Tăng huyết áp là mối đe dọa mà Tổ chức Y tế thế giới gọi là “căn bệnh giết người một cách thầm lặng” vì bệnh không có các triệu chứng rõ ràng, những biến chứng của bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, GS-TS Đặng Vạn Phước – Chủ tịch Hội Tim mạch TP. Hồ Chí Minh cho biết rằng doanh nhân và người lớn tuổi là hai đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao nhất. Ông đã phân tích sâu hơn về nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị hiệu quả bệnh tăng huyết áp khi trả lời những thắc mắc của phóng viên.
Xin giáo sư giải thích về mức huyết áp bình thường 120/80mmHg?
Trước hết, chúng ta cần hiểu huyết áp là áp lực của máu trong mạch máu (chủ yếu là động mạch) khi máu lưu thông đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp thường được ghi bởi tỷ số giữa áp lực tâm thu (sức co bóp của tim) và áp lực tâm trương (sức căng của mạch máu).
Trong điều kiện tim co bóp bình thường, thành mạch máu trơn láng, không có tình trạng co thắt hay xơ vữa thì huyết áp ở mức bình thường là dưới 140/90mmHg, nghĩa là trong giới hạn từ 110/70mmHg đến 130/85mmHg, lý tưởng nhất là 120/80mmHg. Phụ nữ trẻ tuổi thường có mức huyết áp hơi thấp, chỉ khoảng 100/60mmHg, đến sau tuổi mãn kinh thì huyết áp của phụ nữ mới tăng nhanh tương đương nam giới. Người càng lớn tuổi thì huyết áp càng tăng.
Khi trời nắng nóng có làm huyết áp dễ tăng cao?
Huyết áp cao hay thấp thường không phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường. Trời nắng nóng làm cho bệnh nhân bị tăng huyết áp dễ gặp biến chứng hơn, còn người bình thường không bị tăng huyết áp. Đôi khi thời tiết lạnh lại làm cho huyết áp tăng lên như một phản ứng tự nhiên của cơ thể, nhưng sau khi đã có thân nhiệt thích ứng thì huyết áp quay trở lại bình thường.
Thông thường, mức huyết áp tăng lên khi chúng ta chơi thể thao hoặc hoạt động mạnh. Liệu cứ thường xuyên chịu huyết áp cao như vậy có dẫn đến bệnh huyết áp cao không, thưa bác sĩ?
Đúng vậy! Khi chơi thể thao, lao động nhiều thì tim ta đập nhanh hơn nên áp suất máu phải tăng theo. Ngoài ra, yếu tố cảm xúc, căng thẳng thần kinh như hồi hộp, lo lắng, sợ hãi, tức giận cũng làm cho huyết áp tăng. Nhưng đó đều là sự tăng huyết áp nhất thời, khi có thời gian nghỉ ngơi hay thư giãn thì huyết áp sẽ quay trở lại bình thường. Chỉ khi huyết áp vượt quá mức 140/90mmHg và duy trì liên tục, không giảm xuống thì cơ thể mới bị bệnh tăng huyết áp.
Chắc là phải kiểm tra nhiều lần mới khẳng định được người mắc bệnh cao huyết áp?
Cũng tùy theo từng trường hợp. Nếu đã loại bỏ được các yếu tố gây nhiễu thì chỉ cần đo huyết áp một lần, còn nếu các trường hợp bệnh nhân có nguy cơ tăng huyết áp cao thì cần đo nhiều lần cho chuẩn xác, đôi khi phải dùng máy đo huyết áp 24 giờ.
Có người nói rằng khi đo ở nhà thì huyết áp bình thường, nhưng vào bệnh viện thì huyết áp lại tăng lên là sao, thưa bác sĩ?
Đó là hiện tượng tăng huyết áp do hiệu ứng “áo choàng trắng”, xuất phát từ yếu tố tâm lý. Những ai gặp phải trường hợp này thì nên nói rõ với bác sĩ để không bị chẩn đoán nhầm.
Những triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, tay chân tê cứng… có phải là dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp?
Xin lưu ý rằng bệnh tăng huyết áp không thể nhận biết bằng các triệu chứng nói trên hay theo kinh nghiệm vì thực tế khám chữa bệnh cho thấy nhiều người có các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, khó chịu, buồn nôn… nhưng mức huyết áp hoàn toàn bình thường. Ngược lại, có người cho rằng mình khỏe mạnh, hầu như không có triệu chứng gì xấu nhưng lại bị tăng huyết áp. Vì vậy, cách duy nhất để phát hiện bệnh tăng huyết áp là đo huyết áp.
Vậy bao lâu thì chúng ta nên đo huyết áp một lần?
Người bình thường thì khoảng hai, ba tháng nên đo huyết áp một lần. Nếu không cải thiện kịp thời thì bệnh tăng huyết áp sẽ dẫn đến nhiều biến chứng ở tất cả các cơ quan có mạch máu, nguy hiểm nhất là các biến chứng có thể gây tử vong như đột quỵ, đứt gân máu, lớn tim, tắt mạch ngoại biên, suy thận…
Bác sĩ có thể phân tích thêm vì sao doanh nhân và người lớn tuổi lại là hai đối tượng dễ bị tăng huyết áp nhất?
Ở người lớn tuổi, nguyên nhân lão hóa khiến cho mạch máu dễ bị xơ hóa, kém đàn hồi, thành mạch máu không còn trơn láng nên áp suất mạch máu cũng tăng. Còn doanh nhân là đối tượng tập trung nhiều yếu tố có nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp như thường xuyên bị căng thẳng thần kinh (suy nghĩ nhiều, stress, mất ngủ, hay lo lắng, tức giận…), thói quen ăn uống không điều độ (ăn mặn, món ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều rượu…), ít vận động, tăng cân nhanh, một số người đã mắc các bệnh mãn tính (rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…).
Xét từng nhân tố thì khả năng gây bệnh không cao, nhưng nhiều nhân tố cùng kết hợp lại thì nguy cơ bị tăng huyết áp rất cao. Rất may là hầu hết các yếu tố gây bệnh đó đều có thể phát hiện sớm và điều chỉnh được. Vấn đề nằm ở chỗ không phải ai cũng đủ điều kiện và quyết tâm thực hiện điều chỉnh nếp sinh hoạt và lối sống.
Việc thay đổi lối sống là nhằm phòng bệnh hay chữa bệnh?
Cả phòng bệnh và chữa bệnh. Bệnh tăng huyết áp cũng do yếu tố di truyền, nhưng không có tác động mạnh bằng các yếu tố nguy cơ. Vì vậy, nếu loại các yếu tố nguy cơ nói trên thì chúng ta có thể phòng bệnh hiệu quả. Trong quá trình chữa bệnh, bệnh nhân phải kết hợp cả dùng thuốc lẫn thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hằng ngày.
Bác sĩ đánh giá chung về hiệu quả điều trị bệnh tăng huyết áp ra sao? Có thể điều trị dứt điểm bệnh này được không?
Có đến 90% bệnh nhân tăng huyết áp không xác định được nguyên nhân, chỉ khoảng 10% bệnh tăng huyết áp có nguyên nhân rõ ràng từ các bệnh về thận, tim, nội tiết. Hầu hết những bệnh nhân được phát hiện sớm và hoặc biết rõ nguyên nhân có thể điều trị dứt điểm bằng phẫu thuật và nhiều tác động khác nhau. Tuy nhiên, qua thực tế khám chữa bệnh, tôi thấy rằng bệnh nhân tăng huyết áp hầu như phải sống với bệnh lâu dài, nhiều khi cả đời. Các loại thuốc hiện nay có hiệu quả ổn định huyết áp rất tốt, nếu có tác động phụ cũng không đáng kể nên có thể sử dụng lâu dài.
Việc thay đổi lối sống của doanh nhân xem ra khó hơn người bình thường vì họ khó tránh khỏi áp lực của công việc và rượu bia trong giao tiếp kinh doanh. Việc điều trị liệu có mang lại hiệu quả?
Doanh nhân nên nói rõ với bác sĩ để được tăng các loại thuốc nhằm hạn chế tác hại của các yếu tố nguy cơ. Trong các bữa ăn, nên thường xuyên ăn cá hơn là ăn thịt, tránh ăn nhiều các loại thịt đỏ. Nên tăng cường ăn các loại thức ăn giàu kali như giá đỗ, chuối chín, các loại đậu, khoai sọ, ngô, khoai tây. Để hạn chế xơ vữa động mạch, nên ăn thêm các loại thực phẩm có chứa chiều vitamin C, vitamin PP như các loại quả chín (cam, quýt, bưởi, xoài), cố gắng ăn nhiều rau hơn.
Chúng ta cũng nên đo huyết áp thường xuyên, tốt nhất là nên có một chiếc máy đo huyết áp tại nhà để theo dõi và phát hiện sự thay đổi không mong muốn về huyết áp. Nếu thấy huyết áp tăng đột ngột thì lập tức nhờ bác sĩ xử lý kịp thời.
Có ý kiến cho rằng điều trị tăng huyết áp chỉ cần thay đổi lối sống chứ không cần dùng thuốc?
Ý kiến đó theo tôi không đúng. Tăng huyết áp là bệnh cần theo dõi và điều trị lâu dài và cần phải kết hợp điều trị với thuốc mới mong giảm được. Khi ổn định huyết áp rồi thì chỉ cần duy trì huyết áp bằng một hai loại thuốc mà thôi.
Người cao tuổi bị tăng huyết áp dễ bị biến chứng gì nhất?
Biến chứng hay gặp nhất ở người cao tuổi bị tăng huyết áp là tai biến mạch máu não. Để phòng tránh tai biến này, khi thức giấc, người bệnh không nên ngồi dậy ngay lập tức, mà nên nán nằm trên giường để có thời gian chuẩn bị, thở nhịp nhàng vài phút giúp cho cơ thể thích nghi dần với sự tăng đột ngột của hệ tuần hoàn, nhờ đó tim, não không bị thiếu máu, thiếu oxy đột ngột. Người cao tuổi bị tăng huyết áp cũng nên lưu ý là cần dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình.
Tuyệt đối không tự động bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc hay nghe theo sự mách bảo của người khác mà dùng đơn thuốc của bệnh nhân khác để điều trị vì thuốc điều trị hạ huyết áp có nhiều nhóm khác nhau, mỗi một nhóm có cơ chế tác dụng khác nhau, có thể nhóm thuốc này phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia.
Liên quan đến huyết áp, xin bác sĩ cho biết thêm về bệnh giảm huyết áp. Nghe nói bệnh này có nguy cơ nguy hiểm không kém gì bệnh tăng huyết áp?
Ai trước đây huyết áp ở mức trung bình, nay xuống thấp hơn và không tăng trở lại mức bình thường như trước là người bị bệnh giảm huyết áp. Một số người ngộ nhận mình bị hạ huyết áp nhưng thật ra huyết áp của họ vốn thấp hơn mức bình thường và điều đó hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cũng như bệnh tăng huyết áp, bệnh giảm huyết áp không thể chẩn đoán chính xác nếu chỉ dựa trên các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi…, mà phải đo huyết áp bằng máy.
Một số trường hợp bị thiếu dinh dưỡng hoặc bị các bệnh mãn tính, kể cả trường hợp người sau cảm cúm có thể bị giảm huyết áp khiến mức huyết áp trung bình bị tụt xuống. Nếu cảm thấy huyết áp xuống nhiều thì họ nên gặp bác sĩ để được hướng dẫn phòng bệnh kịp thời. Bệnh nhân cũng không nên quá lo lắng vì bệnh giảm huyết áp không gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như tăng huyết áp.
Xin cảm ơn bác sĩ về các hướng dẫn trên!