Chỉ cách Seoul một giờ xe chạy, không khí nơi thung lũng này đã hoàn toàn khác biệt. Tại Heyri, bạn có thể thong thả đi dạo và ngắm nhìn những ngôi nhà độc đáo, quái quái, dị thường, thể hiện sức sáng tạo không giới hạn. Ở một đất nước mà người người, nhà nhà sống trong những khối chung cư bê tông cùng một kiểu, cùng một màu, cùng một mẫu, được hưởng thụ cuộc đời trong những ngôi nhà như thế này có lẽ chỉ có trong mơ.
Thực vậy, gần 500 nghệ sĩ làm việc trong các ngành nghệ thuật khác nhau như nhà văn, họa sĩ, diễn viên, kiến trúc sư và nhạc sĩ đã cùng chung tay xây dựng nên một ngôi làng văn hóa có tên Heyri. Những ngôi nhà nằm im lìm sau góc sậy, dưới tán những cây phong hay rực rỡ ngay trên cánh đồng hoa vàng đều có một điểm chung duy nhất là không giống với bất cứ công trình nào trong khu vực. Với chủ sở hữu những kiến trúc ở Heyri, dù là nhà ở hay triển lãm, bảo tàng, tiệm sách hay quán cà phê, đều có thể tự hào mà nói rằng: họ đang sống trong ngôi nhà độc nhất vô nhị.
Được hình thành từ một phần dự án “Phát triển đất thống nhất” của Tập đoàn Korea Land, Heyri Art Village thuở mới hình thành chỉ là một ngôi làng sách (Heyri nằm trong thành phố Paju, vốn nổi tiếng là cái nôi của ngành xuất bản Hàn Quốc). Rất nhanh chóng sau đó, ý tưởng về một ngôi làng dành cho giới nghệ sĩ đã được đông đảo giới này ủng hộ.
Ngày nay, Heyri được biết đến như một ngôi làng văn hóa nghệ thuật. Cái tên Heyri được đặt cho ngôi làng, bắt nguồn từ một bài hát canh tác truyền thống tại thành phố Paju, Gyeonggi-do có tên “The sound of Heyri”. “Heyri” xuất phát từ từ “Hey hey”, gợi cho người nghe một cảm giác rất vui vẻ và hứng khởi, thường được người nông dân hát khi làm đồng.
Kim Jun-sung, một trong những kiến trúc sư trưởng của dự án làng Heyri, cho biết ngôi làng được tạo nên như một không gian tràn ngập sáng tạo, cũng như truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ, đồng thời được giảm thiểu tối đa các tác động xấu vào môi trường xung quanh. Các kiến trúc tại Heyri dù được xây không theo quy tắc nào và tận dụng tối đa sức sáng tạo, vẫn phải tuân thủ quy luật duy nhất là không được cao quá ba tầng.
Chắc chắn đây là ngôi làng đáng mơ ước nhất trên thế giới cho bất cứ ai đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Nhất là khi họ được sống trong môi trường tràn ngập cây xanh. Mạng lưới cây xanh kết nối thung lũng Heyri dày đặc ở các trạm dừng chân của du khách, trong các công viên nhỏ hay các địa điểm nghỉ ngơi, thư giãn. Các đầm lầy sinh thái được bảo tồn nguyên vẹn giữa lòng thung lũng. Và hoa sẽ luôn hiện diện khắp nơi như một cách để tôn vinh cái đẹp tự nhiên và hoang dã.
Thưởng thức gì ở Heyri?
Ngôi làng nhỏ nhắn này có hơn 30 bảo tàng lớn nhỏ khác nhau về các lĩnh vực như: nhạc cụ dân gian quốc tế, các loại thực phẩm truyền thống, bảo tàng đồ chơi, bướm, tem, áp phích phim…
Bên cạnh đó, sáu phòng trưng bày khác hiện cũng đang hiện diện trong Heyri. Trong tương lai khoảng 30 phòng trưng bày khác cũng sẽ được xây dựng, là nơi du khách có thể thưởng thức các tác phẩm tranh nghệ thuật, hàng thủ công, gốm sứ.
Âm nhạc cũng là điều không bao giờ thiếu ở Heyri. Hiện có rất nhiều phòng hòa nhạc nhỏ cũng như các studio chuyên biểu diễn nhạc thính phòng. Vào bất cứ lúc nào khi dạo quanh những đường mòn nhỏ của ngôi làng, bạn cũng có thể lắng tai nghe vài dòng nhạc cổ điển phát ra một cách duyên dáng từ các quán xá nhỏ xinh bên đường.
Các hãng phim nhỏ chắc chắn cũng không thể không xuất hiện ở đây. Trong ngôi làng thậm chí còn có một bảo tàng phim dân gian quốc tế.
Trong tương lai, sẽ có 10 hội trường được xây dựng, là nơi tổ chức các buổi hội thảo về triết học, lịch sử, văn học, nghệ thuật. Cùng với đó, khoảng 50 nhà nghỉ, 100 cửa hàng nghệ thuật và đồ cổ, 30 tiệm sách chuyên ngành khác cũng sẽ hiện diện ở đây.
Heyri hoạt động như thế nào?
Làng nghệ thuật Heyri mở cửa 24 giờ trong ngày. Tuy nhiên, viện bảo tàng và các triển lãm mở cửa từ 10 đến 19 giờ mỗi ngày, và nhiều nơi có thể đóng cửa vào thứ Hai. Lưu ý rằng giờ hoạt động có thể thay đổi chút ít tại mỗi bảo tàng. Các viện bảo tàng có kết hợp với quán cà phê và nhà hàng được mở muộn hơn sau khung giờ trên.
Khách tham quan không phải trả bất cứ phí nào khi đến với Heyri, trừ phi họ muốn tham quan các phòng triển lãm hay bảo tàng. Bản đồ ngôi làng được cung cấp tại quầy thông tin ngay cửa vào số 1, phí cho bản đồ là 500 won.
Đến Heyri: Từ Seoul đi tàu điện ngầm line 2, đến trạm Hapjeong, ra cửa số 2, đón xe bus số 2.200 và xuống tại trạm Heyri. Xe bus hoạt động từ 7 giờ – 23 giờ 20 mỗi ngày, khoảng 15 phút lại có một chuyến. Thời gian cho chuyến đi kéo dài từ 40-50 phút. Giá vé một lượt: 2.100 won.