Tính đến giữa năm 2011, tổng cộng đã có 14,2 tỉ tờ tiền giấy và 95,6 tỉ đồng tiền kim loại với tổng trị giá 870 tỉ euro được lưu hành tại 17 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu. Không chỉ là biểu tượng cho sự hội nhập của châu Âu, việc ra đời đồng euro đã tạo ra sự thay đổi lớn trong hệ thống tiền tệ thế giới.
Chỉ một năm sau khi chính thức đi vào lưu hành, đồng tiền chung của Liên minh châu Âu đã có những bước đi ngoạn mục. Từ mức ban đầu 1 euro gần bằng 1 USD, sau đó đồng euro dần dà tăng giá trị, thậm chí có những thời điểm trong năm 2008, 1 euro đổi được 1,6 USD. Đặc biệt khu vực Eurozone chỉ chiếm 16,5% sản lượng kinh tế toàn cầu, nhưng đồng euro lại chiếm tới 27% dự trữ ngoại hối của thế giới.
Không chỉ mang những ý nghĩa lớn lao về kinh tế trong thời kỳ đầu đi vào lưu thông, đồng euro còn mang biểu tượng rõ nét về bản sắc thống nhất của khu vực. Báo chí thế giới đã không tiếc giấy mực ca ngợi đồng tiền chung đầu tiên trên thế giới với sự thán phục về khả năng hợp lực của 15 nước châu Âu đầu tiên tham gia.
Chưa tính tới các giá trị kinh tế do đồng euro mang lại, chỉ với giá trị tinh thần không thôi thì đồng euro cũng đã xứng đáng trở thành niềm tự hào của người dân châu Âu. Sự ra đời của đồng euro còn mang theo tham vọng của các nhà quản trị châu Âu rằng euro sẽ trở thành một loại vũ khí có thể làm đối trọng với đồng USD đang thống trị toàn thế giới, một đối thủ đáng gờm của USD trên phương diện thanh toán, một đồng tiền chiếm vị trí đáng kể trong dự trữ của nhiều nước ngoài Eurozone.
Bản đồ 17 nước khu vực Eurozone
Tham vọng đó không phải thiếu cơ sở, bởi trên thực tế với hai đầu tàu kinh tế hùng mạnh lúc bấy giờ là Đức và Pháp, hơn 300 triệu người dân châu Âu hoàn toàn bị thuyết phục vào một tương lai tươi sáng của đồng tiền chung.
Tuy nhiên, những kết quả tiêu cực đã xảy ra trong những năm gần đây khiến các nước châu Âu bị dập vùi trong những cơn bão khủng hoảng liên tục. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua chưa kịp khắc phục hậu quả, các nước châu Âu đã phải đối mặt với khủng hoảng nợ công. Sự cố bắt đầu từ Hy Lạp rồi lan rộng sang Ý, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và nay đến Slovenia, dường như đang điểm thời khắc thách thức cho sự tồn tại của đồng euro.