Nhật Bản nổi tiếng là dân tộc cần kiệm nhất hành tinh. Ngay cả giới trẻ ở đây cũng thích phong cách re-tro, ưa tái chế và sử dụng đồ cũ thay vì chạy theo công nghệ tân tiến. Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến những người có tiền ở đây thay đổi. Họ đua nhau tiêu xài tẹt ga, khiến doanh thu của các mặt hàng và dịch vụ xa hoa đột ngột tăng mạnh.
Ngược chiều xu hướng
Tháng 8.2020, trang doanh nghiệp điện tử Business Insider của Mỹ đưa tin: Covid-19 không ngăn được các tỷ phú Hoa Kỷ kiếm thêm tổng cộng 637 tỷ USD. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, doanh thu của tỷ phú công nghệ Jeff Bezos (1964) tăng hẳn 48 tỷ USD. Với số tiền khổng lồ này, CEO của Tập đoàn Amazon trở thành người có thu nhập cao nhất toàn cầu.
Các ông chủ tập đoàn khác tuy thua kém Bezos, nhưng cũng kiếm thêm được hàng tỷ USD. Khối tài sản của Elon Musk (1971) tăng 17,2 tỷ USD, Steve Ballmer (1956) tăng 15,7 tỷ USD, ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson (1933) 5 tỷ USD, Eric Yuan (1970) thì 2,5 tỷ USD… Trái lại, ở Nhật Bản, khoản tài chính của giới giàu hình như chỉ có giảm.
Theo số liệu thống kê năm 2015, Nhật Bản có tổng cộng 53,33 triệu hộ gia đình. Vào năm 2018, Nhật Bản xác nhận có 1,27 triệu hộ sở hữu khối tài sản trên 100 triệu yen (nhiều hơn 22,13 tỷ VNĐ), được xét vào diện “hộ thượng lưu”. Đằng sau họ là 3,22 triệu hộ sở hữu khối tài sản từ hơn 50 – 100 triệu yen (tương đương 11,07 – 22,13 tỷ VNĐ), được xét vào diện “hộ trung lưu”. Kế đến là 7,2 triệu hộ sở hữu khối tài sản từ 30-50 triệu yen (tương đương 6,64 – 11,07 tỷ VNĐ), được xét vào diện “hộ bình lưu”. Còn lại là các hộ nghèo.
Mặc dù hiện tại chưa có số liệu thống kê nào về giá trị khối tài sản của tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Nhật Bản, nhưng lượng tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ thì đột ngột tăng vọt. Theo báo cáo từ đại lý cung cấp xe hơi L’Operaio Setagaya (nằm giữa khu phố đông đúc dân cư nhất của thủ đô Tokyo), doanh số bán xe nửa đầu năm 2020 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019. “Hầu hết xe hơi được xuất kho đều thuộc các thương hiệu sang trọng như Porsche, Mercedes-Benz và Maserati”, Tsubasa Kubo – giám đốc L’Operaio Setagaya cho biết. “Lượng các mẫu xe có giá trên 10 triệu yen (hơn 2,2 tỷ VNĐ) được tiêu thụ tăng từ 18% lên 25%”.
Trên khắp nước Nhật, các mặt hàng thời trang đắt tiền bán chạy như tôm tươi. Những thương hiệu nước ngoài cao cấp như Louis Vuitton (Pháp) và Tiffany (Mỹ) tăng doanh số từ 20-30% so với năm ngoái.
Truyền thống cần kiệm
Nhật Bản là quốc gia cần kiệm. Từ xưa, họ đã nổi tiếng chịu thương chịu khó, chắt bóp để dành. Trong khi giới trẻ thời nay trên khắp thế giới đua nhau chạy theo công nghệ, thanh thiếu niên Nhật Bản lại không mấy quan tâm đến cái gọi là “thời thượng”. Họ ưa thích lối sống hoài cổ của cha ông, tái chế và tận dụng tối đa các sản phẩm lỗi thời. Thay vì máy chụp ảnh đời mới nhất với vô vàn chức năng hấp dẫn, giới trẻ Nhật Bản yêu các kiểu camera cổ lỗ sĩ. Họ thậm chí say mê các mẫu chụp và lưu ảnh bằng phim của thế kỷ trước. Ngay cả nghe nhạc, thanh thiếu niên Nhật cũng có phần thích băng cassette và đĩa than.
Các nhà xã hội giải thích: thị hiếu re-tro (hoài cổ) ở Nhật bắt nguồn từ thảm họa Bong bóng Kinh tế (1986-1991). Sau khoảng thời gian bùng nổ sự tăng trưởng sau Thế chiến thứ hai (1939-1945), nền kinh tế nước Nhật rơi vào cuộc đại suy thoái. Hàng loạt các công ty, tập đoàn phá sản, đẩy hàng triệu người Nhật trong độ tuổi lao động thành kẻ “vô công rỗi nghề”. Thu nhập bình quân trên đầu người rơi xuống đáy, trong khi các mặt hàng tiêu dùng lần lượt tăng giá. Nhưng người Nhật vốn bình thản trước khó khăn. Thay vì hốt hoảng và kêu than, họ lục lại nhà kho, đem những món đồ đã cũ hỏng ra sửa chữa, dùng lại.
Bước sang thế kỷ XXI, Nhật Bản dần vực lại nền kinh tế. Họ luôn đi đầu trong lĩnh vực công nghệ, sáng tạo và sản xuất hầu hết các mặt hàng tân tiến nhất thế giới. Dù vậy, người dân vẫn giữ nếp cần kiệm, tái chế và tái dụng tối đa. Tỷ lệ tái chế rác nhựa ở đây lên tới 84%, cao nhất toàn cầu.
“Ăn chơi sợ gì… Covid”
Thế nhưng Covid-19 đã gây ra tác động lớn lên xu hướng chi tiêu của người Nhật Bản. Nó biểu hiện rõ ràng ở thực tế tiêu dùng của giới trung – thượng lưu gần đây. Sau xe sang và hàng hiệu, họ đổ xô vung tiền vào nhiều khoản tiêu dùng khác. Đầu tiên, người giàu Nhật mạnh tay chi tiền cho các con em. Theo nhà văn Tokio Godo (Nhật Bản), việc tạm đóng cửa các trường học vì đại dịch khiến các bậc phụ huynh có điều kiện tài chính không tiếc đầu tư cho con cái. Họ hào phóng mua máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh… thuê gia sư trực tuyến, tạo điều kiện cho con em học hành tại nhà thuận lợi.
Tiếp đến, họ vung tay cho bản thân. Tại Harajuku, thánh địa của các cửa hàng và chuỗi buôn bán đồ ăn ngon giữa Tokyo, các quán xá bắt buộc phải tạm ngừng kinh doanh vì đại dịch. Tuy nhiên một vài ngày trong tuần, họ vẫn mở cửa và chỉ phục vụ 1 thực khách. Đó là người đã trả tiền bao trọn gói, để thoải mái tận hưởng món ngon mà không vi phạm quy định kiểm dịch.
Đối với dịch vụ giao thức ăn đến tận nhà, giới trung-thượng lưu Nhật Bản đòi hỏi phương tiện là xe ba bánh chạy bằng điện có mái che. Đất nước này vốn lắm mưa, thừa nắng. Nhờ họ, doanh số xe điện giao hàng tăng vọt. Chỉ trong nửa đầu tháng 10.2020, chuỗi thức ăn nhanh McDonald của Nhật Bản đã phải bổ sung thêm 100 xe cho 44 cửa hàng. Tập đoàn thực phẩm này đang dự định từ giờ đến cuối năm, sẽ tậu thêm 320 xe điện giao hàng, phân phối cho 120 cửa hàng trên khắp cả nước.
“Vì cơ hội ra ngoài ngày càng ít đi, giới giàu Nhật Bản lựa chọn tiêu tiền vào các mặt hàng chất lương cao, có giá trị đầu tư”, Naomi Mano – chủ tịch công ty tư vấn Luxurique giải thích. Tsubasa Kubo thì cho rằng, đại dịch Covid-19 “khóa” nhiều thú vui của “nhà giàu”, ví dụ như du lịch nước ngoài. Họ cần thứ khác để tiêu khiển, và mua sắm là một trong số đó. Lợi dụng nhu cầu mới này, các thương hiệu đua nhau giới thiệu chương trình khuyến mãi dành riêng cho khách VIP. “Họ đã thành công lớn”, Mano nhận định. “Các doanh số bán quần áo, đồ trang sức, đồng hồ… hàng hiệu đều gia tăng”.
Ngoài ra, thì vì nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 trên các phương tiện giao thông công cộng cao, giới công sở giàu Nhật Bản đang nhắm tới mặt hàng xe điện 3 bánh nhỏ gọn, chống chịu thời tiết. Có thể sắp tới, doanh thu của loại phương tiện này là thứ tiếp theo nhảy vọt.