Trong các xứ thuộc vùng văn hóa Nho giáo, Korea nổi tiếng là đất nước lễ nghi kính cẩn, trang nghiêm, thậm chí làm sửng sốt cả các môn đệ Khổng tử ở chính Trung Hoa.
Ngày hôm nay, giữa Seoul hiện đại, vẫn có thể phần nào thể nghiệm được điều đó khi tham dự Jongmyo jerye (Tế lễ Tông miếu) được tổ chức thường niên vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 5.
Jongmyo (Tông miếu) nằm ở phía bên trái của cung thành, là từ đường thờ bài vị của các vị vua và hoàng hậu suốt 519 năm triều đại Joseon (1392-1910), chỉ trừ hai vị vua bị truất ngôi là Yeonsangun (Yên Sơn Quân) và Gwanghaegun (Quang Hải Quân).
Thời Joseon, Jongmyo jerye (Tế lễ Tông miếu) do đích thân nhà vua tham dự, nêu tấm gương hiếu đạo cho muôn dân, đồng thời nhắc nhở các thế hệ cháu con tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của tổ tiên.
Buổi lễ năm nay diễn ra vào ngày 6-5, một ngày mưa.
Tôi đến sớm 15 phút so với thời điểm khai mạc đại tế tại Jeongjeon (Chính điện), đã thấy dòng người xếp hàng dài dặc ra tận phố lớn, qua cổng, lại tiếp tục nối nhau đến trước cửa của khu chính điện.
Hóa ra, check-in được bắt đầu cả tiếng đồng hồ trước. Rất đông, nhưng hết sức trật tự, hàng một thẳng tắp, chỉ nghe những tiếng chuyện trò nho nhỏ.
Nhân viên trong ban tổ chức trao tận tay từng người chiếc áo mưa mỏng và tài liệu giới thiệu, cuốn sách cho người Hàn dày 68 trang khổ lớn, brochure tiếng Anh cho người nước ngoài 40 trang khổ nhỏ hơn.
- Xem thêm: Heyri: Thung lũng nằm mơ
Tài liệu với hình ảnh in màu tuyệt đẹp, khái quát quá trình lịch sử cũng như ý nghĩa của sự kiện, giới thiệu tỉ mỉ, chi tiết từng công trình kiến trúc trong khu Tông miếu, sơ đồ các gian thờ, từng loại và từng cấp bậc tế quan, từng lễ nghi, lễ vật, từng lễ phục, từng loại nhạc cụ…
Mọi người vừa bước theo hàng vừa tranh thủ lướt đọc, không quên chiêm ngắm những kiến trúc trang nghiêm của điện, cung giữa hoa viên mùa xuân tươi thắm như khu rừng huyền diệu hiện ra từ cổ tích.
Cuối cùng, cũng vào được bên trong. Dân chúng, du khách tham dự ngồi ở những hàng ghế quanh ba phía của sân điện rộng lớn, hướng về khu chính điện, công trình bằng gỗ dài nhất thế giới, 101m với 19 gian thờ, thờ 49 bài vị của các bậc đế vương.
Hai màn chiếu 5m x 8m trên những bệ đá cao được đặt hai bên, truyền trực tiếp hình ảnh buổi lễ, tuy vậy, cách khoảng sân quá rộng, hình ảnh cũng trở nên xa và nhỏ.
Phía bên ngoài bức tường khu chính điện, còn có một màn chiếu khác cũng lớn như vậy ngoài trời, và ở đây thì có thể ngồi gần màn hình.
Nên không hiếm những người như tôi, vào trong trải nghiệm khí quyển rồi lại ra bên ngoài, close-up rõ nét hơn, các máy quay đã xử lý hết sức chuyên nghiệp từng shot toàn cảnh hay cận cảnh, macro từng tiêu điểm quan trọng, hiệu quả audio vẫn đảm bảo tuyệt vời.
Gần như ăn nhịp cùng tiếng xướng trầm hùng của quan chủ tế, những dòng phụ đề hiện ra phía dưới khuôn hình, giải thích rõ ràng tiến trình buổi lễ.
Nếu có tiếc nuối thì tôi đã tiếc dù bên trong hay bên ngoài cũng đều quá xa để có thể lâng lâng trong bầu không khí thơm ngát mùi trầm hương thành kính (Hàn Quốc có rất nhiều loại hương mùi thơm phong phú, bản thân tôi khó mà xác quyết mình thích nhất loại nào).
Và vì khoảng cách quá xa nên sau khi đã loay hoay đủ cách mà những bức hình chụp được vẫn chẳng đảm bảo chất lượng, tôi bèn thôi không cố gắng tác nghiệp nhiếp ảnh nữa mà chỉ tập trung quan sát tham dự.
Về đại thể, buổi lễ gồm ba phần: dâng hương thỉnh hồn, rồi dâng đồ cúng và cuối cùng tiễn đưa vong linh. Tuy nhiên, mỗi phần đó lại vi phân thành rất nhiều nghi lễ. Chẳng hạn, chỉ riêng dâng rượu bao gồm ba bước, với các loại rượu khác nhau: Choheonnye (“Sơ hiến lễ”, dâng rượu ngọt, yeje/gamju), Aheonye (“Á hiến lễ”, dâng rượu đục, angje/takju), Jongheonye (“Chung hiến lễ”, dâng rượu trong, cheongju). Lần thứ nhất kèm lời cầu khấn, lần thứ hai và thứ ba chỉ dâng rượu thôi.
Hay như nghi lễ dâng đồ ăn, người ta cúng bốn loại ngũ cốc, bốn loại xốt, sáu loại bánh, năm loại trái cây và hạt, hai loại thịt khô, bảy loại thịt tươi, bốn loại rau, sáu loại xúp, sáu loại nước tương và nước trái cây. Bàn thờ được sắp đặt với các món khô bày phía đông, các món nước phía tây, rượu phía nam, ngũ cốc và thịt ở trung tâm.
Cùng với các nghi thức cầu cúng, âm nhạc tạo nên linh hồn của buổi tế lễ. Đầu thời Joseon chủ yếu sử dụng Ahak (Nhã nhạc) của Trung Hoa.
Đến triều đại của Sejong (Thế Tông, trị vì 1418-1450), nỗ lực khẳng định sự độc lập văn hóa, cùng với việc cải cách hệ thống lịch pháp (lấy vĩ độ gốc là kinh đô Hán thành của Korea thay cho kinh đô của Trung Hoa), vun bồi nền tảng riêng của y học dân tộc (qua việc bảo trợ biên soạn, xuất bản “Hương dược tập thành phương”, “Y phương loại tụ”), nhà vua đã cùng các học giả sáng tạo Hangeul (chữ Hàn) và quan tâm đặt ra “tân nhạc”.
Nhà vua nói: “Người Hàn chúng ta khi sống chỉ nghe nhạc nước mình, khi chết tấu Nhã nhạc liệu có phù hợp hay chăng?”. Lễ nhạc Joseon, từ đó, kết hợp ảnh hưởng Trung Hoa với truyền thống bản địa, thể hiện đặc sắc riêng độc đáo.
Dàn nhạc bát âm sử dụng cả nhạc cụ Nhã nhạc, nhạc cụ Đường nhạc lẫn nhạc cụ hương nhạc, tổng cộng 14 loại, trong đó, các nhạc cụ bộ gõ như Pyeongjong, Pyeonggyeong, Banghyang tạo nên âm điệu chủ đạo, với sự phụ họa của các nhạc cụ bộ hơi như Dangpiri, Daegeum, sự tô điểm của các nhạc cụ bộ dây như Ajaeng, Haegeum, cùng các nhạc cụ bổ trợ như Jango, Jing, Taepyeongso, Jingo… tạo nên những hòa âm đầy đặn, nhiều tầng bậc, mà cầu kỳ, tinh tế.
Dàn nhạc dưới sân điện là Heonga (Hiên giá), dàn nhạc trên nền cao trước chính điện là Daeungga (Đăng ca), biểu tượng Đất và Trời, luân phiên diễn tấu, thể hiện sự hòa hợp Âm Dương trong vũ trụ. Hiên giá tấu nhạc cho các nghi thức Gwesiknye, Aheonye, Jongheonye, còn Đăng ca tấu nhạc cho nghi thức Eumbongnye…
Nhạc tế lễ phân biệt hai loại chính cũng theo nguyên tắc Âm Dương là Botaepyeong ji ak (“Bảo thái bình chi nhạc”) xưng tụng văn nghiệp các bậc đế vương tiên tổ và Jeongdaeeop ji ak (“Định đại nghiệp chi nhạc”) ngợi ca võ nghiệp của họ.
Tương tự như vậy, trên nền nhạc, từng thời điểm nhất định, các vũ công biểu diễn Parilmu (Bát dật vũ, vũ điệu có đội hình tám hàng mỗi hàng tám người), gồm Munmu (“Văn vũ”: vũ công tay trái cầm cây sáo “yak”, tay phải cầm cây đũa đính lông chim trĩ “jeok”) và Mumu (“Võ vũ”, vũ công bốn hàng trước cầm gươm, bốn hàng sau cầm giáo). Trong nghi lễ dâng rượu, lần thứ nhất múa Văn vũ trên nền “Bảo thái bình chi nhạc”, lần thứ hai và lần thứ ba, múa Võ vũ trên nền “Định đại nghiệp chi nhạc”.
- Xem thêm: 25 lễ hội đặc sắc nhất thế giới
Điều khiến tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất là ở buổi đại lễ này, hoàn toàn không phải sự phục dựng sơ sài, giả tạo theo lối sa bàn hay hoạt cảnh, tất cả mọi nghi thức đều theo đúng chuẩn mực được quy định từ năm 1462 dưới triều Joseon.
Tổng thể hoành tráng, công phu; trong từng chi tiết, từng tư thái đều tinh tế, chu toàn. Cung kính, nghiêm trang và đẹp, tao nhã.
Cả những người hành lễ lẫn người tham dự, không phải diễn và xem diễn, mà thảy đều thành tâm cầu mong, tin tưởng “Tổ tiên phù hộ cho con cháu hiếu thảo luôn hạnh phúc và vạn thọ vô cương”, “Tổ tiên phù hộ cho quốc gia đời đời thịnh vượng”.
Kéo dài 150 phút (14g – 16g30), buổi tế lễ có tiết tấu chậm rãi nhưng không đơn điệu mà linh hoạt, uyển chuyển, với phần đầu dìu dặt, an bình, phần sau hào khí sôi nổi và phần kết lắng đọng. Mỗi thời điểm có sự thu hút riêng. Tôi nhận thấy ít người ra về giữa chừng, trong khi gần cuối buổi vẫn có nhiều người tiếp tục đến dự.
Lớp người cao tuổi, trung niên chân thành cảm kích. Những người trẻ tuổi cũng rất chú tâm. Tôi thấy nhiều cô bé, cậu bé học trò phổ thông giở sổ ghi chép, ý chừng phải viết bài thu hoạch nộp lại nhà trường.
Ngay trước mặt tôi là một cô gái, có lẽ sinh viên mỹ thuật, xếp balô trên đùi làm bàn, chăm chú từng chi tiết trên màn hình, thỉnh thoảng cây bút ngoáy lia lịa.
Làm thế nào những người Hàn trẻ tuổi cũng như đông đảo du khách quốc tế vẫn có thể say sưa theo dõi cuộc tế lễ mà ngôn từ, nghi thức cũng như ca vũ nhạc đều xa lạ với họ?
Theo tôi, một phần, bởi vì tất cả đã được chuẩn bị chu đáo, tăng hiệu quả diễn giải tốt nhất đến mức có thể. Quan trọng hơn, có lẽ, bởi vì cái Đẹp và cái Thiện có sức cuốn hút, sức chinh phục không biết đến các giới hạn.
Lịch sử triều đại Joseon đã khép lại hơn một thế kỷ. Nghi lễ Tông miếu được phục hồi từ năm 1969 và tiếp tục bền bỉ đi cùng dân tộc Hàn như một truyền thống sống (a living tradition).
Tôn vinh giá trị đầy ý nghĩa đó, năm 2001, UNESCO đã chính thức công nhận Tông miếu và Tế lễ Tông miếu của Hàn Quốc là Di sản Văn hóa của nhân loại.