Mười năm tạo nên một hành trình của một giải thưởng âm nhạc không hề đơn giản trong bối cảnh sự lựa chọn và đồng thuận chưa bao giờ là tuyệt đối với những đặc thù cả về gu thẩm mỹ, định hướng sản xuất và xu hướng hoạt động âm nhạc. Giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 10 vừa chính thức công bố danh sách đề cử ở các hạng mục và phản ánh ít nhiều góc nhìn riêng cũng như tiêu chí rất đặc trưng mà Giải Âm nhạc Cống hiến đã làm từ năm đầu tiên đến năm thứ 10 tròn trịa này.
“Đại chúng hóa” giải thưởng?
Từ những hạng mục cơ bản nhất, đến nay, Giải Âm nhạc Cống hiến đã có không ít lần tự điều chỉnh để làm sao cho thấy đây không chỉ là một giải thưởng do những nhà báo, phóng viên, biên tập viên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, mảng âm nhạc nói riêng bình chọn; mà qua đó còn là cái nhìn bao quát hơn về những hoạt động cụ thể của đời sống âm nhạc từ Bắc chí Nam. Giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 10 có bảy hạng mục, trong đó có hai hạng mục mới xuất hiện gần đây ít nhiều mang đến cho khán giả một cái nhìn khác hơn về tiêu chí, cũng như mục đích hướng tới của giải thưởng này. Đó là hạng mục Bài hát của năm và Nghệ sĩ mới của năm. Và đương nhiên, khi nhìn vào danh sách để cử của lần trao giải thứ 10 này, chúng ta không khó nhận ra rằng giá trị và tiêu chí nghệ thuật được ban tổ chức Giải Âm nhạc Cống hiến xây dựng từ đầu vẫn không hề thay đổi ở bên trong, có chăng sự thể hiện bên ngoài đã phản ánh một sự thật đó là tính “đại chúng” vẫn ảnh hưởng một cách sâu sắc đến Giải Âm nhạc Cống hiến. Dù là một động thái nhằm đáp ứng thị hiếu số đông của khán giả để giải thưởng không xa rời thực tế, ngự trị ở một đỉnh cao mà không tìm thấy được tiếng nói đồng điệu từ đại chúng hay bản thân giải thưởng cần như thế, thì sự thay đổi này cũng được cho là tích cực để thấy được cái nhìn toàn cảnh hơn về một giải thưởng.
Tuy nhiên, trong “tham vọng” giữ vững “nề nếp” giá trị, tiêu chí cho Giải Âm nhạc Cống hiến, khán giả sẽ không có gì là bất ngờ khi ở hạng mục Bài hát của năm lại xuất hiện ở hai dòng ca khúc gần như khác biệt, không nhất định phải nói là đối lập. Đó chính là hai ca khúc viết về đề tài tình yêu đó là Bốn chữ lắm (sáng tác Phạm Toàn Thắng, ca sĩ Trúc Nhân – Thảo Nhi) và Trót yêu (sáng tác Ái Phương, ca sĩ Trung Quân Idol), bên cạnh đó là hai ca khúc viết về đề tài quê hương, đất nước là Nơi đảo xa (tác giả Thế Song) và Tổ quốc gọi tên mình (nhạc Đinh Trung Cẩn, thơ Nguyễn Phan Quế Mai). Rõ ràng, một năm của ca khúc Việt không chỉ có những sáng tác như thế này, và nó không hẳn là phản ánh một cái nhìn toàn cảnh của mảng ca khúc.
Ngay cả ở hạng mục Nghệ sĩ mới của năm, Giải Âm nhạc Cống hiến vẫn tỏ ra kiên quyết một cách mạnh mẽ, kiên trì với tiêu chí riêng và đưa ra những đề cử như: Vũ Thắng Lợi, nhóm Oplus, Nguyễn Trần Trung Quân và Huyền Sambi. Khán giả sẽ thấy yếu tố đa dạng trong cách chọn ra danh sách đề cử dành cho Nghệ sĩ mới của năm, trong đó có nhóm ca, ca sĩ solo và cả nhạc sĩ sáng tác. Nhưng gần như ba phần tư danh sách này không phải là những cái tên của “đại chúng”. Câu hỏi được đặt ra cho giải thưởng Âm nhạc Cống hiến khi nó đã đồng hành cùng đời sống âm nhạc được 10 năm, đó chính là có không một cái nhìn toàn cảnh thông qua các hạng mục của giải thưởng này?
“Cái riêng” hay “cục bộ”
Dưới góc nhìn đôi khi cũng “đại chúng” và không chuyên môn sâu sắc, khán giả cũng không khó để thấy Giải Âm nhạc Cống hiến đã đi con đường rất riêng. Nó phản ánh qua lần thứ 10 này một cách sâu sắc về nhận thức một giải thưởng không cần có tiếng nói đồng thuận trăm phần trăm và đôi khi đó chỉ là sự đồng ý trên những tiêu chí, nguyên tắc bình chọn được đưa ra từ ban tổ chức một giải thưởng. Vì vậy, không thể phủ nhận rằng đây là giải thưởng giữ được “cái riêng” sâu sắc nhất đến thời điểm này nhưng mặt trái cũng không tránh khỏi đó là những hệ lụy phản ánh xu hướng thẩm mỹ, gu thưởng thức âm nhạc “cục bộ” thể hiện qua các đề cử.
Chúng ta không thể tạo ra một quy chuẩn hòa tan cho tất cả các giải thưởng âm nhạc hiện nay, khi xu hướng nghe nhạc của đại chúng quá phức tạp, khó định hướng đôi khi phải nói là “bình dân”. Nhưng chính ở những thông điệp mà Giải Âm nhạc Cống hiến đưa ra, khán giả có quyền đòi hỏi nhiều hơn những sự ghi nhận một cách thỏa đáng cho các sản phẩm âm nhạc, tên tuổi ca sĩ mang tính “đại chúng”.
Theo như những thông điệp mà giải thưởng Âm nhạc Cống hiến đưa ra đó là “Giải Âm nhạc Cống hiến xin trân trọng ghi nhận tất cả những thành quả sáng tạo mà các nghệ sĩ đã nỗ lực và miệt mài phấn đấu trong suốt năm qua để cống hiến cho âm nhạc đại chúng” (trích nguyên văn bản), thì ở cả năm hạng mục là Album của năm, Chuỗi chương trình của năm, Chương trình của năm, Nhạc sĩ của năm và Ca sĩ của năm đều có phần nghiêng về gu thẩm mỹ, thưởng thức của một phía.
Trong đó, duy chỉ có hai đề cử tạm gọi là đi theo những gì đang diễn ra thực sự của đời sống âm nhạc trong một năm qua, đó là Hồ Ngọc Hà cùng với hai đề cử Chương trình của năm và Ca sĩ của năm. Mỹ Tâm cũng tương tự xuất hiện trong hai hạng mục tương tự. Còn lại những album như: Một tôi rất mới (Tạ Quang Thắng), Gặp tôi mùa rất đông (Nguyễn Đình Thanh Tâm), Khởi hành (Nguyễn Trần Trung Quân) hay những chuỗi chương trình Bài hát Việt (VTV – Cát Tiên Sa), Giai điệu tự hào (VTV – Motion Media), In The Spotlight (Công ty Mỹ Thanh) với “phiên bản” năm 2014 đề cao “dấu ấn cá nhân và cá tính âm nhạc”, RockStorm (MobiFone), Young hit, young beat (Công ty Truyền hình Viettel)… đều khá “cục bộ”.
Nếu gọi là ghi nhận những sáng tạo và đóng góp mang tính đại chúng, thì Giải Âm nhạc Cống hiến vẫn không dành cho tất cả các nghệ sĩ khi thiếu đi những gương mặt có thể nói là được yêu mến trong số đông của người nghe như: Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Lệ Quyên… Tại sao lại như vậy? Và một lý do lý giải đương nhiên đó chính là “tiêu chí riêng” của giải thưởng Âm nhạc Cống hiến đã quy định và bắt buộc những đề cử phải tuân theo. Và chuỗi chương trình trong năm qua có thể nói tạo được dư luận một cách mạnh mẽ, phải kể đến những cái tên như: Dấu ấn, Sol vàng, Tôi tỏa sáng… Và đương nhiên, không đáp ứng được tiêu chí của giải thưởng mà những chương trình này nghiễm nhiên không có mặt trong danh sách đề cử.
Và cứ như thế, mỗi năm trôi qua, Giải Âm nhạc Cống hiến lại mang đến cho công chúng những sự ghi nhận “riêng” và rất hợp với tiêu chí mà ban tổ chức giải thưởng đặt ra. Giải Âm nhạc Cống hiến thành công và tạo được tiếng vang ở diễn đàn riêng của mình, và tính “đại chúng” cũng có trong một nội hàm được hiểu rất riêng, nó không dành cho tất cả. Có khi đó chính là điều giúp cho Giải Âm nhạc Cống hiến tồn tại và tiệm cận với những giải thưởng mang tầm quốc tế mà công chúng đang mong đợi?
Dạ Vũ (DNSGCT)