Theo một kết quả điều tra gần đây, có đến 35% phụ nữ trên toàn thế giới từng trải qua sự bạo hành thể xác hay tình dục của người hôn phối hay bạn tình. Mặt khác, trong tổng số phụ nữ bị sát hại vào năm 2012 thì có gần phân nửa là nạn nhân của bạn tình hay người thân trong gia đình của họ. Tuy nhiên, không phải trường hợp bạo hành nào cũng được nạn nhân hay các nhân chứng báo với nhà chức trách, vì thế kết quả điều tra trên không phản ánh đầy đủ thực chất của vấn đề. Một trong những nguyên nhân của tệ nạn này ít được đề cập đến là tình trạng lấy chồng quá sớm của nhiều thiếu nữ chưa đến tuổi thành niên. Hiện trên thế giới có 700 triệu thiếu nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi, hơn một phần ba trong số này lập gia đình trước tuổi 15! Họ không có đủ khả năng thực hiện tình dục an toàn, dễ mắc những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, trong đó có bệnh HIV/AIDS. Trong số 20,9 triệu nạn nhân của lao động cưỡng bức, 55% là phụ nữ.
Sự bạo hành dễ xảy ra ở những phụ nữ làm vợ, làm bạn tình khi tuổi còn quá trẻ, do họ không có đủ kinh nghiệm và hiểu biết về cách hành xử trong đời sống chung, nhất là ở các nước đang phát triển. Tại một số nước châu Phi như Rwanda, Tanzania, Nam Phi và gần đây hơn, tại Ấn Độ, những phụ nữ bị bạo hành bởi bạn tình lại là những người dễ bị lây nhiễm HIV nhất. Ngay cả ở một nước tiên tiến như Mỹ, khoảng 11,8% số phụ nữ trên 20 tuổi mang virus HIV là nạn nhân của bạo hành từ người bạn tình hay người phối ngẫu. Cái giá của tệ nạn này ít ai ngờ tới: năm 2003, nó gây thiệt hại 5,8 tỉ USD tại Mỹ và năm 2004 gây cho nước Anh thiệt hại đến 22,9 tỉ bảng…
Trước thực trạng đó, nhiều nước, nhiều tổ chức trên thế giới, đi đầu là Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng báo động và kêu gọi một nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn nạn bạo hành phụ nữ. Hoạt động này được ưu tiên đưa vào chương trình phát triển sau năm 2015, trên tinh thần bản tuyên bố năm 1993 về việc triệt tiêu nạn bạo hành phụ nữ, cùng nhiều văn kiện được công bố sau đó. Việc thành lập Tổ chức bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) trực thuộc Liên Hiệp Quốc là hành động tiêu biểu cho nỗ lực này. Tổ chức trên đang thành lập các nhóm tư vấn xã hội dân sự cấp toàn cầu, cấp khu vực và cấp quốc gia để thực hiện các mục tiêu đề ra trong khuôn khổ bản tuyên bố 1993 và chương trình phát triển sau năm 2015. Tất cả chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, kết quả còn tùy thuộc vào tính hiệu quả của nỗ lực chung trên toàn thế giới.
Lê Cẩn theoIPS, Telegraph…