Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 24-5 đã trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trước Quốc hội. Theo đó, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2006 đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và trong công tác quản lý nhà nước, nên cần phải được sửa đổi.
Luật sửa đổi đưa ra nhiều nội dung mới nhằm khắc phục những gì mà luật hiện hành chưa làm được. Đó là đảm bảo cho việc đầu tư kinh doanh BĐS phải tuân thủ đúng quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và theo kế hoạch thực hiện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, khắc phục tình trạng đầu tư BĐS tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung – cầu hàng hóa BĐS. Phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi cũng phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi cao trong triển khai thực hiện, trong đó quy định cụ thể những tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải đăng ký kinh doanh và những trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có mua bán, cho thuê, thuê mua BĐS nhưng không phải là kinh doanh BĐS.
Luật mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh có tính cạnh tranh cao, đồng thời giải quyết nhiều việc làm, tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế, trên nguyên tắc bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững. Bên cạnh đó là mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua BĐS đã có sẵn như quy định hiện hành.
Trong Luật sửa đổi, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản không cần phải mua bán thông qua sàn giao dịch
Trong luật sửa đổi, quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS đã bị loại bỏ, nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập của tổ chức trung gian này đối với thị trường BĐS, đồng thời bảo đảm được quyền tự chủ trong kinh doanh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, luật mới lại quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ BĐS, bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường BĐS.
Dự thảo Luật sửa đổi còn quy định cụ thể các loại nhà, công trình xây dựng được đưa vào kinh doanh, quy định rõ điều kiện, hồ sơ của BĐS đưa vào kinh doanh, bổ sung nội dung về chuyển nhượng, cho thuê một phần diện tích đất trong dự án BĐS, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tế hiện nay hoặc để bảo đảm thống nhất với các luật khác có liên quan.
Nhìn chung, những quy định mới của Luật sửa đổi đã khắc phục được hầu hết những bất cập trong thời gian qua, mà các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã nhiều lần phản ánh. Nhiều người còn mong muốn luật sửa đổi thông thoáng hơn nữa, tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong mọi lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Chẳng hạn, về phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, việc mở rộng phạm vi được phép kinh doanh BĐS như dự thảo Luật sửa đổi đã có nhiều tiến bộ so với trước. Tuy nhiên, vẫn còn đó sự phân biệt giữa người trong nước và người nước ngoài. Nên chăng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh BĐS như tổ chức, cá nhân trong nước, miễn là họ tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan. Có như vậy thì mới tận dụng được mọi nguồn lực để phát triển thị trường bất động sản.
Luật sửa đổi đang được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII (từ 20-5 đến 24-6).
Hồng Thuận