Câu thơ không vui không buồn và bức ảnh được nhiều bạn bè vào bình luận với những lời chúc mừng thật chân tình: “Nhìn tấm hình thấy dịu dàng ghê, cảm động”.
Có người phân tích tấm hình đẹp quá. Bàn tay ngòi bút của người phụ nữ đẹp tương phản với bàn tay thô kệch của người đàn ông vừa như một vỗ về, vừa như kiểu nương tựa, vừa thể hiện sự cam kết đồng hành cùng nhau.
Mọi thứ cũ kỹ theo thời gian, tấm hình ố màu đồng nghĩa với nhan sắc cũng tàn tạ theo, đặc biệt rõ nét nhất là bàn tay người phụ nữ. Người ta cho rằng, nhìn bàn tay có thể đoán tuổi người phụ nữ; quan trọng hơn, qua đó thấy được cả cuộc đời họ. Sướng, khổ, mức độ nặng, nhẹ của cái gánh đời. Có người còn khẳng định, nhìn bàn tay còn biết được người đó hạnh phúc hay cô độc!
- Xem thêm: Sức mạnh trăm năm
Người thong thả bàn tay thon, mềm; người vất vả bàn tay chai sần, khô cứng; người hạnh phúc nắm bàn tay cảm nhận được sự ưu đãi của ông Trời; người đau khổ, dù bàn tay có mềm cũng không cảm nhận được sự ấm nồng, viên mãn… Nói chung, nhìn bàn tay của người phụ nữ, có thể tổng kết một cách tương đối con đường họ đi qua.
Bên cạnh đó, người đàn ông đã gián tiếp làm cho người phụ nữ có bàn tay đẹp xấu theo thời gian. Cũng có người cho rằng, bàn tay dù đẹp hay xấu đều toát lên được vẻ đẹp của người phụ nữ. Cái đẹp ở đây được đánh giá qua sự mạnh mẽ, tự tin, năng động, độ chín chắn và cả lòng bao dung, vị tha.
Người xưa đã đúc kết, cái hay của hôn nhân bền vững là “gái có công, chồng chẳng phụ”. Có ông chồng thể hiện sự biết ơn vợ ra bên ngoài, nhưng có người chỉ để trong bụng. Vợ chồng già sống với nhau thành cái nghĩa là vậy. Nhìn lại đoạn đường đi qua, vợ/chồng biết ơn nhau vì đã dìu dắt nhau đi qua bao nhiêu khó khăn. Trên con đường đi đó, ai cũng có thể có sai lầm và cảm ơn người bạn đời đã kịp thời giúp mình sửa chữa những sai lầm ấy.
Trên con đường dài ấy, hai vợ chồng phải biết biến khó khăn thành thuận lợi, biến chuyện không may thành câu chuyện hài hước để dễ dàng vượt qua. Vợ hay chồng, mỗi khi giận dỗi nhau, bất chợt nghĩ lại những tình huống hài hước, những câu nói vui để có niềm vui tiếp tục cùng chung vai gánh đời.
Và đúng như thế, một ngày, chỉ còn hai vợ chồng già, người ta sẽ thấy hết ý nghĩa của sự thủy chung. Ông bà buổi sáng cùng nhau đi tắm biển. Tắm lên, ông lấy can nước ngọt xối cho bà, phần còn lại ông xối cho ông. Nhiều ông về già lại thích việc dọn nhà cửa hay rửa chén giúp vợ – những việc mà ngày xưa ông cho là vặt vãnh đàn bà…
- Xem thêm: Yêu một người không nhà
Có những người đàn ông cả đời tung hoành ngang dọc, coi trời bằng vung, về già bỗng thương vợ, đâm ân hận vì ngày còn trẻ đã làm khổ vợ không ít, làm gì được cho vợ thì tranh thủ quỹ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu. Lại có người, một đời làm khổ vợ, về già lại càng khó chịu với vợ hơn.
Cuộc đời đa dạng từ đó, những cuộc chia tay khi hoàng hôn buông xuống không tránh khỏi. Bà vợ ly dị chồng năm 55 tuổi đã nói rằng, cả đời bà chưa một ngày tin chồng. Bây giờ thoát được như trút gánh nặng nghìn cân.
Cuộc đời không biết thế nào mà lần. Người xưa cũng bảo, duyên ai người nấy hưởng, nợ ai người nấy trả là vậy. Có người suốt đời được hưởng thì cũng có người suốt đời phải trả. Không nợ chồng thì nợ con…
Bởi vậy, người ta cũng thấy rằng, đa phần phụ nữ tìm về tôn giáo nhiều hơn nam giới. Người phụ nữ chỉ biết một hành động thụ động cuối cùng là cầu nguyện cho chồng, con, cho cuộc sống bình an. Dù biết rằng phúc phần ai người nấy hưởng, nhưng một khi đã quyết tâm đặt đôi bàn tay lên nhau, thì hãy cố gắng đi cùng nhau hết con đường, để còn cơ hội, ông lấy can nước ngọt xối nước cho bà trước rồi mới đến phần ông sau.
Tưởng dễ, mà khó vô cùng!