Nếu ở bang Utah nước Mỹ, giáo sư Trương Nguyện Thành được biết đến với các phát minh và gần 200 bài viết được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, thì tại quê nhà ông đã khiến dư luận dậy sóng khi mặc quần short trên giảng đường, tiếp đó là chuyện ông rời Đại học Hoa Sen và rời Việt Nam.
Trở lại TP. Hồ Chí Minh lần này, ông được mời đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng Đại học Văn Lang, song những chia sẻ của giáo sư với Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần không tập trung vào công việc hiện tại mà chủ yếu xoay quanh những chiêm nghiệm về cuộc đời nhiều biến cố của mình.
Bốn mươi năm sống ở Mỹ, ông vẫn giữ lối nói chuyện bộc trực không màu mè của người Bình Định, thêm vào đó là vốn sống của một người từ đáy xã hội vươn đến được vị trí cao, cùng tư duy và kiến thức sâu rộng của nhà khoa học.
____
Sau một năm về Mỹ, giáo sư trở lại Việt Nam khi có lời mời làm việc phù hợp. Có phải ông luôn có nhiều điều muốn làm tại quê nhà?
Đúng vậy! Giáo dục Việt Nam, trong đó có bậc đại học đang cần được thay đổi. Tôi tin là nếu được làm hết năng lực, tôi có thể đóng góp ít nhiều cho quá trình thay đổi đó.
Ngoài ra tôi cũng tin rằng mình có khả năng lãnh đạo, và tôi xem lời mời làm việc này là một cơ hội để phát huy hết khả năng. Khi ở Mỹ, tôi cũng có cơ hội để tham gia ban lãnh đạo Trường Đại học Utah nhưng tôi từ chối.
Các trường đại học ở nước phát triển luôn có quy trình hoạt động rất rõ ràng, nếu làm lãnh đạo thì cũng chỉ là đảm bảo sao cho mọi quy trình được vận hành hiệu quả nhất, trong khi khao khát của tôi là tạo cái gì đó mới hoặc có tính đột phá.
Để thỏa mãn khao khát này, tôi đã dành nhiều năm cho hoạt động nghiên cứu phát minh, sau đó thì mở doanh nghiệp riêng.
____
Doanh nghiệp riêng của ông có thành công không?
Không! Tự tin là một nhà nghiên cứu có phát minh riêng, tôi thất bại nặng nề khi ra mở công ty sản xuất mà không chịu tìm hiểu về thị trường và các kỹ năng một doanh nhân cần có.
Phá sản công ty rồi tôi mới miệt mài học các kiến thức về quản trị, lãnh đạo, tài chính… Cũng nhờ các kiến thức này mà tôi triển khai được nhiều ý tưởng trong thời gian ở Đại học Hoa Sen.
____
So với việc tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Utah, tự kinh doanh hay về Việt Nam đảm nhiệm vai trò mới sẽ có nhiều rủi ro hơn?
Nếu cần thu nhập và sự ổn định thì chẳng ai dại dột rời bỏ công việc giảng dạy đại học ở Mỹ. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn cuộc đời người ta có những thang giá trị khác nhau. Với tôi lúc này con cái đã tự lập được, tôi muốn sống cho mình và những tâm nguyện riêng của mình.
Hiện tại, nơi nào công sức của mình đóng góp được nhiều hơn cho cộng đồng, tôi chọn nơi đó. Với con đường nghiên cứu tôi cho rằng mình đã đến ngưỡng bão hòa, giờ có thêm phát minh hay bài viết trên tạp chí quốc tế thì sự nghiệp về cơ bản vẫn thế. Trong khi vào ban lãnh đạo của một đại học tư thục Việt Nam, tôi sẽ có một “chiến trường” mới để thi thố.
“Những chiêm nghiệm, nghiên cứu liên tục về cách dạy con đã giúp tôi hình thành một triết lý và phong cách dạy con theo kiểu Cha Voi của riêng mình, phối hợp từ văn hóa dạy con Việt Nam, Mỹ, Nhật và Đan Mạch – đất nước tôi có sống một thời gian ngắn. Khoa học đã chứng minh rằng phong cách dạy con di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tức từ ông bà đến cha mẹ rồi đến bản thân ta. Do đó, khi bạn phát triển một phong cách mới thích hợp dạy con thì cũng sẽ đồng thời hình thành một gia phong mới và sẽ ảnh hưởng nhiều đến thế hệ con cháu của bạn”.
____
Sau chuyến đạp xe đạp xuyên Việt cùng với con trai, gần đây ông bắt tay vào viết sách. Được biết cuốn sách Cha Voi của ông viết về việc dạy con nên người ở thời đại số vừa xuất bản và bán khá tốt. Người đọc có thể mong đợi gì ở cuốn sách này, thưa giáo sư?
Đầu tiên đó là những câu chuyện rất thật trong quá trình hình thành phương pháp nuôi dạy hai con của tôi. Một phần vì hoàn cảnh, tôi buộc phải quan sát và suy nghĩ rất nhiều về các phương pháp giáo dục trẻ trong gia đình.
Hai con trai của tôi sinh năm một, con trai đầu Taki bị chứng tự kỷ. Tôi và mẹ của hai cháu – một phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản – ly thân rồi ly hôn khi Takara, bé sau, mới 1 tuổi.
Thời điểm đó tôi là giáo sư đại học ở cấp bậc thấp nhất (assistant professor) tại Đại học Utah, trường đại học khá nổi tiếng về nghiên cứu, xếp thứ hạng khoảng 100 trên thế giới.
Tôi có sáu năm từ khi bắt đầu giảng dạy vào năm 1992 để chứng minh khả năng nghiên cứu độc lập, hướng dẫn nghiên cứu sinh và có tiềm năng trở thành nhà khoa học được biết đến trên thế giới.
Thể hiện tốt những điều này tôi sẽ có cơ hội được trường xét duyệt chức danh phó giáo sư thực thụ (tenured associate professor) và lên chức phó giáo sư (associate professor). Áp lực công việc của tôi trong khoảng thời gian ấy có thể nói là khủng khiếp.
Giới hạn về thời gian và không gian mà tôi có với con, áp lực công việc mà tôi phải chịu đựng, những khó khăn trong việc dạy trẻ tự kỷ, những khác biệt trong phong cách dạy con của người Nhật, người Việt và người Mỹ, sự khác biệt giữa những giá trị và tin tưởng của cha, mẹ với xã hội Mỹ nơi hai con tôi lớn lên đã dẫn tôi đến một kết luận: Tôi cần đánh giá lại cách dạy con của mình và điều chỉnh cho phù hợp với những kiến thức, hiểu biết của mình về việc dạy con. Tôi tin cuốn sách sẽ gợi mở nhiều ý hướng để giáo dục trẻ con trong các gia đình Việt Nam.
____
Vì sao cuốn sách có tựa đề là Cha Voi?
Có lần, tôi tình cờ đọc được câu chuyện về cách voi cha uốn nắn tính hung hăng của các voi đực con trong công viên quốc gia (CVQG) Pilanesberg ở Nam Phi. Số là CVQG Kruger cần cắt giảm số lượng voi nên voi mẹ và voi con được đưa sang CVQG Pilanesberg, riêng voi cha phải ở lại vì quá nặng, khó di chuyển.
Một thời gian sau, các nhân viên ở CVQG Pilanesberg phát hiện có những voi đực con quá hung hăng đã giết chết nhiều động vật khác. Sau đó, họ quyết định tìm cách đưa voi cha lên đây. Chỉ sau vài tuần bên voi cha, các voi con hoàn toàn chấm dứt những hành vi bạo lực.
Những gì voi cha đã làm chính là dùng bản thân mình làm gương cho con về những chuẩn mực hành vi và lối sống hài hòa với các động vật khác. Voi đực con cứ thế noi gương cha, học hỏi và thực hành. Điều này rất giống cách dạy con của tôi, thế nên tôi đặt tên cho phong cách dạy con của tôi là Cha Voi.
Những chiêm nghiệm, nghiên cứu liên tục về cách dạy con đã giúp tôi hình thành một triết lý và phong cách dạy con theo kiểu Cha Voi của riêng mình, phối hợp từ văn hóa dạy con Việt Nam, Mỹ, Nhật và Đan Mạch – đất nước tôi có sống một thời gian ngắn. Khoa học đã chứng minh rằng phong cách dạy con di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tức từ ông bà đến cha mẹ rồi đến bản thân ta.
Do đó, khi bạn phát triển một phong cách mới thích hợp dạy con thì cũng sẽ đồng thời hình thành một gia phong mới và sẽ ảnh hưởng nhiều đến thế hệ con cháu của bạn.
“Đến 10 tuổi, trẻ con có thể đã hình thành phần lớn tính cách, tư duy và nhận thức về giá trị bản thân, đạo đức xã hội. Nền tảng mà ông nội dạy dỗ giúp tôi tồn tại được trong môi trường dưới đáy xã hội nhưng vẫn giữ vững các chuẩn mực ứng xử mà mình cho là đúng đắn”.
____
Giáo sư vốn có một tuổi thơ không được chăm sóc và học hành đầy đủ, lại còn phải bươn chải kiếm tiền từ lúc mới 11 tuổi, những yếu tố đó đã ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành tính cách của ông?
Từ 3 tuổi đến 11 tuổi tôi sống với ông bà nội ở Bồng Sơn, Bình Định. Bà nội bận buôn bán nên người dạy dỗ tôi chủ yếu là ông nội.
Ông nội tu tại gia, rất hiền từ và thường trò chuyện với cháu, ông dạy tôi kỹ lưỡng và rất dịu dàng về cách ăn nói, phép tắc trong cư xử.
Sống ở quê tôi không phải học nhiều. Ngoài một buổi đến trường, thời gian còn lại là rong chơi leo trèo trong vườn nhà.
Giai đoạn tôi 6-8 tuổi, mỗi cuối tuần ông nội dậy sớm hái rau dền bó làm hai bó, rồi ông xách một bó, tôi đội một bó ra chợ bán. Lúc này tôi đã biết xấu hổ khi có người quen thấy mình đi bán rau.
Dù bị người làng đàm tiếu: “Nhà khá giả mà bắt cháu bán rau kiếm vài xu lẻ!”, ông nội tôi vẫn mặc kệ. Về sau, ông để tôi một mình mang rau ra chợ bán mà không cần giải thích lý do.
Năm 11 tuổi cuộc đời tôi sang bước ngoặt mới khi ba tôi gặp tai nạn rồi bị liệt nửa người, mẹ tôi phải đưa cả chín anh chị em về Sài Gòn để tiện chăm lo cho ba.
Ngày ngày khoảng 6 giờ sáng tôi bưng thùng thuốc lá ra bán ở bến xe lam cạnh chợ Gò Vấp, đến gần 8 giờ thì giao thùng thuốc lại cho mẹ để đi học. Trưa đi học về tôi lại bán đến 10 giờ đêm. Ngày cuối tuần tôi bán từ sáng sớm đến tối mịt.
Trong suốt năm năm bán thuốc ở bến xe, tôi tiếp xúc chủ yếu với dân lao động. Cách nói năng ứng xử của họ hầu như ngược lại với những gì tôi được ông nội dạy dỗ.
Mặc dù trong môi trường như vậy, tôi chưa bao giờ chửi thề hay hút thuốc, tôi cũng có bạn thân trạc độ tuổi ở bến xe nhưng với những rủ rê cám dỗ, tôi đều biết từ chối. Ngẫm lại, tôi thấy vô cùng biết ơn ông nội.
Đến 10 tuổi, trẻ con có thể đã hình thành phần lớn tính cách, tư duy và nhận thức về giá trị bản thân, đạo đức xã hội.
Nền tảng mà ông dạy dỗ giúp tôi tồn tại được trong môi trường dưới đáy xã hội nhưng vẫn giữ vững các chuẩn mực ứng xử mà mình cho là đúng đắn. Những năm tháng đi bán rau dền cũng giúp tôi biết cách mưu sinh tự lập khi gia đình có biến cố.
Do hoàn cảnh, ba mẹ không thể ở bên tôi nhiều nhưng họ đã dùng chính cuộc sống của mình để làm gương cho con. Mẹ tôi rất hiền và đảm đang.
Tôi cũng ngưỡng mộ tinh thần hiếu học và ý chí vươn lên của ba. Tấm gương vượt khó học tập của ba đã truyền cảm hứng để tôi lựa chọn theo đuổi con đường học hành gian khổ khi đặt chân đến Mỹ.
Tôi nhớ mãi lời dặn dò của ba khi tôi 18 tuổi: “Đã đến lúc con đi tìm tương lai cho mình như ba năm xưa. Bay càng cao thì con sẽ thấy được càng xa, con nhé!”.
____
Trong cuốn sách Cha Voi có câu: “Đứa con tự kỷ Taki là một món quà trời ban”; ông có thể chia sẻ thêm về cách ông nuôi dạy Taki?
Tôi luôn cố gắng dạy con tự lập. Tôi tìm mọi cách để giúp Taki phát triển kỹ năng giao tiếp, ví dụ như cho các con được vui chơi ngoài trời càng nhiều càng tốt. Tuy có khả năng hiểu người khác nói gì lúc 1-2 tuổi, nhưng phải đến 4 tuổi Taki mới nói được một chút.
Lúc này, mỗi lần có dịp phải hỏi ai điều gì đó, chẳng hạn như cần hỏi nhân viên siêu thị vị trí món hàng cần mua, tôi bảo hai con đi hỏi nhưng dặn riêng Takara hãy để mình Taki hỏi thôi. Dần dần Taki cũng dạn dĩ lên.
Hiện nay con tôi đang làm việc ở siêu thị, tiếp xúc hàng trăm khách hàng mỗi ngày. Tuy kỹ năng giao tiếp không thể bằng người bình thường nhưng Taki đã sống tự lập được.
Mối quan hệ giữa hai anh em cũng là điều tôi luôn lưu tâm. Khi Takara 3-4 tuổi, cháu đã nhận ra sự khác biệt của anh trai khi nhiều việc đơn giản em làm được mà anh chưa làm được.
Takara bắt đầu có sự cáu gắt với anh trai mỗi khi Taki hành xử theo bản năng mà không để ý đến cảm xúc của người khác.
Muốn dạy cho Takara sự khoan dung, tức là chấp nhận trạng thái khác biệt của người khác, tôi và mẹ hai cháu xin cho con được sinh hoạt hai giờ mỗi tuần tại một nhà trẻ xã hội – nơi trông nom trẻ khuyết tật và trẻ em của các gia đình nghèo, gia đình nhập cư.
Những ngày đầu đưa con đến đấy, tôi và mẹ chúng phải thường xuyên giải thích cho Takara hiểu rằng các em bé ở đây thiếu may mắn nên sinh ra không được bình thường, hoặc do đến từ nước khác nên có cách ăn mặc và sinh hoạt khác con…
Sau gần nửa năm sinh hoạt tại đây, mỗi lần vào đón con tôi thấy Takara vui vẻ chơi với các bạn, không còn phân biệt màu da hay trang phục.
Takara cũng không còn cáu gắt mỗi khi Taki cứ làm theo ý mình. Hai anh em gắn bó và luôn bảo vệ nhau cho đến khi trưởng thành.
“Đứa con tự kỷ đã giúp tôi thêm hoàn thiện bản thân và biết sống hạnh phúc hơn. Trẻ tự kỷ sống trong thế giới riêng của mình, thường hành động theo bản năng, không thích tiếp xúc với người khác. Những lần muốn nổi điên với các trò nghịch phá của Taki mà không có cách nào nói cho con hiểu là điều đó không được phép, tôi vào nhà vệ sinh ngồi cho đến lúc cơn giận nguôi dần rồi ra ngoài “giải quyết hậu quả”. Dần dần tôi trở nên kiên nhẫn hơn, kiểm soát cảm xúc tốt hơn và dễ dàng vượt qua những thử thách khác trong cuộc sống. Nuôi dạy Taki, tôi cũng học được cách tối giản hóa nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhờ đó mà giảm bớt stress”.
____
Ông từng chia sẻ rằng đứa con tự kỷ đã giúp ông thêm hoàn thiện bản thân và biết sống hạnh phúc hơn?
Trẻ tự kỷ sống trong thế giới riêng của mình, thường hành động theo bản năng, không thích tiếp xúc với người khác. Vì tự kỷ nên Taki không hiểu được cảm xúc của người khác, thế nên giận dữ hay la hét cũng không hề làm Taki sợ mà nghe theo.
Những lần muốn nổi điên với các trò nghịch phá của con mà không có cách nào nói cho con hiểu là điều đó không được phép, tôi vào nhà vệ sinh ngồi cho đến lúc cơn giận nguôi dần rồi ra ngoài “giải quyết hậu quả”.
Dần dần tôi trở nên kiên nhẫn hơn, kiểm soát cảm xúc tốt hơn và dễ dàng vượt qua những thử thách khác trong cuộc sống.
Ngoài ra, người tự kỷ thường không có khả năng suy luận đa chiều hay hiểu vấn đề gián tiếp, thế nên khi trò chuyện với người tự kỷ, ta cần nói đơn giản và vào thẳng vấn đề. Nuôi dạy Taki, tôi cũng học được cách tối giản hóa nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhờ đó mà giảm bớt stress.
Trẻ tự kỷ có vẻ thua thiệt những đứa trẻ bình thường về học hành, công việc, quan hệ… nhưng thực chất chúng hạnh phúc trong thế giới riêng của chúng.
Do không có khả năng suy luận, Taki chẳng bao giờ lo âu với những gì sắp xảy ra, chẳng buồn phiền vì thái độ của người xung quanh.
Stress hay mất ngủ không bao giờ xảy ra cho con trai lớn của tôi, sự thanh thản thoải mái đầu óc của anh chàng khiến tôi phải mơ ước và học hỏi.
Năm Taki, Takara khoảng 15-16 tuổi, tôi cho hai con theo Hội từ thiện Youthlinc đến một ngôi làng rất nghèo và thiếu tiện nghi ở Kenya để giúp dân ở đây xây trường, chăn nuôi, hướng dẫn vệ sinh. Khi trở về, hai anh em cho biết Taki là thành viên thích nghi tốt nhất trong tất cả học sinh – sinh viên tham gia chuyến đi.
Trong khi các bạn ít nhiều than thở về điều kiện ăn ngủ, vệ sinh, khí hậu… thì Taki ăn được tất cả các món, đêm đến đặt lưng xuống là ngủ say sưa vì ban ngày tích cực làm công việc tay chân. Anh chàng cũng hồn nhiên, thoải mái khi sinh hoạt với các trẻ em bản xứ!
Gần đây Taki về thăm quê cha lần đầu tiên và đã thể hiện nhiều kỹ năng thích nghi cũng quản lý cảm xúc tốt, chẳng hạn như có thể quàng con rắn còn sống qua cổ, đi cầu khỉ vững vàng và ăn được tất cả các loại rau rừng ở quán bánh tráng Trảng Bàng.
____
Xin cảm ơn ông!