Thần Nông là vị vua trong huyền thoại, có công dạy dân cày cấy, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vị thần này được thờ cúng ở đình làng và gắn với các lễ hội cúng đình. Ngày xưa gọi là Tiên Nông, hiểu theo nghĩa là thần Nông nghiệp. Xã hay Hậu là thần Đất (thần Thổ Địa).
Tắc là Thần Lúa. Thời phong kiến, Thần Nông và Hậu Tắc là hai vị thần riêng biệt, có đàn thờ riêng nhưng dân gian vẫn xem là một. Phần nhiều gọi là đàn Xã Tắc, nhưng chỉ có một vài nơi thờ thần Hậu Tắc, còn đa số đều thờ Thần Nông (Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam Bộ xưa và nay, 1999, tr.123).
Các vương triều phong kiến trước đây rất coi trọng việc cúng Thần Nông. Vua Gia Long lên ngôi năm 1802, thì đến năm 1806 đã cho xây đàn Nam Giao ở phía Nam kinh thành Huế để tế trời 3 năm một lần và lập đàn Xã Tắc gần hoàng thành để cúng Thần Nông mỗi năm 2 lần vào tháng 2 và tháng 8.
Những vùng nông nghiệp phát triển ở Nam bộ thì Thần Nông được thờ ở vị trí trang trọng ngay giữa sân đình.
Đối với nơi nghề nông giữ vai trò thứ yếu thì Thần Nông chỉ được thờ ở bên hông đình và ở quy mô nhỏ. Ở Nam bộ có huyền thoại giải thích cho việc thờ Thần Nông ngoài trời. Thần Nông ngoài việc dạy dân cày cấy, cũng muốn dạy dân làm nhà ở, mà ông ta chỉ biết lấy lá cây làm nhà nóc bằng không đạt yêu cầu, nên phải làm nhà hai mái theo sự chỉ bảo của bà Cửu Thiên Huyền Nữ.
Do vậy bà Cửu Thiên được tôn làm Tổ thợ mộc. Từ đó Thần Nông mắc cỡ, thà ở ngoài trời, chứ nhất định không chịu chui vào nhà theo kiểu “thước nách” của đàn bà (Đình Nam Bộ xưa và nay, tr.124).
Các đình làng ở Nam bộ trước đây đều tổ chức 3 lễ lớn sau lễ Kỳ yên là lễ Hạ điền, lễ Thượng điền và lễ Cầu bông. Đây là những lễ biến đổi từ tục tế Xuân và tế Thu, thường gọi là Xuân Thu nhị kỳ. Thần Nông là đối tượng chính được cúng vào lễ khai hạ/ khai sơn (7.1 âm lịch).
- Xem thêm: Về tên gọi núi Bà Đen
Lễ Hạ điền tổ chức vào đầu mùa mưa (tháng 4, 5 âm lịch), mang ý nghĩa là lễ xuống đồng. Lễ Hạ điền ở Đồng Tháp diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch, lệ cúng lớn nhất trong năm, nhiều đình ghép chung vào lễ cúng Kỳ yên, 3 năm một lần, như các đình Định Yên, Long Khánh, Cái Tàu Hạ, Tân An Trung…, thu hút rất đông người dự (Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu tín ngưỡng thần Thành Hoàng Việt Nam & đặc trưng đình làng Nam Bộ ở Đồng Tháp, 2002, tr.48).
Lễ Thượng điền tiến hành vào cuối mùa mưa (tháng 11, 12 âm lịch), tạ ơn trời sau khi thu hoạch xong. Lễ Thượng điền ở đình Bình Thủy (Cần Thơ) ngày 12-14.4 âm lịch; đình Mỹ An Hưng (ấp An Quới, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) ngày 19-20.11 âm lịch. Lễ Hạ điền luôn làm lớn hơn lễ Thượng điền.
Do mục đích 2 lễ này gần giống như lễ Kỳ yên, nên một số làng cứ 3 năm một lần lấy ngày lễ Hạ điền hoặc Thượng điền làm lễ Kỳ yên (tam niên đáo lệ). Và trong dịp này, lễ Kỳ yên được tổ chức trọng thể hơn, có đủ nghi tiết, hát bội cúng thần.
Riêng lễ Cầu bông được tiến hành khi lúa bắt đầu ngậm sữa (lúa mùa), cầu cho lúa ngậm sữa, đơm bông, vụ mùa tốt tươi. Nghi thức cúng Thần Nông diễn ra ngay trước sân đình, do hương chức đảm nhiệm, có chiêng trống, thịt, xôi, bánh, trái, nhang đèn. Có nơi làm đơn giản nhưng cũng có nơi làm đầy đủ nghi thức tế lễ, có văn tế, nhạc lễ, giống như lễ Kỳ yên. Về sau, một số đình đã nhập lễ Cầu bông vào lễ Hạ điền.
Lễ Cầu bông ở các đình của tỉnh Bình Dương diễn ra từ tháng 7-11 âm lịch, tập trung nhiều nhất vào các ngày 15-16.8 như: đình An Nghiệp (xã An Sơn, thị xã Thuận An, 16.7), đình An Phú (phường Tân An, TP. Thủ Dầu Một, 16.8), đình Hóa Nhật (xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, 9.9), đình Hiệp Hưng (thị trấn Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, 16/10), đình Bình Trị (phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, 15-16.11)… (Theo tài liệu của Bảo tàng Bình Dương).
Cá biệt, đình Bình Thắng (phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An) cúng Thần Nông vào dịp 9.2. Đình Phước Hội (ấp Phước Hòa, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) cúng Cầu bông ngày 15-16.8 (theo Phí Thành Phát).
Ngày lễ Hạ điền và Thượng điền tại xóm ấp mới thực sự thu hút bà con nông dân tham gia. Gần đến ngày quy định, trong xóm ấp đã chộn rộn, lo dựng rạp. Vật cúng là heo gà, hương hoa, trà quả… bày biện trên bàn cao, không có nhạc lễ. Chủ lễ thay mặt bà con tạ lễ Thần Nông, Hậu Tắc, các thần Mây, Mưa, Sấm, Sét đã giúp đỡ họ trong suốt một năm. Cúng xong mọi người ăn uống vui vẻ.
Tại miếu Thần Nông ở đình Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu) hàng năm đều có tổ chức lễ Hạ điền, Thượng điền, Cầu bông khá quy củ. Lễ hội Kỳ yên ở Bến Tre tiến hành trong 2 ngày, nghi tế Thần Nông thực hiện vào ngày thứ 2 cùng với ngày với lễ Kỳ yên (nghi chánh cúng), nghi Tống khách (tống gió), nghi Hồi sắc. Đình Tân Thạch (huyện Châu Thành, Bến Tre) cúng 16.7 âm lịch, 13 giờ, sau lễ Nghinh thần (Lư Hội, Xuân Quang, Tinh hoa văn hóa Bến Tre, 2012, tr.79-80).
Theo Phí Thành Phát (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh), lễ cúng Thần Nông trong lễ cúng Kỳ yên đình An Hòa Trảng Bàng diễn ra vào lúc 12g ngày 12.2 âm lịch. Ban quý tế đình dâng hương, rượu, trà trước bàn thờ Thần Nông theo lời xướng của học trò lễ, lạy 4 lạy.
Lễ cúng Thần Nông thường phải có bò, heo, dê, hương đăng, trà, hoa quả, xôi. Có nơi chỉ cúng 1 con heo sống (đã làm xong), để nguyên con. Ngày xưa cúng bò, heo, dê phải là bò đực còn tơ, heo đực thiến, màu đen tuyền. Nhưng nay đã tiết giảm, nhiều đình chỉ cúng thịt heo chín, trái cây, bông hoa…
Lễ vật cúng Thần Nông ở đình Mỹ An Hưng (ấp An Quới, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) gồm: mâm xôi, mâm bánh, khổ thịt, dĩa tam sên, bông hoa, trà quả, rượu trắng. Vật cúng Thần Nông ở đình Mỹ Luông (ấp Mỹ Trung, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, An Giang) gồm 1 con heo sống (đã mổ, cạo lông), để nguyên con, gác trên gối, đầu quay vào nơi thờ Thần Nông, cùng một số thịt tợ, một con dao nhỏ, cùng với hương đăng, trà quả, chè xôi của người dân cúng.
Đình Chợ Thủ (ấp Long Định, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, An Giang), lễ vật cúng Thần Nông cũng tương tự. Riêng thân heo từ vai chân trước đến đuôi được quét son Tàu bằng 3 ngón tay, miệng heo ngậm thẻ tre hai đầu gắn hai ngọn đèn cầy nhỏ, kèm theo hỏa lò, bó củi.
Có nơi, người ta để cả một thúng lúa lên bục thờ, có người lấy thân cây chuối kết làm cái cộ bên cạnh thúng lúa, ý cầu mong thần sẽ ban cho nhiều gạo lúa rồi dùng cái cộ này chở lúa đem về nhà.
Một số địa phương ở Nam bộ có tục lệ cúng Thần Nông ngay ở đồng ruộng. Trước vụ mùa, nông dân làm lễ cúng Thần Nông trước nhà. Vật cúng là gà, bánh trái, nhang đèn.
Bàn thờ Thần Nông được đặt trước sân đình, hoặc ở một góc sân đình, để lộ thiên, không mái che, chỉ gồm một bệ đất, có nơi người ta xây bục thờ bằng xi măng, trên đó có ghi dòng chữ “Nền Xã Tắc”, một dạng thu gọn của đàn Xã Tắc và đàn Tiên Nông ở kinh đô. Hoặc có nơi người ta xây miếu thờ có ghi hai chữ 社 稷 (Thần Nông) bằng chữ Hán hoặc chữ quốc ngữ.
Cá biệt, để tiện việc cúng tế, một số đình còn làm mái che cho bàn thờ Thần Nông (đình Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) hoặc do bị nhà vòm che khuất (đình Dĩ An, Bình Dương). Ở một vài nơi, do chiến tranh, mưa gió, nên bục thờ Thần Nông không còn nữa, người ta cũng không xây mới mà cứ để như thế cúng. Khi cúng, người ta trải chiếu ra, đặt thức cúng lên đó rồi cúng bái.
Không chỉ ở các tỉnh làm nông mà ở TP. Hồ Chí Minh, những khu vực vốn là đất nông nghiệp, cũng có nhiều miếu thờ Thần Nông như: 9 (quận 2), 11 (quận 9), 11 (quận 12), 17 (quận 12), 9 (huyện Củ Chi), 40 (huyện Bình Chánh). Cả 75 ngôi đình ở tỉnh Trà Vinh đều có bàn thờ Thần Nông, kể cả khu vực các huyện ven biển.
Trong các đình làng, ban thờ Thần Nông nằm ở ngoài trời, trước sân đình, hay ở bên hông đình (đình Bình Tự, Biên Hòa, Đồng Nai). Một số đình trang trí đắp nổi phía dưới bệ hình ảnh của cánh đồng, cảnh làm nông (đình Tân Lân, đình Bình Điền, Biên Hòa, Đồng Nai). Ban thờ Thần Nông ở đình Thới Sơn (huyện Tịnh Biên, An Giang), phía trên thờ Thần Nông, phía dưới thờ Phục Hy, Huỳnh Đế.
Ở nhiều ngôi đình, bàn thờ Thần Nông đặt ở phía sau bình phong: đình Phú Khương (TP. Bến Tre), đình Phú Mỹ (quận 7, TP. Hồ Chí Minh), đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh)… Bình phong ở đình Thới Thạnh (huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ), ngoài chữ 社 稷 (Thần Nông), hai bên đắp nổi Ông Hổ vàng và 2 bụi lúa màu vàng.
Miễu Thần Nông nằm trong khuôn viên miễu Bà Ngũ Hành Đá Mỏ (thị trấn Long Hải, Bà Rịa-Vũng Tàu), miếu Thần Nông ở đình Gia Lộc (khu phố Lộc Thành, thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh) nằm bên phải đình, kế miếu thờ Thần Hổ. Bàn thờ Thần Nông ở đình An Hòa (xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) nằm bên phải đình, gần bàn thờ Bà Chúa Xứ và Chiến sĩ trận vong. Bàn thờ Thần Nông ở đình Gia Bình (xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) nằm sau bình phong, hai bên là bàn thờ Bạch Hổ và Bạch Mã. Bàn thờ Thần Nông ở đình Phú Hội (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre) có chạm hình hổ vàng ở bệ thờ.
- Xem thêm: Về huyền thoại Phật đản sinh
Một số đình có miếu Thần Nông riêng như đình Long Điền (thị trấn Long Điền), đình Hắc Lăng (xã Tam Phước, huyện Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu), đình An Phú Đông (quận 12, TP. Hồ Chí Minh), đình Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ), đình Thới Bình (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), hoặc nằm ở khuôn viên riêng biệt như miếu Thần Nông (huyện Bình Đại, Bến Tre)…
Có nơi lại gọi là miếu Điền (Dương Xuân miếu), nằm trong khuôn viên chùa Ông (Linh Võ tự, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An), bên trong thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, Tiên Sư, Tiền Hiền, Tả Ban, Hữu Ban. Phía trước miếu là bàn thờ Thần Nông, nơi hàng năm diễn ra lễ Hạ điền, Thượng điền và Cầu bông, cầu cho mùa màng tốt tươi.
Miễu Bà Cố (huyện Bến Lức, Long An) có ban thờ “Thần Nông” đặt ở bờ tường trước miễu, đối xứng với bàn thờ “Vong Linh”. Trước đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương-Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều ở Khu Di tích Gò Tháp (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) cũng có bàn thờ Thần Nông được đặt sau bình phong.
Miếu thờ Thần Nông ở đình Hắc Lăng (xã Tam Phước, huyện Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu) phối thờ Thần Nông với “Bạch Mã Thái Giám” và “Ngũ Hành Nương Nương”. Ở đình Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), bên cạnh Thần Nông còn có Bà Vàng, gốc từ Thần Lúa của người Chăm.
Ở một số địa phương, Thần Nông được thờ chung với thần khác như: miếu Lầy Trắng (ấp Ông Đông, xã Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương), Thần Nông được thờ chung với Ngũ Hành Nương Nương, cúng đầu heo vào ngày 16.11 âm lịch; miếu Bà Tri (ấp Bà Tri, xã Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên), Thần Nông thờ chung với Bà Chúa Xứ, cúng chính vào ngày 18.12. Miếu Thần Nông (ấp Đông Ba, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương) gồm 3 đối tượng là Thần Nông, Sơn Quân, Chúa Xứ; cúng heo trắng sống ngày 18.9. Miếu Lâm Sơn (ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, Bình Dương), ngoài Thần Nông, còn có Phật Bà, Chúa Tiên, Chúa Xứ, Ông Hổ; vía Bà vào dịp 16.3; cúng thịt, gà, trứng (Theo tài liệu của Bảo tàng Bình Dương).
Một số đình Thần Nông được cụ thể hóa bằng hình ông lão tay cầm cành lúa như đình Hòa Tây (quận Tân Phú, TPHCM), đình Nghi Xuân (quận Bình Tân, TPHCM), miễu Bà Ngũ Hành (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh)… hay là hình vẽ ông lão râu dài, tay cầm cây trượng, ghi hàng chữ “Ông Thần Nông”, đặt ngay trong đình Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ).
Một số đình làm bệ thờ thấp, liền kề “sân cúng” như đình Hanh Phú (quận 12, TP. Hồ Chí Minh), miếu Điền (huyện Châu Thành, Long An).
Tín ngưỡng thờ Thần Nông ở Nam bộ có nguồn gốc từ văn hóa Trung Quốc, chịu ảnh hưởng của điển chế thời Nguyễn, nhưng khi đến vùng đất mới nó có những biểu hiện hết sức phong phú, gần gũi với dân gian, phản ánh tư duy cởi mở, hồn hậu của cư dân nông nghiệp Nam bộ.