Ghen tuông, cũng giống như sự giận dữ, là một cảm xúc “không hay”, thậm chí “xấu xí”. Khi bạn quá hạnh phúc, bạn cũng trở nên “mù quáng”, làm thay đổi nhận thức của bạn về thực tại.
Sự ghen tuông cũng vậy, theo Nick Jonas, đó là một cảm xúc “khủng khiếp”, nó đến và đi mà không có suy nghĩ, hoặc ngoài tầm kiểm soát của tâm trí. Nếu sự ghen tuông kéo dài trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn cả về thể chất lẫn tinh thần. Mặt khác không thể phủ nhận rằng ghen còn có thể gây ra một sự rạn nứt trong mối quan hệ của bạn với người bạn đời, nhưng điều quan trọng là ảnh hưởng sâu sắc trên bản thân của chính mình.
Theo các nhà tâm lý học, “Ghen tuông có thể trở thành một vòng luẩn quẩn gây trở ngại cho sức khỏe tâm thần và thể chất của bạn. Bạn ghen tị vì bạn không hài lòng vì lý do này hay lý do khác, và ghen tuông nuôi dưỡng sự bất hạnh đó, càng ghen càng tạo ra nhiều bất hạnh hơn không bao giờ chấm dứt…”.
Theo Kati Morton, chuyên gia trị liệu gia đình và hôn nhân cho biết khi bạn ghen thì cách bạn nhìn và suy nghĩ thường tiêu cực, tiêu cực về bản thân và cho cả thế giới xung quanh chúng ta. Nếu để sự ghen tuông kiểm soát cuộc sống của bạn, TS-BS Tâm lý học Danielle Forshee, cho biết ghen làm kích thích một cái gì đó trong não của bạn, khiến nó chuyển sang chế độ chiến đấu hoặc lo lắng dữ dội làm “nhịp tim tăng, đổ mồ hôi và cảm thấy đau rát dạ dày”.
Tác hại của ghen
Cảm giác ngửi được một mùi thơm lạ trên áo của người yêu hoặc chồng, vợ, là cảm xúc như đang “rơi tự do”. Ảnh hưởng rất lớn trên sức khỏe của người đang ghen như cao huyết áp, nhức đầu, đau lưng, đau bụng, loét và thậm chí là đau tim hoặc đột quỵ. Ghen còn làm suy yếu sức khỏe tâm thần của bạn như trầm cảm, khó tập trung, thay đổi tâm trạng, lo lắng và mất ngủ.
1. Trên não bộ
Chỉ cần tưởng tượng đối tác của bạn “trên giường” với một người nào khác thì các nút thần kinh của sợ hãi, giận dữ và ghê tởm gần như tăng cường hoạt động, theo nhà Giải phẫu học Thần kinh Hidehiko Takahashi (Đại học Kyoto). Nó cũng tạo ra một nỗi đau mạnh như cái đau thể xác.
- Xem thêm: Khi người ta ghen
2. Trên dạ dày
Được một lời khen từ bạn đời tự nhiên ăn ngon hơn rất nhiều. Còn mối đe dọa từ một đối thủ cạnh tranh khác lại kích hoạt một chuỗi phản ứng sợ hãi gây sản xuất nhiều adrenaline và noradrenaline, theo Frank John Ninivaggi, một bác sĩ tâm thần tại Yale’s Child Study Center. Hậu quả làm ăn không ngon hoặc chán ăn.
3. Trên trái tim
Hệ thống thần kinh giao cảm thường bị khóa dưới sự căng thẳng của ghen tuông, làm cho tim đập nhanh và gây áp lực máu về tim, theo Jonathan Dvash, một nhà Thần kinh học tại Đại học Haifa. Vì vậy, nếu bạn thấy mình đang bị đau ngực, hãy tránh tìm tòi những tin nhắn hoặc vào Facebook của người yêu, người bạn đời để tránh cơn “đột quỵ” ngoài ý muốn.
4. Ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ hôn nhân
Đôi khi bạn không điều khiển được cảm xúc khi ghen lại gây ra ảnh hưởng rất lớn cho mối quan hệ gia đình mà sau này hối tiếc thì đã muộn.
- Sự nghi ngờ gây mất lòng tin từ người bạn đời, người ấy sẽ không tin tưởng vào bạn vì nghĩ rằng bạn không trung thực như ở giai đoạn tiền hôn nhân.
- Làm thiệt hại cho bản thân bạn vì bạn luôn ở trong tâm trạng nghi ngờ, bạn cũng không tin tưởng vào chính bản thân mình.
- Làm cho bạn nhận thức sai lệch. Cho dù đó là một cuộc trò chuyện bình thường nhưng đôi khi cũng làm cho suy nghĩ của bạn trở nên “nghi ngờ” và không lành mạnh với bất kỳ đối tác nào.
- Làm cho bạn luôn đi lùi phía sau. Ghen tuông hút bạn trở lại quá khứ – quá khứ đau đớn của sự phản bội và thất vọng. Bạn không thể đánh giá cao những cải tiến mới đối với mối quan hệ của bạn hoặc những thay đổi mà đối tác của bạn đang tạo ra bởi vì tất cả những gì bạn có thể thấy là quá khứ.
- Luôn cảm thấy bất an trong cuộc sống gia đình. Bạn không thể giải quyết bất kỳ chủ đề khác trong cuộc sống hàng ngày vì lập luận luôn căng thẳng và thù hận.
- Gây ra sự phản cảm trong suy nghĩ của vợ hoặc chồng mặc dù đối tác rất yêu bạn nhưng họ sẽ tự hỏi liệu bạn có xứng đáng với họ hay không và tại sao họ phải chịu đựng nỗi đau mà chính bạn gây ra cho họ bằng những cáo buộc không công bằng, sự ngờ vực và thẩm vấn quá nhiều.
- Xem thêm: Chuyện… “người ta thường tình”
Khắc phục cơn ghen
Theo các chuyên gia, ghen tuông là cả một cuộc đấu tranh ngắn hạn hoặc dài hạn tùy người. Khi sự ghen tị xảy ra, cơ thể bạn bắt đầu nóng và rung lên một chút. Nhưng hãy yên tâm, có một vài cách giúp bạn thư giãn:
- Hãy lùi lại một bước và đừng để mất tinh thần, TS Forshee nói, ông gợi ý như gọi điện cho một người bạn, hít thở sâu, nghe nhạc. Cảm xúc đó sẽ tồn tại và rồi sẽ lắng xuống.
- Nhìn về phía trước, phủ nhận và vượt qua cảm giác đó, sau đó sẽ tìm hiểu thêm hiện tượng. Shannon Thomas, một nhà trị liệu tâm lý, khuyên “Cần xác định chính xác những gì chúng ta đang ghen tuông sẽ giúp chúng ta đặt mục tiêu và hướng mới”.
- Nhanh chóng thay đổi cảm xúc “tiêu cực” thành “tích cực”. Chia sẻ điều này với ai đó sẽ giúp tăng năng lượng tích cực vì sự tiêu cực sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp.
- Tập trung vào bản thân, thay vì vào người khác. Và hãy nghĩ rằng ghen tuông chỉ là một phần của cuộc sống. Đừng vì một cảm xúc nhất thời mà hủy hoại cả tương lai. Lời khuyên của TS Elizabeth Trattner: “Tôi luôn nói với bệnh nhân của mình, đừng nhìn sang phải, trái, hay phía sau bạn, hãy luôn nhìn và tiến về phía trước. Khi bạn tự chăm sóc bản thân, bạn sẽ luôn cảm thấy tốt hơn. Sự ghen tuông của bạn sẽ không cho phép bạn sống theo kiểu sống mà bạn luôn mong muốn. Nó thậm chí có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ và hạnh phúc của bạn. Bạn xứng đáng có những gì bạn muốn, và bạn thực sự có thể làm được những gì bạn muốn”.