Thế giới đang tiến gần đến một tai biến kinh tế lớn – đó là lời báo động của nhà nghiên cứu Pháp Jacques Attali trong bài phân tích trên tuần báo L’Express ngày 25-8. Theo ông, một cuộc suy thoái toàn cầu có thể bắt nguồn từ tình hình kinh tế giảm tốc tại Trung Quốc. Thảm họa Thiên Tân quy mô lớn mới đây làm tê liệt thành phố 15 triệu dân, trung tâm xuất nhập khẩu hàng đầu của nước này, đã làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế đang chậm lại.
Theo kinh tế gia Pháp thì không gì nguy hiểm hơn là sự lụi tàn của giai tầng trung lưu, xương sống của mọi xã hội. Việc chứng khoán Trung Quốc mất 30% giá trị, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 200 triệu thành viên tầng lớp trung lưu đã bỏ vào đó đến một nửa số tiền tiết kiệm của mình, sẽ để lại những hệ quả nguy hiểm. Mặt khác, nếu tăng trưởng chững lại, làn sóng di dân ra thành phố cũng ngưng, nhu cầu nhà ở sẽ giảm sút, đe dọa lĩnh vực địa ốc: hệ quả là một nửa số tiền tiết kiệm còn lại của tầng lớp trung lưu cũng bị mất nốt.
Việc Bắc Kinh thay đổi tỷ giá hối đoái cũng không đủ vực dậy xu thế này, ngược lại, có thể đặt Trung Quốc trước tình trạng phụ thuộc vào giới đầu cơ quốc tế và kích động một cuộc chạy đua thay đổi tỷ giá toàn cầu.
Theo ông Jacques Attali, để hóa giải tình trạng này, trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 và G7 tháng 9 tới tại Istanbul, lãnh đạo các nước phương Tây cần thảo luận về một kế hoạch thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay là rất khó, vì các cường quốc kinh tế không còn có được dự trữ tài chính dồi dào như hồi năm 2008, và các ngân hàng trung ương không còn có khả năng hạ lãi suất giống như năm 2010.
Kinh tế gia Pháp chỉ trích giải pháp in thêm tiền để thúc đẩy tăng trưởng, như đã được làm tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh và khu vực đồng euro, một giải pháp mà ông cảnh báo sẽ chỉ làm kiệt quệ những người cao tuổi có tiền gửi tiết kiệm, lại không mang việc làm mới và viễn cảnh tăng trưởng cho lớp trẻ. Theo ông, để thoát khỏi kịch bản đen tối này, cần phải thiết lập các cơ chế phối hợp, tái định hướng và kiểm soát tầm cỡ toàn cầu; xem xét vấn đề kinh tế theo lợi ích của các thế hệ tương lai; chống lại các độc quyền về kinh tế, tài chính, xã hội và chính trị; và khuyến khích cách tân trong mọi lĩnh vực. Điều này cần đến sự táo bạo, niềm tin tưởng và sự minh bạch, mà đây là những điều mà các chính trị gia của bất kể chế độ nào cũng cảm thấy không hứng thú – nhà kinh tế kết luận.
Đ.N (DNSGCT)