Theo ước tính của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô năm 2016 sẽ giảm 7,4%, từ 9,4 triệu thùng/ngày trong năm 2015 xuống còn 8,7 triệu thùng/ngày trong năm nay. Sang năm 2017, sản lượng có thể xuống còn 8,19 triệu thùng/ngày. Từ thực tế này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã giảm mức ước tính sản lượng của khu vực ngoài OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu), từ 750 ngàn thùng/ngày vào năm 2015 còn 650 ngàn thùng/ngày vào tháng 2 vừa qua. Các nước thành viên của OPEC như Iraq, Nigeria, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đang trải qua sự sụt giảm sản lượng dầu thô, trong khi Iran vừa được phương Tây dỡ bỏ cấm vận, cũng chỉ sản xuất được khoảng 50% sản lượng đã hứa, tức khoảng 220 ngàn thùng/ngày.
Những yếu tố trên cùng với sự suy yếu của đồng USD và hy vọng nước Nga tham gia các cuộc đàm phán cắt giảm sản lượng dầu đã góp phần đưa giá dầu từ mức thấp nhất 28,5 USD/thùng vào giữa tháng 1-2016 lên hơn 40 USD/thùng hiện nay. IEA cho rằng mức cung dầu hỏa vào nửa sau năm 2016 cũng sẽ giảm, giúp thị trường điều tiết giá cả vào năm sau. Được biết, cuộc chiến về giá dầu bột phát khi tổ chức OPEC từ chối cắt giảm sản lượng, nay với khuynh hướng chung, tình hình được cải thiện, các nhà sản xuất dầu đã có thể thấy ánh sáng cuối đường hầm. Theo nhà nghiên cứu Dominick Chirichella, đồng sáng lập Viện Quản lý Năng lượng New York, Mỹ, sản lượng dầu thô tại Mỹ giảm sút do các công ty khoan tìm dầu phải đối mặt với sự sa sút về lợi nhuận, nguy cơ phá sản và chi phí điều hành tăng cao. Trong khi đó sản lượng của các nước sản xuất dầu khác lại bị chi phối bởi chính sách của nhà nước hơn là quy luật thị trường nên họ không muốn nhường thị phần cho các nhà sản xuất dầu của Mỹ. Các nước Ả Rập Saudi, Venezuela và Nga đang đi đến một thỏa thuận toàn cầu nhằm đóng băng sản lượng dầu ở mức tháng 1-2016, còn Iran thì tuyên bố rằng nước này chỉ dừng sản xuất một khi lấy lại được mức 1 triệu thùng dầu/ngày đã mất trong thời gian bị cấm vận. Nhưng theo Chirichella, nước Mỹ có thể ảnh hưởng đến mức cầu của thị trường dầu thế giới. Giá dầu thô thấp sẽ khiến cho giá xăng và dầu diesel rẻ hơn, khuyến khích nhiều người dân Mỹ chạy xe trên đường và tung tiền mua xe chạy bằng xăng, đẩy mức cầu nhiên liệu trên thế giới lên 750 ngàn thùng/ngày trong năm nay. Còn theo Jay Hatfield, Chủ tịch Công ty đầu tư Infrastructure Capital Advisors (trụ sở tại New York), Mỹ hiện tiêu thụ trên 15% sản lượng nhiên liệu của toàn thế giới, có thể lên đến 90 ngàn thùng/ngày. Mặt khác, cũng theo Hatfield, phải chờ đến tháng 5-2016 mới có thể tìm ra chứng cứ rõ ràng về việc giá dầu đã thoát đáy, khi mùa du hành bằng ôtô bắt đầu và các công ty lọc dầu vừa hoàn tất việc bảo trì nhà máy trong mùa xuân. Song sự tái cân bằng của Mỹ sẽ không kéo dài lâu nếu giá dầu tăng lên lôi kéo nhiều công ty khoan dò dầu quay lại các khu vực dò tìm.
Hiện các nhà sản xuất dầu của Mỹ đã khoan dò hơn 4.000 giếng dầu và khí đốt, tuy chưa có sản lượng, nhưng vẫn có thể nhanh chóng tạo ra sản phẩm một khi giá dầu đạt mức có lợi. Dù trong ngắn hạn giá dầu có lên hay xuống, trong những thập niên tới, Mỹ vẫn giữ vai trò là một trong những quốc gia có năng lượng hàng đầu thế giới. Nhờ sự thay đổi về chính sách năng lượng nội địa, Mỹ sẵn sàng bước chân vào thị trường năng lượng quốc tế. Tháng 12-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành đạo luật dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô từ 40 năm qua, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất dầu trong nước được tiếp cận với thị trường thế giới. Chuyến tàu đầu tiên chở dầu thô của Mỹ đã cập bến châu Âu vào cuối tháng 1 vừa qua. Chuyến thứ hai chở khí đốt hóa lỏng rời bến vào tháng 2, đi từ Louisiana đến Brazil, trở thành chuyến tàu đầu tiên xuất khẩu khí đốt của Mỹ.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)