Dịch bệnh và giãn cách xã hội vô tình đã mang “trả lại” cho gia đình khoảng thời gian ở bên nhau của các thành viên… Trong đại dịch này khi sống với nỗi bất an và sự ám ảnh của cái chết thì điều đó càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Cơ hội để nhận thức lại về ý nghĩa của hạnh phúc gia đình cũng nằm ở đó.
Những gì đang diễn ra trong thực tế cho thấy đại dịch COVID-19 nguy hiểm hơn người ta tưởng rất nhiều. Cả thế giới lao đao chống dịch. Khó có thể kể hết những thiệt hại lớn lao về nhân mạng và kinh tế cũng như tổn thương về tinh thần mà đại dịch đã gây ra cho nhân loại gần hai năm qua.
Ngay lúc này, các thành phố lớn ở Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh khác cũng đang căng mình chống dịch với số ca nhiễm hàng ngày lên tới hàng nghìn người. Dịch bệnh, cùng với sự xáo trộn do giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly đã làm cho những người yếu thế gặp khó khăn hơn, những điểm yếu trong xã hội vốn bị che lấp bởi ồn ào, náo nhiệt lộ rõ. Tuy nhiên, cũng chính trong thời gian này, con người ở cả phương diện cá nhân và cộng đồng mới đủ dũng cảm để chân thật nhìn lại cuộc sống của chính mình để thay đổi, khắc phục những điểm bất toàn. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta vẫn có thể làm nhiều việc để sửa đổi lối sống, làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.
Trân trọng vật chất và sống tiết kiệm hơn
Các sử gia hiện đại về cơ bản cho rằng nhân loại nhờ vào khoa học kĩ thuật và khả năng quản trị sản xuất, phân phối về cơ bản đã giải quyết được nạn đói. Xét trên bình diện nhân loại thì điều đó đúng. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào từng cộng đồng thì ta sẽ thấy không phải không có những người còn phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, với cái đói hàng ngày. Trong khi đó, sống trong xã hội tiêu dùng hiện đại, một bộ phận lớn trong chúng ta khi đi làm và sinh hoạt thường ngày đã sa đà vào thói quen ăn uống xa hoa hay thừa thãi không cần thiết.
Bạn hãy kiểm điểm lại xem trong cuộc sống hàng ngày bạn đã bao nhiêu lần tham dự các bữa tiệc mà ăn xong thức ăn đồ uống vẫn còn thừa mứa để rồi sau đó chúng được vứt vào thùng rác? Trong gia đình bạn có phải thường xuyên vứt bỏ thức ăn thừa vì nấu nhiều không ăn hết hoặc không muốn ăn vì đơn giản hôm đó đã ăn tiệc trước khi về nhà?
Đấy là một sự lãng phí lớn. Lẽ ra số thức ăn đó có thể giúp được rất nhiều người khác qua cơn hoạn nạn nếu như ta không phung phí. Ví dụ, nhờ chi tiêu tiết kiệm và không xa hoa, ta có thể có dư ra số tiền lẽ ra bị lãng phí đó để chi dùng vào việc cần thiết hoặc làm từ thiện, giúp đỡ người khác. Không chỉ là thực phẩm, lương thực, sự xa hoa, lãng phí của con người hiện đại còn là tiêu xài tiền bạc vào vô số những vật dụng xa xỉ hoặc không thực sự cần thiết. Vì vậy, giống như người Nhật thường dạy trẻ em, để sống con người không thể không ăn và khi ăn sẽ tước đoạt sinh mệnh của các loài khác dù là động vật hay thực vật. Sinh mệnh là thứ quý giá vì vậy không được phép ăn uống xa hoa và lãng phí. Phải biết trân trọng sinh mệnh của sinh vật khác trong khi trân trọng sinh mệnh của chính mình.
- Xem thêm: Ôi em tôi, Sài Gòn không… vỉa hè
Trong bối cảnh phải sống với các chỉ thị phong tỏa và giãn cách xã hội thường xuyên, hơn lúc nào hết chúng ta thấy tầm quan trọng của lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu. Đây là thời điểm thích hợp để suy nghĩ, sửa đổi lối sống để có lối sống giản đơn hơn và biết san sẻ cho những người khó khăn sống ở quanh mình.
Quan tâm hơn tới người thân và dành thời gian cho gia đình
Trong cuốn sách Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (Nguyễn Quốc Vương dịch, NXB Phụ nữ, 2016), các tác giả đã dẫn ra kết quả của một cuộc điều tra nghiên cứu quốc tế cho biết người Nhật Bản và Hàn Quốc đứng đầu thế giới về chuyện ít ăn tối cùng gia đình trong tuần. Đi kèm với nó là tỉ lệ ly hôn trong xã hội cũng lớn. Quá bận rộn với chuyện làm ăn trong vòng quay sôi động của xã hội công nghiệp đã làm cho con người lãng quên mất gia đình và không đủ sự tỉnh táo để phân bổ thời gian hợp lý cho những gì quan trọng.
Việt Nam cho dù chưa trở thành nước công nghiệp nhưng xã hội cũng đang chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ của mô hình gia đình và lối sống. Gia đình truyền thống tan vỡ nhường chỗ cho gia đình hạt nhân chỉ bao gồm cha mẹ và con. Lao động trẻ từ các vùng nông thôn đổ về thành phố kiếm sống và nhịp điệu cuộc sống trở nên hối hả. Tất cả những cái đó làm cho những ông bố trở về nhà muộn và ngày càng ít ăn cơm tối cùng gia đình.
Sự xâm nhập của tivi, điện thoại, máy tính cũng làm cho những câu chuyện quanh bàn trà, bàn ăn ít đi. Các căn hộ hiện đại chia thành các phòng cũng làm cho mỗi người có một khoảng không gian riêng. Cuộc sống nhờ thế trở nên tiện lợi rất nhiều nhưng cũng chính nó làm cho mỗi người đang ngày một trở nên cô độc trong chính gia đình của mình.
- Xem thêm: Tương lai của đô thị
Những đứa trẻ dần quen với sự vắng mặt của người bố trong bữa cơm, quen với tiếng nói của tivi hơn là tiếng trò chuyện của cha mẹ. Dịch bệnh và giãn cách xã hội vô tình đã mang “trả lại” cho gia đình khoảng thời gian ở bên nhau của các thành viên. Rất có thể nó cũng gây ra những xáo trộn và căng thẳng. Nhưng chính thời gian đó cũng là thời gian vàng để cha mẹ bên con, đọc sách cho con nghe, kể chuyện cho trẻ trước giờ đi ngủ và các thành viên trong gia đình trò chuyện với nhau. Đấy là vốn dĩ là những việc đương nhiên và rất quan trọng mà chúng ta đã lãng quên. Trong đại dịch này khi sống với nỗi bất an và sự ám ảnh của cái chết thì điều đó càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Cơ hội để nhận thức lại về ý nghĩa của hạnh phúc gia đình cũng nằm ở đó.
Đầu tư thời gian, công sức cho tự học phát triển bản thân
Đại dịch COVID-19 đã làm cho rất nhiều công ty lao đao và phá sản khiến nhiều người thất nghiệp. Nhiều người khác phải làm việc ở nhà. Thực tế ấy đã đặt ra thử thách cho mỗi cá nhân câu hỏi “phải làm gì để tồn tại và thoát ra khỏi tình thế khó khăn hiện tại?”. Khi ở nhà dài ngày mà không có một điều gì đó để theo đuổi, con người sẽ dễ trở nên buồn chán và rối loạn tâm lý. Để thoát khỏi trạng thái tâm lý đó cách tốt nhất là dành thời gian buộc phải ở nhà cho tự học và phát triển bản thân. Những người thành công lớn trong các cuốn sách của mình thường khuyên bạn đọc “đầu tư cho phát triển bản thân là sự đầu tư an toàn, bền vững nhất”. Trong bối cảnh hiện tại, dành thời gian để đọc sách, tham gia các khóa học online… là một cách tự học và phát triển bản thân thiết thực.
Người Việt nói chung chưa có thói quen đọc sách để tự học. Rất nhiều người đã dừng việc học sau khi tốt nghiệp phổ thông và đại học. Đấy là điều rất đáng tiếc. Cuộc sống luôn vận động và thay đổi vì vậy việc học phải là việc được tiến hành trong suốt cuộc đời. Sự khủng hoảng kinh tế và đảo lộn sinh hoạt xã hội trong thời dịch bệnh là một dấu hiệu quan trọng cho thấy sau dịch bệnh, xã hội sẽ đòi hỏi người lao động ở một trình độ cao hơn, một năng lực thích nghi mới. Cơ hội tìm kiếm một công việc khác hay lựa chọn một công việc thích hợp hơn, đem lại thu nhập tốt hơn, phù hợp với bản thân hơn phụ thuộc vào việc cá nhân sẽ chuẩn bị gì cho mình trong tình hình mới.
Khi công việc gặp khó khăn phải tạm nghỉ, thay vì buồn chán, hãy tập trung vào việc đọc sách, tự học, cải thiện các kĩ năng cần thiết. Sự kiên trì học tập đó sẽ đem lại kết quả sau một thời gian. Trong gần hai năm qua, với những đợt giãn cách xã hội liên tục như đã thấy, nếu cá nhân có ý thức đọc sách để tự học và học qua internet… thì hai năm đó cũng là một quãng thời gian đáng kể để học được nhiều thứ.
Như cách nói thường thấy, “trong nguy có cơ”, những khó khăn, thử thách luôn ẩn chứa trong đó những cơ hội để có thể trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn. Việc nhìn nhận lại đời sống của cá nhân và cộng đồng trong thời buổi dịch bệnh hoành hành một cách bình tĩnh và sửa đổi nó cho hợp lý hơn sẽ góp phần tạo ra nền tảng cho sự thay đổi. Xuyên suốt lịch sử, nhân loại nói chung và các cộng đồng dân tộc còn lại tới ngày nay đã tồn tại được nhờ phương cách ấy.
- Xem thêm: Cửa sổ mùa đơn điệu