Đối mặt với sự lạnh nhạt từ thị trường châu Âu và sự cạnh tranh gay gắt ở nội địa, gã khổng lồ ngành khai khoáng Gazprom của Nga đang vật lộn trên thị trường năng lượng toàn cầu và không loại trừ khả năng bị “xé nhỏ”. Với bóng ma khủng hoảng đang đe dọa nền kinh tế Nga do giá xăng dầu giảm và việc phương Tây trừng phạt vì vấn đề Ukraina, Bộ Năng lượng Nga dự báo Gazprom chỉ sẽ sản xuất 414 tỉ mét khối khí đốt thiên nhiên trong năm nay, mức thấp kỷ lục kể từ khi Gazprom trở thành nhà phân phối khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới. Giá trị vốn trên thị trường của Gazprom cũng giảm mạnh trong những năm gần đây, từ 300 tỉ USD trước thời điểm 2008 xuống còn khoảng 50 tỉ USD hiện tại, thấp hơn cả một số doanh nghiệp năng lượng quốc tế tiếng tăm. Ngoài ra, giá trị của Gazprom còn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực do những căng thẳng mới đây giữa họ và Liên minh châu Âu (EU). Tổ chức này cáo buộc Gazprom đã phục vụ cho lợi ích địa lý chính trị của Moscow thay vì hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh của quốc tế. Tương tự, sau sự việc Ukraina, Washington đã cấm vận chuyển giao công nghệ vào Nga trên một số dự án năng lượng, bao gồm khu vực khai thác Yuzhnoye Kirinskoye của Gazprom tại biển Okhotsk, buộc doanh nghiệp này phải từ bỏ thị trường truyền thống châu Âu sang những tham vọng mới tại thị trường châu Á. Nổi bật là sự kiện Moscow và Bắc Kinh ký kết hợp đồng khí đốt thiên nhiên trị giá 400 tỉ USD cho phép Nga cung cấp khí đốt cho các khu vực phía tây Trung Quốc, nhưng điều đó còn mang tính tương lai xa.
Cũng từ sau khi EU ngăn chặn dự án đường dẫn khí đốt South Stream vốn cho phép Nga dẫn khí đốt vào Tây Âu thông qua Biển Đen, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về việc xây dựng đường dẫn khí đốt mới mang tên TurkStream thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Có điều TurkStream đã bị trì hoãn do tác động từ chính quyền Ankara. Theo giới phân tích, dường như không có bất kỳ cơ hội nào để TurkStream hoàn tất và do đó ngõ vào thị trường châu Âu của Gazprom hoàn toàn bị đóng băng. Chưa dừng tại đó, Igor Sechin, nhà lãnh đạo của Công ty xăng dầu Rosneft, đang kêu gọi Moscow tăng cường cạnh tranh trong xuất khẩu khí đốt và chia Gazprom thành hai phần, bao gồm sản xuất năng lượng và vận chuyển. Giới phân tích từ East Europe Gas Analysis cho rằng sớm muộn gì Gazprom cũng phải tái cấu trúc, chia thành những thể chế nhỏ hơn, giúp việc hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn.
B. Trịnh theo AFP (DNSGCT)