Nước ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn về nhu cầu năng lượng tăng cao, bên cạnh đó là các ràng buộc về mặt môi trường, nguồn vốn đầu tư đặt ra nhiều sự chọn lựa cho ngành năng lượng.
Trên con đường công nghiệp hóa, mô hình tăng trưởng của chúng ta dựa quá lâu vào các ngành khai thác tài nguyên, công nghiệp truyền thống, các ngành công nghệ thấp tiêu tốn năng lượng dẫn đến không thể cạnh tranh với chi phí năng lượng quá cao do sự lãng phí từ phía sử dụng.
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11% trong năm năm gần đây; dự kiến trong thời gian tới nhu cầu sẽ tăng trên dưới 10%.
Chính vì vậy, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức và áp lực rất lớn cho việc đảm bảo an ninh năng lượng. Để giải quyết vấn đề năng lượng của đất nước, thời gian tới trong bối cảnh các nguồn thủy điện đã cơ bản khai thác hết, Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, nhưng rõ ràng trong điều kiện hiện nay các nguồn năng lượng ấy cũng không thể cáng đáng được vai trò chủ lực trong hệ thống điện được vì chi phí còn cao.
Đó là lý do tại sao hiện nay nhiệt điện than vẫn được xem là nguồn năng lượng chủ lực và vấn đề được quan tâm nhất là nếu phát triển nhiệt điện than thì phải giải quyết được bài toán về môi trường.
Cơ cấu nguồn điện của Việt Nam rất đa dạng với thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời… Hiện nay nguồn thủy điện đã khai thác gần hết, chỉ còn một số dự án mở rộng và các công trình thủy điện vừa và nhỏ có công suất dưới 30MW có thể khai thác được.
Theo Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2016, dự báo tốc độ tăng trưởng điện vẫn trên 10%/năm, có nghĩa là tốc độ phát triển ngành điện lực Việt Nam tăng gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước.
Do vậy, trong khi các nguồn điện mới khác chưa đưa vào được thì đương nhiên phải khai thác, xây dựng nhiệt điện than. Trong thế chẳng đặng đừng, chúng ta xây dựng nhà máy điện dựa vào công nghệ và nguồn than của Trung Quốc, rõ ràng ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Hiện nay, nhiệt điện than chiếm 35,1% tổng công suất nguồn, cao nhất trong các dự án nguồn điện (thủy điện xếp sau với 33,6%). Đến năm 2020, nhiệt điện than sẽ tăng lên ở mức 44,7% (gần 30.000MW). Năm 2030, nhiệt điện than sẽ tăng lên 56,1%, trong khi các nguồn điện tái tạo hoặc điện sạch giảm đi hoặc tăng lên cũng không đáng kể.
Các dự án điện than mỗi ngày một tăng lên nhưng nguồn than trong nước khai thác được để đáp ứng đầu vào cho các nhà máy điện công suất lớn lại càng ngày càng giảm đi.
Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản (TKV) cho biết nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện trong nước khoảng 23-24 triệu tấn. Ngành than hầu như chỉ còn xuất khẩu rất ít nên đến hết 2015 vẫn cân đối đủ than cho nhu cầu các nhà máy trong nước.
Nhưng từ năm 2016 trở đi, việc nhập khẩu số lượng lớn ngày một tăng dần, từ nhập khẩu vài triệu tấn cho năm 2016, đến năm 2020 có thể nhập khẩu từ 20 triệu đến 30 triệu tấn/năm.
Từ một nước xuất khẩu than chuyển qua trở thành một nước nhập khẩu than để phục vụ cho sản xuất điện, đồng nghĩa với tính chủ động nguồn cung của cả hai ngành điện và than đứng trước nhiều thách thức mà lớn nhất là vấn đề môi trường.
Kế hoạch phát triển điện quốc gia mới nhất của chúng ta cho thấy ngày càng phụ thuộc vào than đá thông qua việc xây dựng nhiều nhà máy điện chạy bằng than. Tuy nhiên kế hoạch này lại mâu thuẫn với cam kết cắt giảm 25% lượng khí thải nhà kính trong cùng giai đoạn.
GreenlD, một tổ chức phi chính phủ ủng hộ việc phát triển năng lượng tái tạo nhận thấy rằng “chỉ số bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội cao hơn năm lần so với mức trung bình hằng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”. Còn theo số liệu Tổng sơ đồ Điện II của Việt Nam, trên phạm vi cả nước, lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2018 vào khoảng 61 triệu tấn, năm 2020 là 109 triệu tấn, năm 2025 tăng đến 248 triệu tấn và năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn. Tổ chức này khuyến cáo, trước khi quá muộn, Việt Nam cần phải có thêm các nguồn năng lượng bền vững.
Hiện chúng ta có các nguồn năng lượng tái tạo như phong điện, điện mặt trời. Trong số 50 dự án phong điện mới chỉ có bốn dự án đang hoạt động với tổng công suất 160 Megawatt, một con số quá nhỏ. Tiềm năng chưa khai thác của các nguồn năng lượng như phong điện hay điện mặt trời hiện đang bị bóng đen chi phí cao phủ lên, điều này cần một giải pháp công nghệ từ bên ngoài.
Các số liệu đáng tin cậy cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng là quốc gia tiên phong phát triển ngành năng lượng sạch và tái tạo. Số liệu từ Cơ quan Quản lý Dự án Năng lượng bền vững WWF – Việt Nam cho thấy do thuận lợi về phương diện khí hậu nhiệt đới, năng lượng mặt trời có thể cung cấp ít nhất 35%, trong khi năng lượng gió có thể cung cấp ít nhất 13% nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2050. Đó chính là nguồn năng lượng bền vững nhờ tận dụng được những tiến bộ công nghệ, nếu chúng ta mạnh dạn đi trước một bước với các dự án lớn khai thác nguồn năng lượng theo phương thức hiện đại, thay vì xây dựng hàng loạt nhà máy nhiệt điện than vừa kém hiệu quả vừa ô nhiễm môi trường.
Nhà máy nhiệt điện than không phải là giải pháp duy nhất, khi mà mới đây Chính phủ cho biết sẽ ngừng xây dựng các nhà máy này trong tương lai gần. Một thông tin mới mà chúng ta cần nghiên cứu là ngay từ thập niên 1960 các chuyên gia đều đã khẳng định rằng thế giới sẽ có tương lai tốt đẹp hơn nếu tìm được một nguồn năng lượng để thay thế cho năng lượng mỏ là than, dầu và khí đốt. Đơn giản là vì những nguồn năng lượng này sẽ cạn kiệt trong vài thế hệ, hơn nữa chúng lại gây ô nhiễm môi trường.
Nhưng nguồn năng lượng thay thế nào? Thủy điện chỉ thực hiện được trong những điều kiện đặc biệt và cũng tạo ra những thay đổi môi trường chưa lường hết được. Năng lượng gió cũng là giải pháp nhưng giá lại đắt và chỉ thực hiện được ở những nơi có gió mạnh.
Nguồn năng lượng phong phú vô cùng tận dĩ nhiên là nắng, với khả năng cung cấp một khối năng lượng tương đương với tổng số năng lượng chất chứa trong tất cả các mỏ than, dầu và khí đốt trên trái đất.
Chất silicon (silicium) để tiếp nhận năng lượng mặt trời và biến thành điện cũng vô tận vì chiếm hơn 25% vỏ trái đất. Nhưng lâu nay giá thành 1kwh giờ điện mặt trời quá đắt so với điện sản xuất bằng than hay dầu. Những panô nắng (solar panel) làm ra điện đã được chế tạo ngay từ đầu thập niên 1980 nhưng chỉ được dùng trong một số trường đại học hay trung tâm khảo cứu như để triển lãm một phát minh khoa học.
Nhưng gần đây những cải tiến liên tục đã có thể cho ra đời các panô ngày càng nhỏ hơn, mỏng hơn, nhẹ hơn, mạnh hơn và rẻ hơn. Giá thành của các panô điện nắng giảm một cách nhanh chóng. Kỹ thuật tích lũy điện – để dùng trong đêm hay mùa đông âm u – cũng tiến theo, các ắc-quy ngày càng nhỏ hơn, mạnh hơn và bền hơn.
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đầu năm nay cho biết giá thành của các panô điện mặt trời đã giảm 90% trong ba thập niên vừa qua, từ 22 USD/1 watt xuống còn 2 USD. Theo ước lượng của các trung tâm nghiên cứu, trong vòng từ 10 đến 20 năm nữa giá thành của điện mặt trời sẽ chỉ còn bằng một nửa giá thành của điện than và hoàn toàn không gây ô nhiễm.
Than chắc chắn sẽ bị loại bỏ rất nhanh chóng và như thế các nhà máy dùng than cũng sẽ phải đóng cửa.
- Lê Minh Trí