Dừa nước mọc ở rừng sát rạch nước lợ hay ngọt hoặc khu vực có hệ sinh thái bán ngập mặn. Dừa có buồng, mỗi buồng chừng sáu mươi tới một trăm trái, tùy theo buồng lớn hay nhỏ. Trái có khía màu vàng nâu, to bằng nắm tay, bên trong có gáo nhỏ, cơm dừa màu trắng trong như thạch (khi dừa vừa độ ăn) cơm dẻo, hơi béo, bùi, vị ngọt tính mát (còn khi già thịt cứng trắng đục). Dừa nước cho trái quanh năm, nhưng vào thời điểm tháng tám tới tháng mười,dừa cho trái nhiều hơn. Ở nông thôn, người ta tận dụng vỏ dừa nước, phơi khô chụm lửa.
Không biết từ bao giờ, dừa nước trở thành người bạn thân thiết của làng quê, sông nước miền Nam như một “cổ vật” quý hiếm mà trời đất đã ban cho những người dân lao động nghèo ở nông thôn chuyên sống bằng nghề nông trồng lúa nước. Lá dừa nước chịu đựng được mưa, nắng, ít sâu mọt, nên người nông dân đã nghĩ ra nghề chằm lá.
Có hai loại lá để lợp nhà được làm từ lá dừa nước là: lá chằm và lá xé. Lá chằm là những chiếc lá được gấp làm đôi theo chiều dài, chồng mí với nhau, luồn bên trong một thanh nẹp bằng cuống lá rồi dùng dây lạt đan chặt. Lá xé là loại lá được rọc hai bẹ dừa, phủ lên nóc nhà, lợp hoặc dừng vách. Lá dừa nước còn được đan tấm mành,chiếc tầm vung để đựng nông sản. Bập dừa là phần ngọn non, dùng để xé làm dây lạt.
Buồng dừa, sau khi lẩy hết trái, còn lại cùi, người ta dùng búa bửa củi, đập tơi ra, kết thành chổi con, để quét bếp. Trái dừa nước dù không đắt tiền như bom, lê của nước ngoài hay trái hồng, vải Hà Nội, nhưng cũng trở thành món ăn vui miệng của trẻ em nông thôn và ghi sâu vào ký ức tuổi thơ những hoài niệm. Thuở nhỏ, tôi thường cùng lũ bạn chia phe, chơi trò chơi đánh giặc với những trái dừa nước được dùng làm lựu đạn, còn bẹ dừa thì làm súng.
Chặt bẹ dừa thành từng khúc dài khoảng năm tấc, dùng dao lát những lát mỏng trên sóng, lật những lát ấy dựng đứng lên trong tư thế đạn đã lên nòng. Khi chiến đấu, miệng hô to “xung phong… xung phong…” đồng thời dùng cạnh bàn tay vuốt ngược phía trước, tức thì các lát ấy ngả rạp xuống tạo ra âm thanh bụp… bụp… bụp như tiếng nổ của súng tiểu liên bắn la-phal. Khi chán trò chơi đánh giặc thì chuyển sang chơi đá bóng. Mỗi đội chặt phần dưới gốc của bẹ dừa, gọt thành những trái banh. Đá bể trái “banh” nào liền thay trái đó ngay.
Ngày nay ở một số nơi vùng nông thôn, họ trồng dừa nước dọc theo mé kênh, rạch, bờ sông trước mặt nhà để giữ đất tránh sạt lở, đồng thời thu hoạch lá và trái. Dừa nước được trồng bằng cây con ươm từ trái, đôi khi có nơi cây dừa nước cũng tự mọc do quá trình trái trôi nổi theo dòng nước tấp vào bãi bùn. Không riêng trẻ em, người lớn ở nông thôn ăn dừa nước mà người thành phố cũng đã biết thưởng thức món dừa dân giả tuổi thơ này.
Nó rất “dễ tính” và “sẵn sàng” chiều lòng mọi “thượng đế”. Người ta bán nguyên cả quày hoặc chẻ trái ra làm hai, cạy lấy cơm cho vào bọc ny lon. Khách hàng mua về cho vào ly, trộn đường cát, nước đá đập nhỏ hay cho vào tủ lạnh. Người ta còn dùng cơm dừa nấu chè, làm mứt dẻo, pha chế cocktail. Dừa ăn có vị beo béo, bùi bùi tuy cơm ít ngọt, tính mát, giúp giải nhiệt và vui miệng.
Không phải riêng dân Việt Nam chúng ta thưởng thức món dừa này mà có một số nước họ cũng thưởng thức. Chẳng những vậy, họ còn nghiên cứu và tận dụng, khai thác nguồn lợi từ cây dừa nước nhiều hơn. Ở Philippines, người ta làm dấm chua nguyên chất hoặc rượu Tuba chiết xuất từ nhựa của cuống hoa dừa hay dùng cánh hoa dừa đã nở hãm trà uống. Còn tại quốc gia Malaysia, người ta nghiên cứu làm ra đường từ dừa nước có mùi thơm, ngon để xuất khẩu hoặc người dân ở đảo Roti và Savu họ tận dụng cơm dừa nước trong chăn nuôi gia súc, đặc biệt là họ cho heo ăn, giúp chúng mau lớn và thịt có vị ngọt ngon.
Dừa nước sống lâu đời, gần gũi với làng quê, sông nước của nông thôn miền Nam thì những vùng dừa nước phát triển nhiều hơn. Nó như những chiếc cầu tre lắt lẻo, những mái lá đơn sơ… Dù tôi xa quê hương cách mấy đại dương, tình cờ bắt gặp hình ảnh cây dừa nước, mái nhà lá bảng lảng làn khói bếp trong ráng chiều đỏ sẫm cũng bâng khuâng, nao nao lòng nỗi nhớ, hồn quê. Ngày nay, với nền công nghiệp và kinh tế phát triển, sử dụng vật liệu, tôn, ngói, xi-măng để xây cất nhà, lợp mái… nhưng dù vậy cây dừa nước vẫn còn có ích và nuôi sống một bộ phận người dân nông thôn chuyên sống bằng nghề chằm lá.
- Xem thêm: Vài mẩu chuyện kỳ bí ở miền Tây Nam bộ
Tuy ngày nay nhà tường khá phổ biến ở thành thị và một số vùng ngoại ô, nhưng cũng còn khá nhiều gia đình ở vùng nông thôn sâu, xa còn nghèo. Tôi mơ ước cây dừa nước luôn tồn tại nhưng với những đặc tính,công dụng của nó được dùng trong chế biến thức uống, thực phẩm, cho con người và gia súc. Còn ở những vùng nông thôn sâu, xa, nhà lá được thay mình đổi áo thành nhà tường cũng như những nhịp cầu tre lắt lẻo được thay bằng cầu ván, bê tông. Hồn quê đó, hình ảnh đó chỉ mãi còn tồn tại trên những áng văn, thơ và đọng lại trong tâm hồn mọi chúng ta hình ảnh, văn hóa, lịch sử đẹp thơ mộng, yên bình của cha ông một thời đi mở đất phương Nam.