi hội họa hiện thực nên Phạm Bình Chương cũng là người sáng lập, đầu tàu của Nhóm họa sĩ Hiện thực ở thủ đô với 15 thành viên, mới được thành lập vào tháng 11-2014 nhưng lại là nhóm đầu tiên tập hợp những họa sĩ chuyên sáng tác theo khuynh hướng hiện thực tại Việt Nam.
Không chỉ sáng tác, họa sĩ Phạm Bình Chương còn là một nhà giáo có bằng thạc sĩ, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (nơi anh tốt nghiệp khoa Hội họa năm 1995), đồng thời là Giám đốc chuyên môn của Trung tâm mỹ thuật Cọ Xinh, một cơ sở dạy mỹ thuật cho thiếu nhi có uy tín tại Hà Nội. Anh còn là tác giả “Giáo trình mỹ thuật dành cho học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở” được Cục bản quyền cấp bằng chứng nhận, tác giả một số bài viết nghiên cứu và tham luận về mỹ thuật cũng như giáo dục mỹ thuật, có thể kể: “Những quan niệm sai lầm về tượng đài ở Việt Nam” (tham luận tại hội thảo “Điêu khắc Việt Nam hiện đại” – Viện Mỹ thuật tổ chức, tháng 5-2006), “Những vấn đề trong giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học, thực trạng và giải pháp” (tham luận tại hội thảo khoa học “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” – Viện Mỹ thuật tổ chức tháng 8-2008)…
(1) Trích bài viết trong sách tranh Phạm Luận (NXB Mỹ Thuật, 2014)
(2) Bài Sắc độ Hà Nội trong tranh Phạm Bình Chương của Nguyễn Thu Thủy, báo Hà Nội Mới 16-12-2007
- Phạm Đán Bình