Gần ba năm trước, tại một địa chỉ mỹ thuật nay đã không còn (gallery Tự Do), một nhóm sáu họa sĩ độ tuổi 8X, cùng tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế đã làm một triển lãm chung lấy tên “Gió Lào” với nhiều tác phẩm rất đáng chú ý. Với ít nhiều thay đổi về thành viên trong nhóm, “Gió Lào” tập 2 đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 6-5 đến 16-5-2017).
Ở “Gió Lào” tập 1 là các họa sĩ Hồ Văn Hưng, Vũ Duy Tâm, Trần Thế Vĩnh, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Tùng, Trương Thế Linh; đến tập 2 của “Gió Lào” không có mặt Văn Tùng và Thế Linh, thay vào đó là Nguyễn An, Trần Ngọc Bảy, Nguyễn Văn Hè, Trần Hữu Nhật, Võ Thành Thân và Nguyễn Hoàng Trang. Trong số chín tác giả trẻ của “Gió Lào 2”, bảy người đang sống và hoạt động mỹ thuật tại Huế, chỉ Hồ Văn Hưng và Trần Thế Vĩnh định cư tại TP. Hồ Chí Minh. Có tranh dự nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, Hồ Văn Hưng đã trở thành một tên tuổi của hội họa màu nước hôm nay. Biển trong số năm tác phẩm của Hưng tại triển lãm này vừa nhận được giải thưởng tại Biennale Mỹ thuật Trẻ 2017. Trần Thế Vĩnh cũng quen thuộc với đời sống tạo hình Sài Gòn hôm nay kể từ cái mốc khởi đầu của anh tại gallery Tự Do khoảng năm năm về trước. Thành công với chân dung tự họa (từng đoạt giải thưởng Dogma, cuộc thi vẽ chân dung tự họa), triển lãm cá nhân với tên gọi “Bắt đầu từ đâu?” của Trần Thế Vĩnh tại gallery À năm ngoái là một cách tìm kiếm “chân dung nội tâm” khá ngoạn mục. Tranh của Vĩnh tại “Gió Lào 2” (Bước tiếp đi, Bông hồng đen, Vũ điệu xanh, Tôi rất cao, Mùi hương bay) có thể coi là vĩ thanh của loạt tranh “Bắt đầu từ đâu?”, đậm chất giễu nhại.
Rất chắc tay với tranh giá vẽ, thể hiện qua các tác phẩm (Đất, Nước, Trở dạ, Không gian rỉ, Nỗi buồn chiến tranh) tại triển lãm này, Nguyễn Văn Hè còn là một trong những nghệ sĩ đương đại năng nổ nhất không chỉ của xứ Huế; anh thực hành sắp đặt, trình diễn, video art trong nhiều sự kiện nghệ thuật trong và ngoài nước, tham gia nhiều dự án, workshop và còn làm giám tuyển của sinh hoạt mỹ thuật trẻ tại cố đô. Hơn mười năm trước, Trần Hữu Nhật đã có một phòng tranh cá nhân ở Sài Gòn nhưng anh được biết đến rộng rãi khi cùng các thành viên nhóm Zero Studio thực hiện dự án nghệ thuật cộng đồng “Phố Tranh” tại Festival Huế 2010 và 2012; lần trước nhóm Zero Studio đã lập kỷ lục quốc gia với 3.000 bức tranh của nhóm vẽ, lần sau là một phố tranh dài 4km, với 2.012 bức tranh nhiều chất liệu cùng các tác phẩm sắp đặt, khá nhiều được trưng bày ngoài trời bất chấp nắng mưa.
Dự giải Dogma năm 2015, bức chân dung tự họa Nỗi ám ảnh của Võ Thành Thân đã đoạt giải nhất với tiền thưởng 120 triệu đồng và được chọn vào bộ sưu tập Dogma. Các tác phẩm của Võ Thành Thân tại “Gió Lào 2” cũng cùng phong cách với bức Nỗi ám ảnh. Sinh năm 1987, anh cùng tuổi với Nguyễn An, tác giả của các tranh đắp nổi (chất liệu: giấy bồi, sơn then và giấy bồi trên canvas) đã đem đến một hơi thở lạ cho triển lãm. Tương tự là loạt tranh acrylic với kích thước khá lớn của Trần Hữu Nhật (Sự im lặng của loài người, Nụ hôn, Khoảng hở, Chân dung, Ngẫm) đậm nét suy tưởng, ngẫm ngợi. Nét khác biệt dễ thấy ở triển lãm “Gió Lào 2” là xêri tranh sơn mài từ cảm hứng Phật giáo (Hóa thân, Phóng sanh, Thiền nằm, Đường Đạo – Đường đời, Nơi bình yên) của Nguyễn Hoàng Trang và loạt tranh chân dung trẻ thơ của Vũ Duy Tâm.
Phần tự giới thiệu, nhóm “Gió Lào 2” cho biết những điểm gắn kết họ với nhau: ngoài yếu tố cùng học Đại học Nghệ thuật Huế, họ cùng xuất thân tại vùng đất gần như hứng trọn sự khắc nghiệt nhất của chiến tranh qua các thời kỳ; hứng trọn các đợt gió Lào khô khốc, rát bỏng (các họa sĩ sinh trưởng ở Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế) nên điều kiện sống, thời tiết, khí hậu… ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tính, thị giác, thẩm mỹ của từng người, dẫn tới khí chất và lối hành xử trong nghệ thuật cũng khác biệt với cư dân các vùng đất kế cận phía Bắc lẫn phía Nam. Chính từ đó mà “dấu ấn của vùng đất gió Lào cát trắng, của đời sống hậu chiến, dấu vết văn hóa cũ của kinh đô Huế và những ám ảnh tâm linh… là các chủ đề xuyên suốt” của nhóm. Cũng theo họ tất cả họa sĩ trong “Gió Lào” 2017 đều còn trẻ hoặc rất trẻ, quá trình sáng tạo chắc còn dài, những tìm tòi hôm nay, qua năm tháng, sẽ trở thành chứng cứ cho việc “tự vẽ nên mình”.
- Như Hoa