Kết quả là sau 10 năm đồng tiền chung lưu hành, các thành viên khu vực sử dụng đồng euro lần lượt mất điểm tín nhiệm AAA của các tổ chức lượng giá quốc tế và đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng nợ công.
Người dân châu Âu hoang mang rời bỏ giấc mơ và chuyển sang nỗi lo sợ về sức khỏe của đồng tiền chung đang góp phần vào sự tăng giá phi mã các mặt hàng tiêu dùng, gây khó khăn cho đời sống. Tạp chí hướng dẫn người tiêu dùng Que Choisir của Pháp trong số báo đầu năm 2012 đã nêu ra một vài con số đáng lo ngại: Giá một ổ bánh mì trong 10 năm qua nhảy vọt từ 67 xu lên 85 xu euro, tăng 27%, giá một tách cà phê tăng 45% trong một thập niên. Đáng báo động hơn nữa là trong 10 năm qua, giá một ký-lô táo tăng 65%, hay giá thịt gà hiện tại đắt gấp rưỡi so với 10 năm về trước.
Giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng vọt cùng với tình trạng nợ công đang đè nặng thêm trên đôi vai của những người dân trong ngôi nhà chung châu Âu.
Ngay cả Pháp và Đức, hai đầu tàu kinh tế của Eurozone cũng bị đe dọa. Trong mắt nhiều người Pháp, đồng euro bị coi là nguyên nhân dẫn tới lạm phát, khác với ngày đầu tiên của năm 2002 họ đã hào hứng đón nhận đồng tiền chung. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và nhà kinh tế Pháp đã nghĩ đến một vài tình huống có thể khiến đồng euro sẽ không tồn tại trong thời gian không xa, điều mà chỉ cách đây vài tháng chưa ai nghĩ đến.
Còn ở Đức, một cuộc khảo sát mới đây cho thấy 85% người dân nước này đổ lỗi lạm phát cao là do đồng euro. Người Đức cũng cảm thấy không thể chịu đựng được khi đứng nhìn từng đồng thuế do mồ hôi nước mắt của mình bị chuyển ra nước ngoài để dùng vào việc cứu trợ cho các nước khác.
Cuộc khủng hoảng đồng euro càng rõ nét bởi sự tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ mắc nợ tư và công cao, một tình trạng dễ bị tổn thương lớn của hệ thống tài chính và ngân hàng châu Âu, tình trạng bất ổn xã hội ngày càng tăng trong đó có vấn đề thất nghiệp.
Những nhân tố này tạo thành một vòng xoắn ốc kéo nền kinh tế nhiều nước lần lượt đi xuống. Tầm quan trọng của những khoản nợ công và thâm hụt ngân sách cùng với viễn cảnh tăng trưởng xấu đã dẫn đến tình trạng mất lòng tin của các nhà đầu tư.
Nhu cầu trái phiếu của các nhà nước đang bị đe dọa trên thị trường thứ cấp mà nếu tình trạng này kéo dài thì gánh nặng các khoản lãi sẽ càng tạo một áp lực lớn cho ngân sách mỗi quốc gia.
Nợ nhà nước tăng thêm, lòng tin của các nhà đầu tư vào việc giúp đỡ và hoàn trả các khoản nợ giảm. Trong cố gắng tránh một sự bùng nổ về nợ, các chính phủ đã từng bước cải thiện số dư ngân sách của họ và thông qua các chương trình tiết kiệm hà khắc. Để bù vào các khoản cho vay đã được chấp thuận, Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã tiến hành những cam kết quan trọng về tiết kiệm và cải cách cơ cấu. Chính Ý, Tây Ban Nha, Pháp và các nước khác thuộc khu vực đồng euro cũng đưa ra những biện pháp củng cố trên phạm vi rộng.
Cho đến nay, Hy Lạp vẫn đang là điểm nóng đe dọa sức khỏe – thậm chí là sự tồn tại – của đồng euro. Vấn đề lớn nhất đang được cân nhắc là liệu Hy Lạp có đáng được nhận khoản cứu trợ kế tiếp 31,5 tỉ euro để thoát khỏi cảnh vỡ nợ gây tác hại lên toàn bộ Eurozone. Theo điều kiện thỏa thuận cứu trợ, Hy Lạp phải chứng tỏ có thể dành dụm 11,5 tỉ euro thông qua cắt giảm chi tiêu công. Điều này quả thật rất khó khăn vì hiện nay tình hình kinh tế ngày một xấu đi do ảnh hưởng đến việc thu thuế mà lâu nay một bộ phận lớn người Hy Lạp chưa xem đó là một nghĩa vụ, thậm chí họ còn ví von là một “môn thể thao”.
Khổ nỗi sự thất bại trong việc cứu Hy Lạp sẽ dẫn đến sự rạn nứt giữa các nước trong EU càng làm cho đồng euro suy yếu. Trong khi người dân Hy Lạp đã chọn ở lại Eurozone thì lại có những lời đe dọa của một số nước đòi rút khỏi khu vực đồng tiền chung này. Nói không quá đáng, tương lai đồng euro tùy thuộc nhiều vào tình hình Hy Lạp và các nước đang trông chờ sự cứu giúp của Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng như sự hào phóng của các đầu tàu kinh tế.
Viết Đỉnhtổng hợp