Đó là nhận định của một du khách nước ngoài trên trang mạng TripAdvisor khi ghé thăm gallery Tháng Ba, một điểm đến mỹ thuật mới khai trương tại Hội An mà chủ nhân là nữ họa sĩ người Anh Bridget March. Theo TripAdvisor, gallery Tháng Ba là một trong những điểm đến không thể thiếu của du khách khi thăm thú phố cổ bên sông Hoài. Tuy nhiên, trước khi gallery mang tên nữ họa sĩ bằng tiếng Việt (March: Tháng Ba) ra đời, Bridget March đã được biết đến với những cuộc triển lãm tranh tại Sa Pa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang và Hội An.
Cũng theo nhận định nêu trên, gallery Tháng Ba là nơi đưa du khách đến với những trải nghiệm của sự khám phá văn hóa và di sản quá khứ Việt Nam, cùng những cảm xúc mê đắm của Bridget March qua các tác phẩm của bà tại đây. Đó là những bức tranh và vô số ký họa mà đề tài là cảnh sắc của nhiều vùng đất ở Việt Nam, những nơi nữ họa sĩ đã đặt chân đến trong gần năm năm qua, được bà thể hiện bằng không chỉ ngôn ngữ hội họa mà còn bằng tình yêu sâu đậm với đất nước này.
Từng làm việc trong ngành thiết kế suốt 18 năm, rồi dạy học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Leed ở quê nhà trong chín năm, Bridget March vẫn mong muốn được sống như một họa sĩ thực thụ như mơ ước thời thơ ấu. Thế nhưng cuộc sống với những lo toan cơm áo gạo tiền chi phối đã không cho phép bà thực hiện ước muốn. Rồi đến một ngày của năm 2011, khi bà lần đầu tiên du lịch Việt Nam… Bridget March không ngờ chuyến du lịch đó đã biến đổi hẳn cuộc đời mình. Mười tháng sau, bà quyết định sẽ sống lâu dài ở Việt Nam để theo đuổi mơ ước trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp.
Trong hơn bốn năm kể từ ngày định cư tại Việt Nam, Bridget March đã đến hầu như khắp nơi trên dải đất hình chữ S để khám phá cảnh sắc thiên nhiên và đời sống văn hóa của cư dân bản địa. Bà yêu thích sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt. Bà mến yêu sự nồng nhiệt của người dân tộc thiểu số ở Sa Pa; thích thú với sự giao thoa văn hóa và những biến thiên về mặt lịch sử ở miền Trung, đặc biệt là tại phố cổ Hội An. Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh với những con người phóng khoáng và sự giàu có về văn hóa để lại những ấn tượng mạnh mẽ, tốt đẹp nơi nữ họa sĩ. Thành phố này cũng là nơi Bridget March chọn để định cư lâu dài: bà có một ngôi nhà ở phường Thảo Điền, quận 2, nơi bà đặt xưởng vẽ và cũng là nơi bà mở các lớp dạy vẽ cho người nước ngoài cư ngụ tại đây.
Để có thể “bắt” được vẻ đẹp, chiêm nghiệm được thần thái của một vùng đất, Bridget March đã dành nhiều thời gian. Với Hội An bà từng sống suốt bảy tháng, còn với Sa Pa là trọn bốn tháng. Chẳng thế mà ngoài rất nhiều tác phẩm đã được Bridget March thể hiện về hai vùng du lịch đặc biệt này, bà còn xuất bản hai cuốn sách: A week in Hoi An (Một tuần ở Hội An) và A summer in Sapa (Một mùa hè ở Sa Pa). Cuốn trước là câu chuyện kể bằng hình ảnh trong thời gian nữ họa sĩ sống và sáng tác ở đô thị cổ, ở đó bà đã ký họa những hình ảnh thú vị của sinh hoạt thường nhật và ghi chép trực tiếp vào các ký họa. Sách có khoảng 60 minh họa màu về những nơi chốn bà Bridget March đã trải nghiệm ở Hội An: những bãi biển đẹp bậc nhất ở Việt Nam, những cánh đồng lúa ven đô, con sông Hoài mà trong quá khứ từng có một cảng thị náo nhiệt, những đền miếu, những cửa hiệu đầy màu sắc và những khu chợ tấp nập bán buôn… Tác giả coi đây là một sách hướng dẫn du lịch Hội An, một “guidebook” đem đến nụ cười cho người đọc. Còn A summer in Sapa có khoảng 100 minh họa, cũng là nhật ký bằng hình ảnh của tác giả về cảnh quan, đời sống văn hóa và cư dân ở một vùng núi Tây Bắc, nơi Bridget March tìm đến để tránh cái nóng bức của mùa hè Hà Nội. Đến Sa Pa lần đầu tiên, nữ họa sĩ đã sớm “phải lòng” vùng du lịch này và đã vẽ tranh trong một xưởng vẽ của riêng mình tại một ngôi nhà kiểu Pháp cổ, từ đó nhìn xuống phong cảnh kỳ ảo của thung lũng Mường Hoa. Cuốn sách, theo tác giả, dành cho những ai yêu mến cảnh sắc núi rừng Tây Bắc hay có ý định làm một chuyến du hành nhằm khám phá “một Việt Nam khác” cho chính họ. Cũng theo nữ họa sĩ, A summer in Sapa không chỉ là một “guidebook” mà sẽ là một người bạn đồng hành với khách lãng du qua những câu chuyện kể, những trích đoạn về lịch sử vùng đất…
Tại triển lãm có tên “Một tuần ở Hội An” được tổ chức tại nhà cổ số 46 đường Nguyễn Thái Học, từ 13-5 đến 24-5-2014, Bridget March đã giới thiệu với công chúng và du khách đến với phố Hội 30 bức tranh màu nước thể hiện các góc nhìn đầy cảm xúc về đô thị cổ. Đến tháng 9-2014, nữ họa sĩ có một triển lãm chủ đề Sa Pa, diễn ra tại Trung tâm Thông tin Du lịch của huyện, mở đầu cho Festival Nghệ thuật Sa Pa được tổ chức từ 20-9 đến 18-10-2014. Từ 10-9 đến 30-9-2015, triển lãm “Tranh miền Bắc Việt Nam” của Bridget March được tổ chức tại Nhà hàng quốc tế Maison de Tet Décor (quận Tây Hồ, Hà Nội) với tranh vẽ nhiều thắng cảnh ở các tỉnh thành phía Bắc. Từ ngày 4-11 đến 19-11-2016, trong triển lãm có tên gọi “Một cửa sổ nhìn vào Việt Nam” được tổ chức tại VinGallery ở Thảo Điền (TP. Hồ Chí Minh), Bridget March đã đưa người xem đến với một thế giới phong phú, đặc sắc của những khung cửa sổ mà bà quan sát được ở nhiều địa phương khắp đất Việt. Và gần đây, vào tháng 3-2017 tại Khách sạn InterContinental ở Nha Trang, trong một sự kiện kết hợp nghệ thuật và ẩm thực có tên “Culin’ Art” mà Bridget March là khách mời đặc biệt, ở đó bà đã giới thiệu những tranh phong cảnh Việt Nam cùng lúc hướng dẫn một lớp vẽ cấp tốc cho khách tham dự sự kiện.
Bridget March bày tỏ: “Một phần trong quá trình sáng tác của tôi là ngồi xuống, quan sát, lắng nghe và tương tác với chủ đề mà tôi sẽ vẽ. Tôi không vẽ từ ảnh chụp. Ngay cả khi trời nắng nóng nhất và mưa dữ dội nhất, chí ít tôi cũng sẽ vẽ một ký họa để ghi lại cảm xúc, để lưu giữ trong ký ức của tôi. Hầu hết các bức vẽ về Sài Gòn được tôi vẽ ngay trên đường phố, nhờ đó tôi có thể cảm nhận được sự tấp nập của xe cộ…”. Bằng cách đó, có thể nói nữ họa sĩ đã “bắt” được những gì là tinh túy của Việt Nam để đưa vào tác phẩm của bà.
- Phạm Đán Bình