Trong bản báo cáo thường niên dày 400 trang công bố tuần qua, Phòng Thương mại châu Âu tại Bắc Kinh với giọng điệu đầy thất vọng đã yêu cầu Trung Quốc giữ lời hứa bãi bỏ những hạn chế và các quy định gây trở ngại cho đầu tư nước ngoài mở rộng cửa thị trường.
Tháng 1-2017 tại Diễn đàn Davos, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã long trọng hứa “sẽ mở rộng cánh cửa”. Tiếp theo bài diễn văn ấn tượng này là thông tư của chính phủ dự kiến “tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và nỗ lực nhiều hơn để thu hút vốn nước ngoài”, nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì cụ thể.
Nêu chi tiết về các rào cản đủ loại và tâm trạng bất an của các nhà đầu tư, báo cáo của Phòng Thương mại EU nhấn mạnh các công ty châu Âu “đã chán ngán trước những lời hứa không bao giờ được thực hiện”, đề nghị Bắc Kinh thay lời nói bằng hành động cụ thể và chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử với các công ty có vốn nước ngoài.
Theo kết quả thăm dò công bố hồi tháng 5, có 54% doanh nghiệp châu Âu cho rằng họ bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc. Chủ tịch Phòng Thương mại, ông Mats Harborn cho biết: “Đầu tư Trung Quốc vào châu Âu năm ngoái tăng 77%, trong khi đầu tư của Liên minh châu Âu vào Trung Quốc sụt giảm mất một phần tư và tiếp tục giảm 23% trong nửa đầu năm nay”.
Tài chính, điện tử, dịch vụ tư pháp, xe hơi… rất nhiều lĩnh vực được EU mở cửa cho đầu tư Trung Quốc, ngược lại Bắc Kinh buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh với một đối tác địa phương, thậm chí cấm hẳn. Theo ông Harborn, tình trạng bất bình đẳng này không thể kéo dài. Trong một diễn biến liên quan, Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho thấy hơn 40% số doanh nghiệp Mỹ cảm thấy Bắc Kinh ít chào đón các doanh nghiệp nước ngoài hơn so với trước đây.
Theo bài viết trên báo Liên hợp Buổi sáng của Singapore, EU cho đến nay vẫn kiên quyết không công nhận kinh tế Trung Quốc có quy chế kinh tế thị trường. Một số quốc gia trong EU lo ngại rằng nếu được công nhận, Trung Quốc sẽ nhân cơ hội đó tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chế tạo, nhất là công nghiệp nặng và gang thép sang thị trường châu Âu.
Những năm đầu của thế kỷ XXI, mặc dù kim ngạch thương mại và du lịch giữa Trung Quốc và châu Âu tăng mạnh, nhưng quy mô đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại châu Âu hoàn toàn không được mở rộng. Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu lại có xu hướng tăng trưởng một cách bất thường. Ngược lại, đầu tư của EU tại Trung Quốc vẫn tăng trưởng một cách chậm chạp do Bắc Kinh áp dụng một loạt biện pháp nhằm hạn chế đầu tư nước ngoài.
- Đ.N
Xem thêm: