Từ khung cửa sổ phòng khách, ngọn núi nhô lên với chóp nhọn phết trắng lẫn trong vệt đất cát màu đỏ nâu. Người phụ nữ dành căn phòng cho tôi nói rằng từ khung cửa sổ đó, bà có thể thấy tuổi trẻ trôi qua.
Ngôi nhà nằm ở thành phố Antofagasta (Chile), giữa sa mạc Atacama, với những quả đồi đất hoang mạc nhô lên kéo dài vô tận và kết thúc khi thị trấn bắt đầu và kéo dài ra đại dương. Nơi bà đi bộ lên đồi với người yêu thời niên thiếu. Nơi đặt chiếc bánh ngọt vừa nhấc khỏi lò cho khí lạnh ngoài trời làm kem trên mặt cứng lại. Nơi khung cửa đóng lại hình hài của thời thanh xuân qua trận động đất dập nát khung cảnh phố đồi trước mặt. Bà có thể thấy chú chó chạy cắt qua khung cửa đó, trèo vào ngôi nhà khi phố rùng mình cựa quậy. Li ti đâu đó giữa đốm lửa bắt cháy lên đêm đen, bà nhớ ra con trai và cháu nội của bà hiện diện cạnh quãng rung chuyển dị kỳ đó. Và tan vào khung cảnh.
Vài tháng ngắm ánh sáng xuyên qua mành ren trắng mỗi bình minh đến muộn, tôi tưởng tượng cuộc đời có thể gói gọn trong chiếc tổ bé nhỏ và ô kính trong suốt. Hoặc thình lình gãy đổ như người khổng lồ giận dỗi dẫm tan hoang hiện thực. Khi COVID-19 xuất hiện, thế giới của hàng triệu người đã thu bé lại chỉ còn khung cửa sổ dạng hình học mà họ vô tình kẹt lại. Chúng mang nhiều tuyên ngôn hơn những ô vuông đơn điệu khoét ra đón không khí và ánh sáng vào nhà. Chúng gợi ý về thế giới có tồn tại ngoài kia, nhưng giờ trở nên vừa xa vừa hiểm nguy, như trong thước phim kinh dị thời hủy diệt.
Thuở nhỏ, ba xếp cho tôi ngủ trong căn phòng có cửa sổ nhìn ra vườn. Trời mùa hè nóng, mẹ để cửa sổ mở và kéo rèm vải lại. Nằm trong bóng tối, tôi nghĩ về bầy đom đóm lang thang sau vườn, quày quả mang theo cây đèn xanh đậm li ti đi tìm bạn thân bị lạc. Thỉnh thoảng, trời chưa bình minh, gà trống lại gần sát cửa sổ, gáy vang như xổ hết nội lực, quyết xé bóng tối ra cho kịp ngày.
Tỉnh dậy giữa đêm, tôi thầm thì nghĩ về những chú mèo bí ẩn đang xì xào gì đó trên mái tôn cao. Rồi mọi thứ vờ đi ngủ để đón mặt trời đến – ánh sáng màu hồng lan dần đến khung cửa và vén bóng tối đi vào nơi tôi mệt quá lịm đi. Vài lần tôi định hỏi ba có khi nào kẻ bí ẩn đi bộ qua khung cửa tìm cách bắt cóc mất con, nhưng rồi ái ngại quy mô vấn đề, tôi đành im lặng để ngôi nhà bán đi khi câu trả lời chưa kịp hình thành.
Cửa sổ thường tạo ra thế giới đầy trí tưởng tượng và hình ảnh của riêng nó, như chiếc truyền hình màu đầy giác độ thú vị của thế giới băng qua.
Một đêm, ở thị trấn sa mạc, tôi mở mắt trong tiếng kim loại hỗn loạn, từ khung cửa sổ nhà bà, những căn hộ trên cao, mái nhà trên sườn đồi đều bật đèn sáng trưng. Hàng trăm người bước ra ban công, tay cầm chảo, tay cầm vung hoặc muỗng, gõ cho kim loại vang vào nhau khô khốc như lời mắng mỏ nặng nề. Dải âm thanh vung lên, ngắt quãng, rồi dấy lên thành sóng. Bà gõ cửa, bảo đừng sợ. Mọi người đang biểu tình. Một thanh niên vừa cưỡng hiếp cô học sinh và cô gái tự tử trong cùng đêm đó. Kẻ thủ ác vừa được thả vì tòa kết luận cô gái… tự chết. Bà giải thích rồi đóng cửa phòng quay đi. Khung cửa sổ kính trong suốt nhìn ra phố thị sa mạc trở nên nặng nề như đeo một trận nguyền chưa thỏa.
- Xem thêm: Lạc giữa Nam Mỹ mùa dịch bệnh
Tôi ngủ trong một cơn mê ồn ào của thế giới không liên quan đến mình.
Cửa sổ biến thành toàn bộ cuộc đời. Khi ấy tâm trí người thậm xưng bằng cách tự ví bản thân như tù nhân sau song sắt. Tôi bèn tìm thử trên báo, phát hiện rằng Anh Quốc quyết định thay khung cửa sổ tù bằng sắt thành cửa kính chịu lực trong suốt. Khi ấy thế giới sẽ biến thành hình mẫu nhà tù nhân rộng, nơi mỗi tâm trí đằng sau khung cửa cố định lại trong hình vuông bốn cạnh, và những chiều kích khác của thế giới trở thành phẳng như bức ảnh hai chiều đơn giản.
Cửa sổ thường tạo ra thế giới đầy trí tưởng tượng và hình ảnh của riêng nó, như chiếc truyền hình màu đầy giác độ thú vị của thế giới băng qua. Tôi nhớ ra đặc điểm đó khi nhìn xuống cửa sổ tầng 4 một căn hộ nhỏ giữa thủ đô Santiago de Chile, nơi người đàn ông ngồi gục nửa người dưới cây cột điện đèn vàng nhập nhoạng. Mùa đông mờ trong sương đêm. Chiếc áo bông to sụ che kín gáy và mái tóc bừa bộn ngoi ra dưới nón dạ. Chân ông xếp bừa bộn trên vỉa hè, không màng đến ai băng qua.
“Tụi mình gọi ông ấy là Ngài Nghiện. Mỗi khi đi mua đồ ăn, mình hay hỏi ông cần gì không thì ông bảo mua cho ông chai vang”. Bạn tôi đưa tay quẹt vào lớp hơi nước đọng mờ đục, vân vê ý nghĩ về thời họ lớn lên, mưu sinh và sống cùng Ngài Nghiện. Nhà của ông là mái hiên chung cư của bạn. Hôm ấy đi mua bánh pizza về ăn tối, cậu dừng ở cửa nhà, mở hộp để ông nhón một miếng ăn. Rồi lăn ra ngủ. COVID-19 làm người như ông khốn khổ. Đói no thất thường. Giờ ông đã chịu ăn bánh pizza chứ không kén chọn nữa. Tôi co ro cạnh lò sưởi, cầu mong đèn đường kỳ ảo tạo ra hơi ấm nào đó cho ông.
“Ngài Nghiện qua đời rồi”. Chỉ hai ngày sau đó, tôi biết lời cầu mong của mình là trí tưởng thừa thãi trong một đô thị khốn cùng của quy luật. “Hồi mới dọn đến đây, nhiều lần mình tưởng ông không qua khỏi vì uống say rồi nằm khoèo giữa đêm. Vậy mà ông không sao…” – bạn rót ly rượu vang và để xuống đường nơi vài đêm trước ông ngồi ngủ.
- Xem thêm: Chắc sẽ nhanh thôi
Sau khung cửa sổ, thế giới mặc chiếc áo an toàn giàu tưởng tượng, nhân rộng hình hài đẹp đẽ thêm nhiều lần, và ngăn cách hiện thực ồn ào không cho lọt đến tai người. Hiện thực của mùa đông. Của đói khát. Của COVID-19 và sự đơn chiếc trên đường. Hiện thực của thế giới ê hề thực phẩm trên căn hộ sáng đèn lấp ló, và đói khát trong xó xỉnh phố phường tối tăm. Nhưng chỉ khi đủ điều kiện, ta mới có quyền năng trang bị cho mình cửa sổ.
Để cách âm. Để ấm áp. Để mơ màng. Để rời xa thế giới thực tàn bạo trôi qua trước mắt không thể ngăn chặn kịp.
Hôm ấy, tôi chợt nhận ra mình chưa hề biết mặt Ngài Nghiện, dù đã ở trong căn hộ của bạn tôi hai tuần cách ly. Cửa sổ phẳng dẹt không có chiều kích nào khác để tôi nhìn ông như con người, và bước ra khỏi chiếc salon ấm áp để nghĩ ngợi xa hơn hình ảnh tiện nghi nó cung phụng.
Trong khoảnh khắc phản kháng của trí tưởng ồn ào ngoi lên, chủ thể sau khung cửa dùng thân mình đập vào lớp kính trước mặt. Khoảng trống nứt ra. Giấc mơ và trí nhớ tìm cách thở trong khoảng không xa lạ mà nó dần quên mất, bên ngoài giới hạn của bức tường và khung kính. Đối thoại trỗi dậy từ khoảng không, va đập như khối kim loại chạm vào nhau ồn ào.
Tôi mở mắt, nhìn ra cửa sổ căn phòng, hướng qua tòa nhà đối diện. Một bàn tay kéo rèm cửa trên tầng lầu cùng độ cao, để lộ một bà lão ngồi xe lăn và đắp chiếc chăn dạ hoa che kín chân. Bà kéo ánh mắt qua không gian trước mặt, dừng ở vị trí có tôi, và vẫy tay chậm chạp. Tôi ấn bàn tay mình vào cửa kính lạnh buốt, đẩy cánh cửa mở toang và vẫy lại phía bà. Vẫy. Vẫy. Một phụ nữ trẻ hơn từ không gian tối phía sau tiến lại sát cạnh bà, tò mò nhìn theo hướng bà vẫy, và cô cũng đưa tay vẫy.
Tôi định hỏi bà có biết Ngài Nghiện qua đời đêm qua không. Có thể bà quen Ngài từ thuở trước khi ngồi xe lăn, từ thời ban công còn mùa xuân đầy hoa bay trên phố, từ thuở COVID-19 chưa biến thành tấm chăn màu xám che phủ cả thành phố trong cơn hôn mê dài. Có thể bà vẫn dạo trên đường bằng xe lăn. Có thể cô gái đẩy xe giúp bà. Các khả thể trở nên vô thực trong thế giới hiện tại mà tôi vô tình đứng đây vẫy chào bà.
Sáu tháng trời ngồi sau các khung cửa sổ, tôi nghĩ mình sắp hóa thành hình ảnh hai chiều mỏng như tờ giấy của hiện thực do tâm trí tôi tự tạo ra. Ở thế giới đó, cảnh một bà lão ngồi xe lăn trở nên lãng mạn, một trận biểu tình chống tội phạm hóa thành sân trường, và Ngài Nghiện ngồi mơ hồ trong giấc mộng yên lành của đèn đường mùa đông.
Thực ra không hề có hiện thực nào như vậy – tôi lầm rầm nhắc nhở. Hiện thực ngạt thở hơn bao giờ hết – nơi chuyện kể của thế giới bắt đầu mỗi ngày như khúc bi ca đơn điệu: “Hôm nay, X nạn nhân qua đời vì COVID-19”. Trên TV đều đều.