Theo tin Bloomberg, Nga vừa thực hiện một động thái can thiệp thị trường tiền tệ mạnh nhất là vào cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương Nga bán ra 1,5 tỉ USD từ dự trữ ngoại hối để chặn đà xuống dốc của tỷ giá đồng rúp.
Đây là lần thứ hai sau đợt can thiệp 4,41 tỉ USD trước khi Crimea trưng cầu dân ý về gia nhập Nga hồi tháng 3.
Từ tháng 6 đến nay, đồng rúp đã mất giá mạnh do các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Moscow cũng như sự giảm giá liên tục của dầu thô – mặt hàng xuất khẩu chủ chốt Nga. Xuất khẩu dầu thô và khí đốt đóng góp khoảng một nửa nguồn thu ngân sách Nga.
Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Nga, từ nay đến cuối tháng 12, các công ty của Nga sẽ phải thanh toán số nợ gần 55 tỉ USD. Đồng rúp lao dốc khiến việc thanh toán số nợ này ngày càng trở nên khó khăn đối với các công ty Nga.
Tình trạng khan hiếm ngoại tệ ở Nga đã đẩy khoản chênh lệch mà giới giao dịch tiền tệ trả để đổi đồng rúp sang USD lên mức cao kỷ lục. Trong khi đó, lợi nhuận của các công ty nước ngoài làm ăn tại Nga ngày càng sa sút.
Đồng tiền mất giá và nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô suy giảm đồng nghĩa với áp lực đè nặng lên dự trữ ngoại hối của Nga. Từ đầu năm đến ngày 3-10 vừa qua, dự trữ ngoại hối của nước này giảm 57 tỉ USD, còn 454,7 tỉ USD.
Ngân hàng Trung ương Nga can thiệp vào thị trường ngoại hối mỗi khi biên độ giao dịch trên của tỷ giá bị phá vỡ.
T.K