Một đề tài không bao giờ cũ, từ cổ chí kim lúc nào cũng nóng, liên quan tới tình yêu, hôn nhân đó là chuyện “ghen”.
Giờ đây nhờ có thế giới ảo mà chuyện “ghen tuông thì cũng người ta thường tình” ấy có cơ hội được trưng bày cho cả thế giới xem, lắm thứ khôi hài, cười ra nước mắt.
Nếu bình tĩnh phân tích sẽ thấy ghen là một dạng tâm lý bình thường của con người khi họ cảm thấy tình cảm của mình với một người bị tổn thương bởi sự có mặt của người thứ ba. Ai cũng có máu ghen, nặng hay nhẹ tùy vào “cơ địa” của từng người.
Bệnh này cũng hay lây, không ít người ngoài cuộc nghe chuyện nổi máu “anh hùng” xúm vào ghen phụ. Dễ thấy nhất là trên các diễn đàn hay trên Facebook. Thôi thì trăm hoa đua nở, ngàn lẻ một kiểu ghen chính, ghen phụ, đôi lúc ghen phụ còn hùng hổ hơn ghen chính, ghen như thật, như mình là người trong cuộc.
- Xem thêm: Khi người ta ghen
Chỉ cần một dòng trạng thái ngắn trên Facebook, thể hiện tâm trạng của “người bị hại”, vậy là bao nhiêu người xúm vào chĩa mũi dùi về một nhân vật nào đó. Thật ra, ngoài đời cũng có việc “hùa” thế nhưng, hùa thật ít người theo hơn hùa ảo.
Tiếp theo, cộng đồng sẽ phân tích, đánh giá, nhận định tình hình giúp nhân vật chính. Khuyên nhủ, chế dầu vô lửa… đủ các kiểu. Tiếp nữa là truy tìm tông tích nhân vật, là ai, ở đâu, làm gì, quá khứ như thế nào được đem ra mổ xẻ.
Cuộc chiến giữa các phe (chính và tà) bắt đầu. Công kích, bêu xấu, kể tội… muôn hình vạn trạng. Chuyện không mới. Ghen, một trạng thái tâm lý bình thường thôi mà! Yêu rồi ghen, không yêu cũng ghen luôn.
Cuộc chiến ảo trên mạng sôi nổi ồn ào và nguy hiểm bởi không chỉ làm tổn thương mà còn có nguy cơ mang ra xử ngoài đời thật.
Như vậy, ghen là việc rất thường tình, làm sao để cho máu lạnh đi, không ghen mới là chuyện khó. Hãy xem quan niệm của một người.
“Nếu có lúc nào đó mình gặp một phụ nữ khác, cô ấy hoàn toàn phù hợp với kiểu phụ nữ mà người đàn ông của mình thích, chắc chắn lòng quặn lên vì nỗi ghen hờn và sự bất an. Hãy nhớ rằng đó là điều hoàn toàn bình thường. Bất cứ phụ nữ nào cũng trải qua cảm xúc này cho dù là một người tự tin, hấp dẫn đến đâu. Không nên “manh động”, làm bất cứ điều gì khiến hình ảnh mình xấu đi trong mắt người đàn ông hay tự khoét sâu nỗi buồn, sự dằn vặt về đối phương.
Tìm cách giải quyết tích cực cho chính mình là lối thoát hay nhất rồi hạ hồi phân giải, chuyện đâu còn có đó. Nếu thật sự tình yêu đã hết thì giải quyết theo cách tình yêu đã hết. Nếu tình yêu vẫn còn thì phải tìm cách hướng đến sự tha thứ”.
Một người khác nghe thế, phản biện ngay rằng như vậy thì đúng là bản năng phụ nữ đã nguội lạnh hết rồi. Còn gì là cảm xúc của trái tim khi cái đầu như một tảng băng. Lời phản biện có vẻ như khiêu chiến, nhưng hãy bình tĩnh nghe một phân tích khác.
- Xem thêm: Giới hạn mỏi!
“Ai đã học marketing đều biết hiểu về nghệ thuật lôi kéo (giành giật, mồi chài, dụ khị…). Gặp “siêu nhân” trong lĩnh vực marketing thì khách hàng có thông minh, tỉnh táo, sắc sảo đến đâu cũng “dính chấu”. Trong tình cảm cũng vậy, một khi đối thủ đã quyết giành giật một nửa của mình về phía hắn thì người đàn ông khó mà “giữ mình” được. Nói theo kiểu ông bà xưa là “cướp chồng”.
Do vậy, nếu gặp tình huống này thì chị em hãy hỏi ngay người đàn ông của mình tính sao để còn lo liệu. Tuổi thanh xuân thì ngắn, tôi không thể sống trong sự ghen tuông và nguy cơ đổ vỡ bởi vì tôi còn có cuộc đời của tôi.
Miễn là anh phải có trách nhiệm với con. Còn nếu là chuyện qua đường thì người đàn ông nên suy nghĩ và dừng lại, không nên đối xử tệ với người mẹ của các con mình bởi như thế nào thì người đàn ông tự trọng dư sức biết”.
Nghe qua thì rất hay, nhưng ngẫm lại cũng đều là lý thuyết kiểu không phải người trong cuộc. Vậy thì, kết luận gì đây? Cùng đi một hành trình dài luôn có nhiều cám dỗ dễ khiến con người đôi lúc muốn băng ngang, rẽ dọc, đi tắt, đón đầu…
Cách tốt nhất là làm sao đừng để con mắt nhìn ngang, liếc dọc khi mà phía sau còn một bầu đoàn thê tử. Đó là trách nhiệm. Tình yêu có thể hết, nhưng đừng để trách nhiệm không còn gây ra nỗi chán chường, thất vọng cho thế hệ tiếp nối!