Chùa Tam Bảo
Vào những năm cuối thế kỷ 18, một Phật tử tại Rạch Giá là bà Dương Thị Oán đã đứng ra xây dựng một ngôi chùa trên một khu đất thuộc phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá hiện nay và đặt tên hiệu là chùa Tam Bảo. Đến nay, người ta vẫn chưa rõ tiểu sử của bà Dương Thị Oán cũng như những vị trụ trì đầu tiên của ngôi chùa mà chỉ biết rằng, trong những năm chiến tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã từng có một thời gian tạm lánh tại chùa Tam Bảo nên sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã ban sắc tứ cho chùa vào năm 1803 và từ đó, được gọi là chùa Sắc Tứ Tam Bảo.
Nhà văn Sơn Nam trong quyển Hồi ký Từ U Minh đến Cần Thơ kể lại rằng bà Dương Thị Oán giàu có nhờ buôn bán lúa gạo tại địa phương. Khi Nguyễn Ánh đang trốn chạy Tây Sơn, bà đã giúp Nguyễn Ánh những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo không đứt lúc vượt biển thay cho loại quai chèo thắt bằng gai, bằng bố dễ đứt. Sau này khi lên ngôi, vua Gia Long đã ban sắc tứ cho chùa Tam Bảo.
Từ năm 1940, chùa Tam Bảo là địa điểm liên lạc của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang và là nơi cất giấu vũ khí tự tạo cùng tài liệu, truyền đơn chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam kỳ. Các vị trụ trì qua nhiều thế hệ, đều tham gia cách mạng, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Chùa Sắc Tứ Tam Bảo là một di sản lịch sử-văn hóa quý báu của tỉnh Kiên Giang với lối kiến trúc còn nguyên trạng suốt 80 năm qua, hoàn toàn đủ tiêu chuẩn chùa cổ. Trong chùa còn lưu giữ được những tác phẩm độc đáo của nghệ thuật chạm khắc gỗ như toàn bộ các bao lơn trên Chánh điện được chạm trổ tinh vi theo dạng “lưỡng long chầu nguyệt”, “song phụng triều châu”, “Bát Tiên”… với màu sơn son thiếp vàng còn rực rỡ, quần thể tượng gỗ Phật Di Lặc, Chuẩn Đề, Địa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm Thế Chí… đạt trình độ cao. Rất tiếc, tấm biển có giá trị nhất, thủ bút của vua Gia Long Sắc tứ Tam Bảo tự đã không còn.
Đền thờ Nguyễn Trung Trực
Đền thờ Nguyễn Trung Trực tọa lạc ở phía Tây trung tâm thành phố Rạch Giá, là ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực sớm nhất và lớn nhất trong số 9 ngôi đền thờ ông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, hiện ở đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá. Sau khi Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử chém ngày 27.10.1868 tại chợ Rạch Giá, lúc ông mới 31 tuổi. Những người dân yêu kính ông đã bí mật thờ ông trong đền thờ Nam Hải đại tướng quân (cá voi hay cá ông). Đền thờ nằm bên sông Cái Lớn, với công viên và cầu sắt bắc qua dòng sông êm đềm, cảnh sắc nên thơ.
Đền thờ được xây dựng theo kiểu chữ tam, gồm có chánh điện, đông lang và tây lang. Cổng đền có ba cửa (tam quan), cổ kính với mái ngói hai tầng trang trí hình “lưỡng long tranh châu” trên đỉnh. Hai bên là đôi câu đối bằng chữ Quốc ngữ được đắp nổi sơn vàng trên nền đỏ, là hai câu trong bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực của Huỳnh Mẫn Đạt:
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
Nhà thơ Thái Bạch dịch:
Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.
Mộ Nguyễn Trung Trực nằm trong khuôn viên, từ cổng nhìn vào, ở bên trái đình. Ngôi mộ bằng xi măng, hình chữ nhật, mà phía sau là một tấm bia cao khoảng 2m, rộng hơn 1m, trên khắc chữ: Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1838 – 1868). Ở góc phải mộ có một tảng đá nhỏ ghi ngày đặt viên đá đầu tiên xây mộ là là ngày 18 tháng 10 năm 1986.
Năm 1988, Bộ Văn hóa – Thông tin đã công nhận mộ và đền Nguyễn Trung Trực là Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp quốc gia.
Lần theo dấu vết “xóm Cù Là”
Hôm sau, đoàn chúng tôi lên đường trong bộ đồng phục “về nguồn”, tham quan di tích chùa Cù Là. Theo nhà khảo cứu An Chi, chính xóm Cù Là là nơi phát tích dầu cù là, tôi có dịp khảo sát tận nơi.
Về xóm Cù Là, nhà văn phong thổ miền Nam Sơn Nam có những mô tả cụ thể hơn. Trong tiểu thuyết Xóm Cù Là có đoạn: “Dân trong xóm sống vui vẻ tập trung tại Ngã Tư, nơi gặp gỡ tự nhiên của hai con rạch cong queo và dùng đến ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Triều Châu. Các vị bô lão cho biết: xưa kia, vài người mộ đạo đã cất ngôi chùa tại Ngã Tư. Một vị tướng nhà Nguyễn từng tá túc tại chùa. Để đền ơn, ông đã dâng cho chùa một tượng Phật nhỏ mà ông đã thỉnh tại xứ Cù Là (Miến Điện)”. Chùa Cù Là có tên từ đó.
Chắc nhiều người ở Nam bộ vẫn nhớ ngày nhỏ chơi trò “bòn bon” vừa rờ rẫm đoán ai với ai vừa cười hề hề. Trò “bòn bon” kèm bài đồng dao: “Bòn bon-Sô cô la-Bánh tây-Sữa hột gà-Dầu cù là-Bánh trung thu…”. Toàn những món tuổi thơ thòm thèm, trừ dầu cù là. Trong bài đồng dao trên, có nơi còn hát rõ cả hiệu “dầu cù là Mác Su”.
Theo chỉ dẫn của Sơn Nam như lần theo dấu chân chim hồng trên tuyết, tôi đến xóm Cù Là, thuộc làng Vĩnh Hoà Hiệp, huyện Châu Thành – Kiên Giang, cách TP Rạch Giá 13km. Gần đó có xóm Tà Niên, nổi tiếng nghề dệt chiếu. Trước năm 1975, tôi từng coi cuốn tiểu thuyết Cô gái Tà Niên. Tà Niên nổi tiếng là nơi sản sinh nhiều người đẹp miệt Lục tỉnh, chỉ có làng nghề thì đã mai một.
Tôi không có ý đồ săn tìm người đẹp mà chỉ chú tâm tìm kiếm dấu chân người Cù Là. Ngày nay, không còn tìm thấy dấu vết khu dân cư người Miến Điện thuở nào, hỏi hướng dẫn viên thì ú ớ tưởng tôi kể chuyện 1.001 đêm. Thay vào đó là cụm Di tích Cách mạng chùa Cù Là đồ sộ.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Khmer vận tỉnh ủy Kiên Giang, vào lúc 5 giờ 30 sáng ngày 10.6.1974, sư sãi cùng đông đảo đồng bào đã đổ ra lộ 12 (nay là QL61). Đi đầu đoàn biểu tình là 4 vị sư Khmer dương cao cờ Phật giáo, kế đến là các vị sư mang tấm biểu ngữ đỏ với dòng chữ “Trả tự do cho các vị sư bị bắt đi quân dịch” bằng 2 thứ tiếng Việt và Khmer.
Khi đến cầu Tà Niên đoàn biểu tình đã xảy ra xung đột với cảnh sát ngụy, 4 nhà sư dẫn đầu đã anh dũng hy sinh. Năm 2012, tỉnh Kiên Giang đã trùng tu ngôi chùa, xây dựng bửu tháp, truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho 4 nhà sư và lấy ngày 10.6 là ngày lễ hội truyền thống hằng năm.
Đây là ngôi chùa Khmer theo phái Nam tông. Tôi đến vào đúng ngày lễ hội 10.6, nên khách hành hương tấp nập. Thời gian phôi pha, người Cù Là đã tứ tán, nhưng tiếng thơm dầu cù là vẫn trường tồn trong tâm trí người Việt, tượng trưng cho mối tình hữu nghị nhân dân 2 nước Việt Nam-Myanmar.
Một thoáng Cà Mau
Đoàn “Về nguồn” đến Cà Mau vào buổi trưa. Điểm đến là Đất Mũi, nên Cà Mau trở thành nơi trung chuyển. TP Cà Mau là TP cực Nam của Tổ quốc, mức độ sầm uất vượt xa TP Rạch Giá.
Ở Quảng trường trung tâm TP, nay đã dựng lên tượng đài “Sĩ Nông Công Thương”, cao 21m, được người Cà Mau gọi đùa là “4 ông không nhìn mặt nhau”. “Tứ dân” đã được công nhận, “Thương nhân” cũng giành được vị trí trang trọng, phản ánh tư duy đã đổi mới.
Công viên Tràm chim là tràm chim duy nhất trong cả nước lọt ngay trung tâm TP. Công viên rộng 5,5ha, nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, P9, TP Cà Mau, đã xây tường rào bao quanh. Tràm chim có hàng trăm loài chim, hàng vạn cá thể, chiều đến là cánh chim về tổ rợp trời, thật mãn nhãn cho những người yêu thiên nhiên như tôi.
Đoàn chúng tôi nghỉ tại khách sạn Mường Thanh 5 sao. Đây không chỉ là khách sạn tốt nhất trong chuyến đì này, mà còn là do đội ngũ phục vụ nữ duyên dáng trong bộ đồ dân tộc Thái, như tái hiện ý thơ của bản nhạc Tình ca Tây Bắc.
Đường ra Đất Mũi
Năm 2007, khi lần đầu đi phượt đên Đất Mũi, tôi xuống bến Phan Bội Châu đi tàu cao tốc từ Cà Mau, mất 2 giờ 30 phút đến chợ Đất Mũi, rồi đi tiếp 15 phút xe ôm (4km, giá 50.000đ/người, quy ra thời giá bây giờ) đến tận cùng đất nước.
Năm Căn vẫn là điểm cuối của “con đường thiên lý”, phải dành đôi lát cho du khách hoài niệm, cũng như ở “Mile 0” bang BC Canada vậy (xem bài Vancouver, rực nắng thu vàng, cùng tác giả, từng đăng trên KTNN). Năm Căn khá sầm uất, đã có kế hoạch nâng cấp lên thị xã, nhưng có lẽ do thời gian eo hẹp, nên đoàn đã không dừng chân mà lo vội ra bến ca nô.
Ca nô lướt sóng, uốn lượn qua hệ thống sông rạch chằng chịt, cảnh sắc đặc trưng nhất là rừng đước bạt ngàn dọc hai bờ. Rừng đước với tán cây dày và thấp, rễ phụ mọc tua tủa, tạo thành cảnh quan đặc thù của rừng ngập mặn được sách du lịch quốc tế tôn danh là “Rừng rậm Amazon phương Đông”. Nước ta tuy không lớn, nhưng nguồn dự trữ sinh quyển xếp hạng 8 thế giới, thật đáng tự hào.
Dọc 2 bờ rạch, người ta cũng sống trong những ngôi nhà hai mặt tiền: Mặt tiền lộ và mặt tiền sông. Nhà nào có mặt tiền sông cũng tận dụng mặt quay ra sông để kinh doanh, kể cả. những ngôi nhà được xây nhô ra sông trên các cột xi măng. Không chỉ vựa cá, vựa tôm, vựa gạo… ủ ê, xám xịt, người ta còn mở bất cứ thứ gì có thể như một dãy phố lớn: từ studio chụp ảnh cưới, tiệm thuốc tây, cửa hàng bán điện thoại cũ cho đến trại hòm.
Qua 1 tiếng rưỡi sóng sánh trên Rạch Tàu, chúng tôi đã đến thẳng bến chuyên dùng của khu du lịch có cái tên dài dòng: Công viên Văn hóa Sinh thái mũi Cà Mau.
Tản mạn giữa trời và biển
Bước lên bờ, điều khiến tôi sửng sốt là khác với lần trước ra vào cửa tự do, nay ai đó đã quây hàng rào đặt chốt thu tiền. Cảnh đẹp thiên nhiên hãy để nhân dân thụ hưởng, cớ sao lại đè cổ du khách thu tiền khi công trình còn ngổn ngang? Tôi đã có dịp du ngoạn thác Niagara hùng vĩ từ cả phía Mỹ lẫn phía Canada. Họ đã xây dựng công viên Niagara cực đẹp mà không hề thu phí; họ cho rằng chi phí xây dựng là lấy từ tiền thuế của dân, nên không có lý do gì thu phí cả. Tôi đã tức cảnh vịnh 2 câu thơ: “Nhớ lúc thả hồn ngắm Cõi Tiên/ Nay còn gió biển chẳng thu tiền”. Du khách đa phần đến từ miền Bắc, dân Cà Mau lại có người chưa đặt chân tới Đất Mũi, vì ngại đường xá cách trở.
Từ cổng công viên vào, còn phải đi bộ khá xa mới tới cột mốc địa đầu, 2 bên đường tuy cắm biển “Rừng sinh thái”, nhưng ngổn ngang gạch vữa. Hà Nội dự tính xây dựng ở đây cột cờ mô phỏng Cột Cờ Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Tôi không thể tưởng tượng, Cột cờ Hà Nội có bối cảnh văn hóa đặc thù, cấy ghép gượng gạo, liệu có “râu ông nọ cắm cằm bà kia” không?
Mỏm chóp của Đất Mũi có xây cột tọa độ “MPS001” hình trụ và một tiêu chí hình thuyền buồm trên có ghi dòng chữ “Bắc vĩ 8o37’30”, “Đông kinh 104o43”. Tiêu chí có hình thuyền buồm là lấy ý thơ của nhà thơ Xuân Diệu:
Tổ quốc ta như một con tàu
Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau
So với lần trước tôi đến, cột mốc không thay đổi, nhưng đã lui vào nội địa cả trăm mét do lượng phù sa khổng lồ dưới tác động của dòng hải lưu, không tích tụ ở cửa sông Mê Kông mà trôi dạt theo hướng Tây Nam, hình thành mũi Cà Mau.
Lần trước, tôi lên đài Vọng Hải, cao 21m, có thể thấy rõ điểm gặp giữa dòng hải lưu đục phía Đông vì mang phù sa và hải lưu từ phía Tây, gạn đục khơi trong, phân biệt rõ ràng. Toàn cõi Việt Nam, cũng chỉ ở đây mới có thể đồng thời ngắm cảnh bình minh mặt trời mọc và hoàng hôn mặt trời lặn trên biển.
Đài Vọng Hải đã bị dỡ bỏ, vòng cung dọc bờ biển đã được xây lan can, có thể phóng tầm mắt nhìn rừng đước, nhưng đất mũi (theo nghĩa đen) đã bị che khuất.
Năm 2007, lần đầu đến Đất Mũi, tôi phát hiện khoảng 20m ngoài biển còn có 1 chỏm đá, đó mới là tận cùng của dải đất hình chữ S! Tôi liền rủ thêm một người đồng hành cởi giày, lội nước ra tận nơi. Lần này, muốn làm “anh hùng” kiểu Don Kihote cũng không xong.
Khi đứng trên hành lang bê tông dài bắc ra tận biển, thấy tất cả những gì “đáng tiếc” chỉ còn là tiểu tiết, cả vầng mặt trời đang rải lửa đến hoa cả mắt cũng bỗng hóa thành làn gió mát
Hoài niệm Cà Mau, tôi từng làm bài Nhớ Cà Mau theo thể Đường luật (chữ in nghiêng là địa danh):
Hỡi anh Lữ Khách mải về đâu?
Hãy đến với em vơi nỗi sầu:
Nắng rọi U Minh tung cánh hạc,
Trăng soi Đá Bạc rợp ngư châu.
Hai dòng Kinh, Vị khơi trong đục,
Một cõi Bồng Lai cuộc bể dâu.
Lên đỉnh Hòn Khoai hoài đất Mũi,
Lữ trình muôn dặm nhớ Cà Mau!
Hôm sau từ biệt Cà Mau trong ánh ban mai, đoàn chúng tôi lại lên đường hướng về tỉnh Bạc Liêu.