Việt Nam xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới
– Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến cuối năm 2012, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến đạt 7,7 triệu tấn và đứng thứ hai thế giới. Ấn Độ với chính sách bán gạo giá rẻ và lợi thế về địa lý với thị trường châu Phi đã tăng mạnh lượng xuất khẩu lên đến 8,7 triệu tấn để vượt qua cả Việt Nam và Thái Lan.
Bốc xếp gạo xuất khẩu ở cảng Sài Gòn
– Về cà phê, theo Tổ chức Cà phê quốc tế (IOC) Việt Nam đã vượt qua Brazil để trở thành nhà xuất khẩu cà phê số 1 trên thế giới trong năm 2012 nhờ sản xuất được mùa lại được giá. Tính theo niên vụ cà phê (từ 1-10-2011 đến 30-9-2012), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính khối lượng xuất khẩu đạt 1,6 triệu tấn, với kim ngạch đạt trên 3 tỉ USD. Tuy vậy, nếu tính theo sản lượng thì Việt Nam vẫn đứng thứ hai sau Brazil về xuất khẩu cà phê.
– Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết trong 10 tháng đầu năm 2012, lượng điều xuất khẩu ước đạt 181.000 tấn, kim ngạch 1,224 tỉ USD, tăng 25,8% về lượng và 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Nhờ đó, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu hạt điều nhân số một thế giới. Xuất khẩu những tháng còn lại có xu hướng giảm nhẹ nhưng không đáng kể.
– Về cao su, năm 2012 Việt Nam đứng thứ tư về xuất khẩu cao su thiên nhiên với khoảng gần 1 triệu tấn, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Thông tin này được Hiệp hội Cao su Việt Nam công bố trong một hội nghị diễn ra hồi cuối tháng 11-2012.
– Thông tin từ kỳ họp lần thứ 40 của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) mới đây cho thấy khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của quốc tế năm 2012 là 205.752 tấn, trong đó Việt Nam xuất khẩu 118.400 tấn, chiếm hơn 50% thị phần và là nước xuất khẩu hạng nhất, với khoảng cách khá xa so với nước đứng nhì là Ấn Độ.
Đứng thứ 7 thế giới về kiều hối năm 2012
Trong báo cáo cập nhật được Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 11, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2012 có thể đạt con số 9 tỉ USD, đứng thứ bảy trong nhóm các nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2012.
Đứng đầu danh sách này là Ấn Độ với con số kỷ lục 70 tỉ USD. Tiếp theo là Trung Quốc (66 tỉ), Mexico và Philippines mỗi nước nhận 24 tỉ USD. Các nước khác nhận được nhiều kiều hối gồm có Nigeria (21 tỉ USD), Ai Cập (18 tỉ USD), Pakistan và Bangladesh mỗi nước nhận 14 tỉ USD, Việt Nam (9 tỉ USD) và Lebanon (7 tỉ USD).
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế của Việt Nam dự báo lượng kiều hối thực tế sẽ cao hơn con số WB đưa ra, tức là khoảng 10-11 tỉ USD.
Nằm trong Top đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về Niềm tin tiêu dùng
Theo thông tin từ MasterCard Worldwide, Việt Nam xếp thứ ba trong số các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương về Chỉ số Niềm tin tiêu dùng. Chỉ số này được xác định dựa trên năm yếu tố: thu nhập bình quân, chất lượng cuộc sống, thị trường chứng khoán, nền kinh tế và việc làm.
Báo cáo Chỉ số Niềm tin người tiêu dùng nửa đầu năm 2012 của MasterCard Worldwide công bố hồi đầu tháng 8 cho thấy Ấn Độ là quốc gia lạc quan nhất ở châu Á – Thái Bình Dương với 82,1 điểm. Tiếp theo đó là Trung Quốc (77,4 điểm), Việt Nam (77,2 điểm) và Thái Lan (75,8 điểm). Mặc dù niềm tin tiêu dùng của Việt Nam giảm nhẹ 1,6 điểm nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.
Chi phí sinh hoạt tại TP.HCM rẻ nhất Đông Nam Á
Theo khảo sát Chi phí sinh hoạt năm 2012 tại 425 địa điểm ở 193 quốc gia và vùng lãnh thổ của Công ty Tư vấn ECA International, TP. Hồ Chí Minh là thành phố rẻ nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ 217 trên toàn cầu. Thành phố Hà Nội đắt hơn, xếp ở vị trí 204.
Cuộc khảo sát của ECA International đã so sánh những biến chuyển trong một năm qua, tính từ tháng 9-2011 đến tháng 9-2012. Các chi phí sinh hoạt trên chịu ảnh hưởng của lạm phát, lượng hàng hóa sẵn có và tỷ giá hối đoái.
Để giúp các công ty đa quốc gia tính toán lương, ECA tiến hành hai cuộc khảo sát chi phí sinh hoạt mỗi năm, so sánh một giỏ hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ thường được mua tại hơn 400 quốc gia trên thế giới.
Xếp thứ 8 thế giới về tiêu thụ vàng
Theo báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng năm 2011 (Global Demand Trends Report) mà Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về mức tiêu thụ kim loại quý này.
Vàng được xem là một lựa chọn đầu tư hàng đầu của nhiều người Việt để đối phó với lạm phát cao, thị trường chứng khoán xuống dốc và sự mất giá của VND. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số vàng được người dân trong nước cất giữ hiện nay có thể từ 300 đến 500 tấn. Thông tin khác nói số này có thể lên đến 1.000 tấn.