Doanh số bán hàng đạt mức tăng trưởng đến 30% so với tháng 4 cho thấy, thị trường ôtô trong tháng 5 mang màu sắc tích cực với nhiều đột phá ấn tượng trên từng phân khúc.
Mẫu MPV Mitsubishi Xpander với doanh số kỷ lục lần đầu đạt được minh chứng cho sự vươn lên mạnh mẽ của dòng xe nhập khẩu, trong khi đó thị trường chứng kiến một cuộc đua kịch tính trên phân khúc xe đô thị cỡ nhỏ khi mẫu ôtô thương hiệu Việt đầu tiên chính thức ra mắt người tiêu dùng.
Danh sách xếp hạng 10 mẫu xe bán chạy nhất trong tháng 5 ghi nhận sự trở lại vị thế dẫn đầu của Toyota Vios với doanh số 2.145 xe; bởi mẫu xe chiến lược này của Toyota vẫn giữ ưu thế so với nhiều đối thủ khác và không dễ để truất ngôi đầu của Toyota Vios.
Sự trở lại của mẫu MPV Mitsubishi Xpander ở vị trí á quân với doanh số kỷ lục 2.138 chiếc là một bất ngờ lớn, hứa hẹn mẫu xe này sẽ tiếp tục giữ vững phong độ trong những tháng tới khi nguồn cung đang rất ổn định.
Sự cạnh tranh trên phân khúc xe đô thị loại nhỏ khiến doanh số của Hyundai Grand i10 giảm sút rõ rệt, chỉ đạt 1.486 chiếc, xuống vị trí thứ 4 xếp sau cả mẫu xe cùng hãng Hyundai Accent với 1.585 xe, trong khi VinFast Fadil chỉ mới bước đầu ra mắt thị trường và Honda Brio phải chờ đến giữa tháng 6 mới trình làng.
Mẫu crossover Honda CR-V dù không còn tạo nhiều bất ngờ cho thị trường nhưng vẫn dẫn đầu phân khúc với doanh số 1.317 chiếc, giữ vị trí thứ 5 trong Top 10.
Sự bứt phá của Mitsubishi Xpander đã đẩy mẫu xe huyền thoại Toyota Innova xuống vị trí thứ 8 khi chỉ đạt doanh số 1.091 chiếc, còn Toyota Fortuner và Ford Ranger lấy lại chút tăng trưởng tốt nhờ nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường với doanh số lần lượt 1.185 và 1.100 xe giữ vị trí thứ 6 và 7.
Chưa có nhiều thay đổi để đáp ứng xu thế mới, cả hai thương hiệu xe thuộc Thaco là Mazda và Kia đang mất dần phong độ: trong Top 10, Mazda 3 và Kia Cerato xếp ở hai vị trí cuối bảng.
Thị phần của tháng 5 đã ghi nhận sự lấy lại ngôi dẫn đầu của Toyota với doanh số 6.321 xe, nhỉnh hơn so với 6.278 xe của Hyundai.
Có sự sụt giảm đáng quan ngại của Thaco khi cộng dồn doanh số của cả ba thương hiệu Mazda, Kia và Peugeot chỉ đạt 5.048 chiếc, một chêch lệch khá bất ngờ so với doanh số của Toyota bởi Thaco luôn là đối thủ so kè về thị phần với hãng xe Nhật.
Về thương hiệu, tháng 5 cũng đánh dấu lần đầu tiên thị phần của Mitsubishi tạo bứt phá khi vượt qua Ford, Honda và cả Kia, Mazda để giữ vị trí thứ 3 sau Toyota và Hyundai với tổng doanh số đạt 3.088 chiếc, nhờ thành công của Mitsubishi Xpander.
Tăng 75% so với tháng trước, với doanh số đạt 12.211 chiếc, dòng xe nhập khẩu cũng tạo nhiều lo lắng cho xe sản xuất nội địa trong thời gian tới khi hầu hết các thương hiệu nhập khẩu đã thích nghi với những thay đổi về chính sách và có kế hoạch nhập hàng ổn định.
Số liệu được Tổng cục Hải quan Việt Nam cung cấp cho thấy trong tháng 5 đã nhập về tổng cộng 14.332 ôtô các loại – đạt mức cao nhất trong năm tháng đầu của 2019, mà chiếm đa số vẫn là các mẫu xe nhập từ các nước Đông Nam Á trong đó Indonesia dẫn đầu với số lượng 6.755 chiếc, kế đó là Thái Lan với 6.160 chiếc.
Thị trường ôtô tháng 5 cũng ghi nhận sự tăng vọt của dòng xe nhập khẩu từ Trung Quốc khi đạt 655 chiếc, xếp thứ 3 sau Indoneia và Thái Lan.
Cộng dồn năm tháng đầu năm 2019, doanh số thị trường ôtô đạt 126.464 chiếc (chưa bao gồm số liệu của Hyundai) tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018 trong đó dòng xe lắp ráp trong nước giảm 14% trong khi dòng xe nhập khẩu có mức tăng vượt bậc 210%.
Thương hiệu Toyota vẫn giữ vị thế dẫn đầu thị phần xe du lịch với tổng doanh số 29.476 chiếc, kế đó là 26.246 chiếc của Hyundai. Xếp thứ 3 Mazda với 14.549 chiếc, trên Honda với 13.418 chiếc. Thương hiệu xe Mỹ – Ford xếp vị trí thứ 5 với 12.660 chiếc.
Trên từng phân khúc thị trường, tháng 5 cũng đánh dấu nhiều sự thay đổi. Đầu tiên, trên phân khúc bán tải, dù không còn náo nhiệt như thời gian trước khi có sự thay đổi về chính sách và doanh số của phân khúc này cũng sụt giảm mạnh những tháng gần đây nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự thiếu hụt nguồn cung chứ nhu cầu về dòng xe này vẫn chưa hạ nhiệt; và Ford Ranger vẫn là “vua bán tải” với doanh số luôn dẫn đầu.
Đối lập với pick-up, phân khúc MPV nổi bật trong bức tranh thị trường năm 2019 với sự xuất hiện của Mitsubishi Xpander. Mức độ cạnh tranh của phân khúc này sẽ tăng thêm khi Suzuki Ertiga trở lại cùng với Ford Tourneo và Nissan Livina thời gian tới.
Tuy nhiên, mọi sự quan tâm đang tập trung vào phân khúc xe đô thị loại nhỏ vốn đang nắm giữ thị phần lớn trên thị trường và là nơi mà thương hiệu Việt đầu tiên góp mặt với chiếc VinFast Fadil. Sự cạnh tranh khốc liệt trên phân khúc này sẽ tạo nên nhiều đặc sắc cho thị trường ôtô trong nước.
Ngược lại, sự “nghẽn mạch” của xe nhập khẩu đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng của phân khúc SUV. Trong khi Toyota vẫn đang “rối bời” với Toyota Fortuner thì các mẫu xe đối thủ vẫn chưa thể tạo được cú hích khi tất cả đều có chung những vướng mắc.
Với đà ổn định của dòng xe nhập khẩu cùng với sự tăng tốc của dòng xe lắp ráp trong nước và sự xuất hiện của hàng loạt những mẫu xe mới, thị trường ôtô Việt Nam nửa đầu năm 2019 hứa hẹn sẽ còn nhiều bất ngờ tích cực trong thời gian còn lại của năm.
Với nhiều tín hiệu khả quan về sự tăng trưởng cho thấy doanh số của thị trường ôtô Việt Nam trong năm sẽ đạt con số bứt phá là điều hoàn toàn có thể xảy ra.