Những gì GS. Trần Quốc Vượng để lại không chỉ là tri thức, tầm nhìn khoa học mà còn là cái tâm với nghề, cái tình đối với người.
Trong gia tài khoa học đồ sộ của GS. Trần Quốc Vượng (1934 – 2005), bài viết về các vấn đề lịch sử – văn hóa Nam bộ chỉ trên dưới mươi bài. Tuy nhiên, các vấn đề ông đặt ra, gợi mở, lưu ý… đều có thể coi là một cách tiếp cận mới và đặt cơ sở cho việc nghiên cứu ở vùng đất này.
Một cái nhìn địa – văn hóa
Vào năm học thứ hai của Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (1977), chúng tôi được học thầy Trần Quốc Vượng về các nền văn hóa khảo cổ Việt Nam. Ngay buổi đầu tiên thầy đã nói về mối quan hệ mật thiết giữa sử và địa, mở ra cho chúng tôi kiến thức về địa – văn hóa, địa – chính trị mà bất cứ người nghiên cứu lịch sử nào cũng cần nắm vững. Những bài giảng của thầy tiếp tục triển khai lý thuyết không gian địa – văn hóa Nam bộ, cả trên bình diện tổng quan Đông và Tây Nam bộ, cả ở những tiểu vùng sinh thái đặc thù (như Cần Giờ – TP.HCM). Ông đã sơ đồ/mô hình hóa khu vực Nam bộ trong “mạng lưới” các nền văn hóa ở Đông Dương và Đông Nam Á nối liền bằng những con đường lục địa và ven biển, trong sự đối sánh về môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.
Ba vấn đề cơ bản của lịch sử và văn hóa Nam bộ từ góc độ địa – văn hóa mà GS. Trần Quốc Vượng chỉ ra: trước hết đó là sự “đa dạng văn hóa” trên cơ sở đa dạng về địa hình – sinh thái; thứ hai là vai trò quan trọng của các cảng thị, trong đó đặc biệt là “cảng thị sơ khai” Cần Giờ, cảng Bến Nghé của thành Gia Định và sau này là cảng Sài Gòn. Cũng có nghĩa là vấn đề văn hóa biển (qua kinh tế, lối sống của cư dân, giao lưu văn hóa – kỹ thuật) của vùng đất Nam bộ cần được lưu ý.
Và thứ ba là cần phải nghiên cứu các cộng đồng tộc người trên vùng đất Nam bộ – chủ nhân của những di sản văn hóa vật thể – phi vật thể độc đáo. Từ đó cho thấy “thống nhất trong đa dạng” của văn hóa là sự hòa hợp của những khác biệt trong sự tôn trọng và cùng tồn tại với nhau.
Lịch sử trong dòng chảy văn hóa
Nhiều thế hệ học trò của GS. Trần Quốc Vượng đã học được ở ông tư duy liên ngành: đặt diễn trình lịch sử trong dòng chảy văn hóa, từ đó nhìn ra những “đứt gãy văn hóa” là hệ quả của (một số sự kiện quan trọng) lịch sử; đồng thời cũng phải biết đặt những câu hỏi “ngược” để tìm hiểu căn nguyên. Trong diễn trình lịch sử đó ngành khảo cổ học đô thị là một trong những ngành quan trọng của thế kỷ XXI, đặc biệt ở Nam bộ, bởi vì đây là vùng được đô thị hóa về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng, về lối sống (theo kiểu phương Tây) sớm và phổ biến nhất so với những vùng miền khác ở Việt Nam.
Trong cuộc “Du khảo một số di tích lịch sử – văn hóa ở Sài Gòn và các vùng phụ cận” năm 1998, GS. Trần Quốc Vượng luôn suy nghĩ về di sản văn hóa và thành phần tộc người ở Đồng Nai – Biên Hòa – Sài Gòn – Gia Định xưa. Như thầy viết: “Trước, trong và sau tuần lễ du khảo, chúng tôi đọc đi, đọc lại những Trương Vĩnh Ký, Vương Hồng Sển, Minh Hương, Huỳnh Ngọc Trảng… các nhà văn – học giả, nhà nghiên cứu tài danh của Nam kỳ lục tỉnh, của Ngũ Quảng đã tạo nên hương hoa bản sắc Sài Gòn”. Bài nghiên cứu – bút ký của ông về cuộc du khảo này là một trong những bài thể hiện tư duy liên ngành mà những học trò ở Nam bộ đã học được từ thầy.
Khi chúng tôi đang khai quật di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi, ông đã đến thăm và nhận định: “Nét đặc sắc của khảo cổ học lịch sử TP.HCM 300 năm là việc phân lập và nghiên cứu “Gốm Sài Gòn” (trước, Tây và ta chỉ gọi là Gốm Cây Mai) với cả sản phẩm gốm và các lò gốm của nó ở xứ Lò Gốm – Rạch (Lò) Gốm bao trùm mấy quận nội thành”. Từ những kết quả nghiên cứu đầu tiên về Di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi, thầy đã nhận xét: “Áp dụng cách tiếp cận liên ngành đi điền dã ở Lái Thiêu – Bình Dương – Sông Bé… thăm các lò gốm của người Hẹ, người Quảng Đông… Cuối cùng tìm thấy ngay ở quận 9 nơi chợ nhỏ Hiệp Phú (Thủ Đức cũ) rẽ vào phường Long Trường (Long Thạnh Mỹ cũ) một lò lu hiện đại (1954-1966) có cấu trúc giống hệt “Lò gốm Hưng Lợi” quận 8. Đây là một thành công thể nghiệm cách tiếp cận liên ngành nhân học văn hóa, bao gồm cả khảo cổ học và dân tộc học”.
- Xem thêm: Tên ấp ở Nam bộ
Cũng bằng tư duy liên ngành, GS. Trần Quốc Vượng đã dẫn dắt người đọc đi từ Bắc, qua Trung vào Nam, từ “phân vùng địa lý tự nhiên” đến “địa lý nhân văn” không gian văn hóa, từ các di chỉ khảo cổ thời Đá cũ, Đá mới đến các cộng đồng dân cư cổ, từ ngôn ngữ của các tộc người đến lịch sử, từ tín ngưỡng dân gian đến huyền tích… Tất cả tưởng là tản mạn không có gì liên quan, nhưng với khả năng “mẫn cảm khoa học”, thầy đã chỉ ra mối liên hệ giữa những vấn đề khác nhau, qua đó có thể nhận thấy văn minh – văn hiến Đông Nam Á nhìn chung là kết quả tác động qua lại giữa các yếu tố nội sinh và các yếu tố ngoại sinh. Phía Bắc (Âu Lạc, Việt cổ) – Trung (Champa cổ) – Nam (Phù Nam cổ) đều cùng chung một mô hình huyền tích khởi nguyên là sự kết hợp giữa yếu tố núi (nội địa) và biển (bên ngoài), hai địa hình phổ biến ở khu vực Đông Nam Á.
Những huyền tích từng được nhiều người biết đến, và cũng chỉ hiểu/coi là huyền tích, khi đặt trong mối liên hệ văn hóa – ngôn ngữ – khảo cổ – cổ sử… bỗng “nhìn thấy” một cái gì đó của quá khứ. Những “mảnh vỡ” lấp lánh của huyền tích, thần thoại, truyền thuyết tuy chưa phải là “lịch sử” nhưng nó phản ánh ít nhiều “sự thật” trong quá khứ, qua quá trình khái quát hóa lâu dài rồi được lịch sử ghi chép lại những gì cô đọng và bền vững nhất.
Hỏi ngược không phải là lật ngược đúng sai
Một câu nói vui của người Nam bộ mà thầy Vượng rất thích và hay nói là: “Coi vậy mà hổng phải vậy, mà đúng là vậy…”. Từ thời chúng tôi là sinh viên, thầy đã dạy cách suy nghĩ như thế, như một triết lý của Phật giáo Thiền tông: khi chưa học thiền ta nhìn núi là núi, ta nhìn sông là sông. Khi đang học thiền ta thấy núi không còn là núi, sông không là sông. Nhưng sau khi đã chứng ngộ thiền, ta lại nhìn ra giản dị: núi đúng là núi, sông thật là sông. Thật ra đây là cách lật đi lật lại vấn đề, hay như kinh nghiệm điền dã của Thầy: đi đi lại lại, hỏi đi hỏi lại, nghĩ đi nghĩ lại… “Hỏi ngược” chính là đào sâu vấn đề, tiếp cận nó từ nhiều hướng để thấy vấn đề toàn diện, chứ không phải là “lật ngược” trắng đen, đúng sai.
Dù có nhiều biến cố xảy ra thì thầy vẫn là chính mình, “hòa hợp” nhưng không “hòa tan”, một cá tính Trần Quốc Vượng độc đáo.
Hầu như các bài viết của GS. Trần Quốc Vượng về lịch sử – văn hóa Nam bộ ít nhiều đều từ phương pháp liên ngành đặt vấn đề/lĩnh vực trong “mạng” (net) tri thức để có thể phân tích, đánh giá, nhìn nhận vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử. Ví dụ như thầy đã sơ đồ/mô hình hóa vùng Đông Nam bộ trong “mạng lưới” các nền văn hóa cổ ở Đông Dương và Đông Nam Á qua những con đường lục địa và ven biển, chỉ ra mối liên hệ mật thiết, hữu cơ của kinh tế – xã hội Đông Nam bộ và các khu vực khác trên đất liền và ngoài Biển Đông. Bởi nếu chỉ căn cứ vào “chính sử” hay “huyền sử” thì khó có thể lý giải và hiểu được cặn kẽ những gì đã xảy ra, không nhìn từ văn hóa (theo nghĩa rộng nhất) thì “lịch sử” còn lại rất ít do chỉ nhìn thấy sự kiện mà không thấy những tác động dẫn đến sự kiện đó, những ảnh hưởng từ sự kiện đó đến bối cảnh xã hội. Nói cách khác, do tầm nhìn hạn hẹp của người đời sau nên “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”.
Từ đó, việc đặt lại vấn đề với những điều tưởng chừng đã “an bài” trong lịch sử – văn hóa luôn là “thao tác tư duy” cần thiết. Từ một góc nhìn khác, một chiều kích khác, một phương pháp khác… sẽ cho những nhận thức, hiểu biết mới. Không thể có nhận thức mới nếu thao tác tư duy cũ, “giải thiêng” các huyền thoại, huyền tích, cổ tích là một cách nhận biết những điều người xưa, dân gian ngầm gửi qua bề mặt câu chữ. “Đọc dưới những con chữ”, kể cả chính sử và huyền thoại, cổ tích, cách tiếp cận tư liệu như thế được nhiều học trò tiếp thu, tiếp cận lịch sử từ văn hóa Việt Nam, coi lịch sử là dòng chảy chính được tạo bởi nhiều nguồn văn hóa.
Một cá tính Trần Quốc Vượng độc đáo
Tôi không có may mắn như nhiều bạn đồng nghiệp là được học GS. Trần Quốc Vượng và trực tiếp làm việc, đi khảo sát và khai quật với thầy. Tôi chỉ được học một vài chuyên đề khi thầy vô Sài Gòn thỉnh giảng, ở “vùng sâu vùng xa” nên chỉ có thể học bằng việc nghiền ngẫm những bài viết của thầy, nghe thầy giảng giải và nói chuyện trong những lần gặp thầy, học lại từ bạn bè – những người được thầy trực tiếp truyền dạy. Tuy thầy không có điều kiện để trực tiếp hướng dẫn tôi trong các công trình khoa học nhưng thầy luôn là người phản biện tuyệt vời, thấu hiểu và nâng đỡ những ý tưởng khoa học mới mẻ của học trò với trách nhiệm của một nhà khoa học chân chính và tấm lòng nhân hậu của một người thầy.
Từ trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy ngoài học thuật, GS. Trần Quốc Vượng còn là tấm gương về sự dấn thân vào đời sống xã hội: từ sự hiểu biết sâu sắc lịch sử – văn hóa đến sự mẫn cảm trước những hiện tượng báo động bất ổn xã hội… Thầy luôn có những tiếng nói cảnh báo từ cái tâm của một người trí thức chân chính. Vì vậy, tuy thầy quảng giao với mọi người, “hòa hợp” nhưng không “hòa tan”, dù có nhiều biến cố xảy ra thì thầy vẫn là chính mình, một cá tính Trần Quốc Vượng độc đáo.
Là học trò của GS. Trần Quốc Vượng từ cuối những năm 1970, ở xa nhưng mỗi lần gặp lại tôi luôn cảm nhận nỗi cô đơn của thầy ngày một đầy hơn. Dường như trên con đường khoa học gập ghềnh vạn dặm, trên những nẻo đường đời quanh co đầy bất trắc, thầy đã không có một người bạn đồng hành thực sự, mặc dù quanh thầy bao giờ cũng có nhiều người…
- Xem thêm: Tục thờ Thần Nông ở Nam bộ
Ở thầy không chỉ có kiến thức rộng lớn, sâu sắc, tư duy linh hoạt, sắc sảo mà còn có nỗi lòng lắng đọng, ẩn sâu bên trong vẻ “bạc đời” tựa như những bài hát của Trịnh Công Sơn mà thầy yêu thích: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”.
Ở thầy, còn là sự trân trọng, lòng bao dung, ứng xử chân thành giản dị với đồng nghiệp, học trò, bạn bè, cũng là thái độ không thỏa hiệp với những gì làm cho con người trở nên tầm thường, xấu xa như sự dối trá, phản bội, lòng ghen ghét, đố kỵ…
Thế hệ học trò khảo cổ đầu tiên ở Sài Gòn của thầy nay đến tuổi nghỉ hưu cả rồi, nhưng chúng tôi vẫn luôn coi mình là những học trò nhỏ của thầy, nhất là về phương pháp tiếp cận vấn đề và tư duy phản biện. Từ nền kiến thức cơ bản thầy truyền cho, nhiều học trò của thầy dù phải “dịch chuyển” nhưng đều làm tốt nhiều công việc khác nhau, có tinh thần dấn thân và thực hiện trách nhiệm xã hội của người trí thức. Những gì GS. Trần Quốc Vượng để lại không chỉ là tri thức, tầm nhìn khoa học mà còn là cái tâm với nghề, cái tình đối với người.
Tôi luôn tự nhủ, đó là chính điều thầy luôn mong chúng tôi truyền đạt cho những thế hệ học trò về sau.
– Ảnh Nguyễn Hữu Thắng