Giới lãnh đạo các nước dùng euro đạt được thỏa thuận sau khi họp qua đêm tại Brussels nhằm nhất trí được các điều khoản cho giải pháp cứu trợ mới cho Hy Lạp với “sự tán thành của tất cả” sau các cuộc đàm phán nhiều giờ gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp lên đến 86 tỉ euro. Tuy nhiên, chi tiết thỏa thuận chưa được công bố.
Hy Lạp dự kiến phải thông qua cải cách mà eurozone yêu cầu vào ngày thứ Tư (15-7). Nếu không thống nhất được các điều khoản cho gói cứu trợ mới, các ngân hàng Hy Lạp sẽ vỡ nợ và quốc gia này có thể rời khu vực dùng euro.
Trước đó, 19 nhà lãnh đạo họp tới khuya Chủ nhật (12-7) và có lúc đã phải tạm ngưng để tham vấn ý kiến các nước chủ chốt trong khối. Các giải pháp được đưa ra sau hai ngày hội đàm căng thẳng giữa bộ trưởng tài chính các nước dùng đồng euro.
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem cho biết các quan chức đã “đi một chặng đường dài, giải quyết rất nhiều vấn đề”.
Các giải pháp được đề xuất – sau hai ngày hội đàm căng thẳng giữa Bộ trưởng Tài chính khối eurozone – chỉ bao gồm bốn trang nhưng nếu văn kiện dự thảo này được chấp nhận thì đây sẽ là viên thuốc rất đắng mà người Hy Lạp phải uống.
Hệ thống tài chính Hy Lạp đang cận kề bờ vực sụp đổ. Ngân hàng đã đóng cửa suốt hai tuần qua, giới hạn rút tiền tại ATM cho người Hy Lạp là 60 euro/ngày và giao dịch quốc tế vẫn đang bị chặn.
Sau khi chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đưa ra một đề xuất cải cách tuân theo các yêu cầu mà chủ nợ đưa ra, Quốc hội Hy Lạp hôm 10-7 đã bỏ phiếu nhất trí đề xuất này bằng số phiếu áp đảo với 251 phiếu thuận trong Quốc hội gồm 300 ghế. Trước đó, đề xuất nói trên cũng đã nhận được sự đồng tình từ các đảng chính trị đối lập.
Kết quả cuộc bỏ phiếu của Quốc hội là một bằng chứng cho thấy Chính phủ Hy Lạp đang nhận được sựủng hộ nhằm đạt thỏa thuận với các chủ nợ.
Trong đề xuất mới, Thủ tướng Hy Lạp ông Tsipras vạch kế hoạch cắt giảm chi tiêu, tiết giảm lương hưu, tăng tuổi nghỉ hưu và tăng thuế. Đây đều là các biện pháp mà Thủ tướng Hy Lạp cương quyết chống lại trong suốt hơn năm tháng đàm phán vừa qua với các chủ nợ. Thậm chí ông Tsipras từng kêu gọi người dân Hy Lạp bỏ phiếu chống lại những biện pháp ấy trong cuộc trưng cầu dân ý hồi cuối tuần trước.
Điều này cho thấy câu trả lời “Không” trong cuộc trưng cầu dân ý có vẻ như đã trở thành câu trả lời “Có” từ Thủ tướng Tsipras.
Các quan chức của khu vực đồng euro đang đối phó với việc Hy Lạp không thể trả được khoản vay 1,8 tỉ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tháng trước. Các chủ nợ quốc tế đang tìm kiếm thêm những bảo đảm rằng Athens sẽ tôn trọng những điều khoản của bất kỳ thỏa thuận mới nào.
Đ.N (DNSGCT)