Cuộc khủng hoảng tài chính của châu Âu kéo dài hơn ba năm qua đang cản trở sự phục hồi kinh tế ở các nước sử dụng đồng euro. Hậu quả kinh tế bất lợi mà đồng euro mang lại bao gồm cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước châu Âu, tình trạng mong manh của các ngân hàng lớn ở châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao trên toàn khu vực và thâm hụt thương mại lớn đang như căn bệnh dịch lây lan hầu hết các quốc gia khu vực Eurozone. Trong khi các giới chức tài chính đang cố gắng tìm một giải pháp tháo gỡ tình hình này thì đã có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về một sự thất bại của đồng euro.
Giáo sư Martin Feldstein, Đại học Harvard, trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs gần đây cho rằng có thể đồng euro là một thử nghiệm không thành công của Liên minh châu Âu. Thất bại này không phải là một tai nạn hoặc là kết quả của việc quản lý yếu kém hay quan liêu, mà là hậu quả không thể tránh khỏi khi áp đặt một đồng tiền duy nhất trên một nhóm các nước rất không đồng nhất.
Có thể thấy, động lực ban đầu dẫn đến việc hình thành Liên minh Tiền tệ châu Âu và đồng euro là chính trị chứ không phải kinh tế. Các chính trị gia lập luận rằng việc sử dụng một đồng tiền chung sẽ thấm vào trong tâm trí người dân châu Âu cảm giác thuộc về một cộng đồng chung. Không những vậy mà sự thay đổi trách nhiệm về chính sách tiền tệ từ chính quyền các quốc gia sang một ngân hàng trung ương duy nhất tại Frankfurt đã báo hiệu sự thay đổi quyền lực chính trị của châu Âu.
Một thời gian dài trước khi đồng euro ra mắt hồi năm 1999, các nhà kinh tế đã tiên liệu những tác dụng phụ mà một đồng tiền duy nhất có thể tác động đến nền kinh tế của các nước châu Âu. Khi sử dụng một đồng tiền chung thì tất cả các nước trong liên minh phải có cùng một chính sách tiền tệ và tỷ lệ lãi suất cơ bản, với mức lãi suất các khách hàng vay khác nhau. Một đồng tiền duy nhất cũng có nghĩa là tỷ giá hối đoái cố định và tất cả các nước phải có cùng tỷ giá hối đoái. Nhưng do trình độ khác nhau giữa các nước, đồng euro sẽ dẫn đến những biến động về sản lượng và việc làm, cũng như tạo ra sự mất cân bằng thương mại liên tục giữa châu Âu và phần còn lại của thế giới.
Về lý thuyết, khi một nước có chính sách tiền tệ riêng thì có thể ứng phó với một sự giảm cầu đồng tiền bằng cách hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhưng với đồng tiền chung euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tạo ra chính sách tiền tệ dựa trên điều kiện tổng thể của tất cả các nước trong liên minh tiền tệ. Điều này tạo ra tình huống lãi suất quá cao ở các nước thất nghiệp gia tăng và thấp ở các nước đồng lương tăng nhanh.
Đồng euro đã tồn tại 13 năm tại thị trường tài chính của 11 quốc gia châu Âu hồi năm 1999, nhưng cho đến 1-1-2002 đồng tiền này mới chính thức được lưu hành bằng việc phát hành các tờ tiền giấy và đồng kim loại tại 12 quốc gia châu Âu.