“Ang” hay còn gọi là “ghè” Tàu, loại này có hình trụ tròn thấp với dáng đặc trưng: miệng lớn, cổ ngắn rộng, bụng to, eo thon, chân nhỏ. Từ phần bụng trở xuống hơi giống với chóe, nhưng điểm khác biệt với chóe ngoài chỗ miệng loe rộng hơn cổ (nhưng vẫn nhỏ hơn bụng), dáng thấp hơn, còn ở chỗ ghè không có nắp như chóe. Không hiếm người lầm tưởng ghè là chóe mất nắp.
Miêu tả
Đường kính miệng/vành: 24cm
Chiều cao: 20cm
Vòng bụng: 86cm
Số đo vòng eo: 58cm
Đường kính trôn: 19cm
Niên đại: khoảng giữa thế kỷ 19, cuối Thanh
Xuất xứ: Trung Quốc (gốm Tàu)
Kích thước (nhỏ – trung bình – lớn): thuộc loại lớn
Ngày nay, ghè Tàu không còn được dùng trong sinh hoạt bình thường, mà trở thành đồ cổ ngoạn, trước đây không rõ nó có chức năng công dụng gì, có người đoán là người xưa dùng để đá dế, đá cá, sau người ta còn dùng làm bát hương ở đình, chùa.
Tình trạng: Men nếp (trắng đục) bóng khỏe, miệng và đế đã được viền đồng lâu năm. Chỉ âm rạn thẳng 1cm trên vành, còn lại đều lành lặn.
Minh văn
Minh văn là chữ viết nói chung bao gồm thơ ca, văn xuôi, danh ngôn, hiệu đề, niên hiệu, niên đại, ấn triện chữ… được viết hay chạm khắc trên hiện vật. Minh văn được xem là một tiêu chí, chỉ dẫn quan trọng cho việc tìm hiểu cũng như đánh giá giá trị văn hóa và lịch sử của hiện vật, nâng cao giá trị của hiện vật. Nó hấp dẫn người thưởng ngoạn không chỉ về tri thức, vẻ đẹp bao hàm trong các câu thơ con chữ, mà còn ở tính thẩm mỹ do nghệ thuật thư pháp mang lại. Giới cổ ngoạn có câu: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”, nói về 4 thú chơi: thư pháp, tranh, gốm sứ, đồ gỗ, thì thường đồ gốm sứ đã có đủ 3: chữ, tranh, sành. Điều này chứng tỏ người chơi đồ xưa đánh giá rất cao những cổ vật có minh văn, có những nhà sưu tập chỉ chơi toàn đồ gốm chữ.
- Xem thêm: Dĩa Mã Liễu
Minh văn trên chiếc ghè này cứng cáp mà phóng khoáng, rõ, đẹp, hầu hết viết theo lối phồn thể (đầy đủ các nét), có một số chữ viết theo lối giản thể (lược bớt nét) như “họa chúc 画烛”, “vạn 万”,… song đó không phải theo văn tự hiện đại mà là cách viết lược, thảo thường thấy trong thư pháp của người xưa. Đếm tất cả thấy có 19 bài thơ chữ Hán của 13 thi nhân các thời: Đường, Tống, Minh, Thanh; trong đó 18 bài thất ngôn tuyệt cú (4 câu, mỗi câu 7 chữ), chỉ có 1 bài thất ngôn bát cú (8 câu, mỗi câu 7 chữ, nhưng bị lược mất 2 câu chỉ còn 6). Chữ được viết từ miệng, vắt qua cổ, chạy thẳng xuống chân ghè, mỗi dòng 21 chữ (tương đương 3 câu thơ, có 1 dòng 20 chữ), tất cả chỉ bao gồm nội dung, không ghi nhan đề và tác giả. Dưới đây là danh sách chi tiết tác phẩm và tác giả mà chúng tôi tra cứu được.
Thời Đường 14 bài:
Thanh bình điệu 清平調 bài 1-2-3
Dữ Sử Lang trung khâm thính Hoàng Hạc lâu thượng xuy địch 與史郎中欽聽黃鶴樓上吹笛
Xuân dạ Lạc thành văn địch 春夜洛城聞笛
Ngô vương mỹ nhân bán túy 吳王美人半醉
Sơn trung vấn đáp 山中問答 (Lý Bạch)
Sơn hành 山行 (Đỗ Mục)
Yến thành đông trang 宴城東莊 (Thôi Mẫn Đồng)
Phù Dung lâu tống Tân Tiệm, bài 1 芙蓉樓送辛漸 (Vương Xương Linh)
Tích trung tác 磧中作 (Sầm Tham)
Giang lâu thư hoài 江樓書懷 (Triệu Hỗ)
Yến thành đông trang 宴城東莊 (Thôi Huệ Đồng)
Phong kiều dạ bạc 楓橋夜泊 (Trương Kế)
Quy yến từ từ Công bộ thị lang 歸燕詞辭工部侍郎 (Chương Hiếu Tiêu)
Thời Tống 1 bài:
Thất tịch 七夕 (Dương Phác)
Thời Minh 2 bài cùng nhan đề:
Lưu Bá Xuyên tịch thượng tác 劉伯川席上作 (Dương Sĩ Kỳ, Trần Mạnh Khiết).
Thời Thanh 1 bài:
Vi trung thi 闈中詩 (Viên Tùng Ly).
Danh sách trên cho thấy, Thi Tiên Lý Bạch chiếm số lượng áp đảo với 7 bài được tuyển, các tác giả khác mỗi người chỉ có 1 bài được chọn.
Trong số các tác phẩm kể trên, phần nhiều là những bài đã khá quen thuộc với chúng ta, có thể tra tìm được trên mạng, do số lượng bài quá nhiều trong khi khuôn khổ bài báo không cho phép, ở đây chỉ dịch mới giới thiệu 1 bài Xuân dạ Lạc thành của Lý Bạch (không chép nguyên tác Hán văn, chỉ phiên âm và dịch thơ):
Thùy gia ngọc địch ám phi thanh
Tán nhập xuân phong mãn Lạc thành
Thử dạ khúc trung văn chiết liễu
Hà nhân bất khởi cố viên tình.
Đêm xuân ở Lạc thành
Tiếng sáo nhà ai thấp thoáng bay
Tan theo gió ấm khắp thành này
Khuya nghe khúc nhạc miền quê cũ
Thử hỏi lòng nào dạ chẳng say.
Và sau này là những bài thơ “lạ” thời Minh và Thanh, vì ít người biết tới, khó tra tìm được.
Phiên âm:
Lưu Bá Xuyên tịch thượng tác
Phi tuyết sơ đình tửu vị tiêu
Khê sơn thâm xứ đạp quỳnh diêu
Bất hiềm hàn khí xâm nhập cốt
Tham khán mai hoa quá dã kiều.
Dịch thơ:
Trả lời ngài Lưu Bá Xuyên
Tuyết đã dừng rơi rượu vẫn cay
Núi non khe suối đẹp như say
Chẳng hiềm khí lạnh vào xương cốt
Chỉ muốn qua cầu ngắm bạch mai.
Tác giả bài thơ trên đây là Dương Ngụ 楊寓 tự Sĩ Kỳ 士奇, hiệu Đông Lý 東里.
Sĩ Kỳ sống vào cuối thế kỷ 14 – đầu thế kỷ 15. Ông là một vị quan có danh vọng với hơn 40 năm trong chính trường, trải 5 đời vua, từng giữ chức Lễ bộ thị lang, Hoa cái điện đại học sĩ, Binh bộ thượng thư, đồng thời ông còn là một học giả tiếng tăm thời Minh, từng chủ trì biên soạn các bộ sách Minh Thái Tông thực lục, Minh Nhân Tông thực lục, Minh Tuyên Tông thực lục.
Liên quan đến lai lịch bài thơ có giai thoại như sau: Khi Dương Ngẫu 14-15 tuổi dẫn bạn tên Trần Mạnh Khiết 陳孟潔 đến nhà bạn của cha mình là Lưu Bá Xuyên chơi. Khi đó mùa đông, tuyết vừa ngừng rơi, chung quanh quang cảnh tuyết phủ trắng như bạc rắc rất đẹp. Ba người uống rượu cho ấm người rồi cùng đi dạo bên một bờ suối, Lưu Bá Xuyên bảo hai thiếu niên làm thơ tả chí khí. Dương Ngẫu làm một bài thất tuyệt trình lên, chính là bài thơ kể trên, còn dưới đây là bài của Trần Mạnh Khiết:
Phiên âm:
Thập niên cần khổ sự kê song
Hữu chí thanh vân bạch ngọc đường
Hội đãi hương phong dương liễu mạch
Hồng lâu tranh khán lục y lang.
Dịch thơ:
Mười năm đèn sách khó nhọc qua
Để chí vào trong những gấm hoa
Đợi lúc áo xanh tên đề bảng
Lầu hồng bao kẻ ngắm nhìn ta.
Lưu Bá Xuyên xem xong bảo Dương Ngẫu: Thơ ngươi có cái vẻ của một hàn sĩ như hoa mai trong tuyết lạnh, nhưng tương lai tất sẽ nên nghiệp lớn; rồi quay qua bảo Trần Mạnh Khiết: Mười năm đèn sách khó nhọc chỉ để làm vui lòng cho đám chị em, ngày sau người sẽ thành chàng tiến sĩ phong lưu. Quả nhiên, sau này cuộc đời hai người diễn ra đúng như lời tiên đoán của Lưu Bá Xuyên.
Tác giả của bài thơ tiếp theo là danh sĩ Viên Tùng Ly 袁松籬 thời Khang Hi nhà Thanh, quan trường lận đận, làm bài này như lời than thở.
Phiên âm:
Nhị thập niên tiền cổ chiến trường
Ngọa thinh tiều cổ dạ mang mang
Tam điều họa chúc liên tâm nhiệt
Nhất kính hàn phong tú cốt lương
Khổ hướng tri trần mai mấn phát
Bằng thùy thanh nhãn thác văn chương
Minh tiêu biệt hậu Trường An nguyệt
Biên chiếu hà kiều liễu vạn hàng.
Dịch thơ:
Hai chục năm qua giữa chiến trường
Nằm nghe trống gọi giữa đêm hoang
Nến hoa ba chiếc buồn tê tái
Gió lạnh một cơn lạnh thấu xương
Tóc trắng bụi chôn đen màu đất
Mắt xanh ai kẻ viết thành chương
Đêm mai từ giã Trường An nguyệt
Để lại cầu côi liễu vạn hàng.
Câu chuyện và tác phẩm này thấy trong sách Trì bắc ngẫu đàm 池北偶談 của Vương Sĩ Trinh thời Thanh. Điều đặc biệt cần chú ý đối với tác phẩm này là bài thơ nguyên 8 câu như trên, nhưng khi viết lên ghè, nghệ nhân đã lược bỏ câu 5 và 6 (Khổ hướng tri trần mai mấn phát, Bằng thùy thanh nhãn thác văn chương), thành ra chỉ còn 6 câu. Chúng tôi dẫn toàn văn để quý vị tiện tham khảo.
- Xem thêm: Bình song tâm – Tích tứ dân