Sau một đêm nghỉ ngơi ở một khách sạn gần thủ đô Praha (hay Prague), sáng hôm sau đoàn tiếp tục lên xe đi Praha; thủ đô của nước Cộng hòa Czech; quốc gia mà nhiều người vẫn gọi theo tên cũ là nước Tiệp Khắc. Hướng dẫn viên thông báo đoàn sẽ đến sớm tại khu quảng trường trung tâm, ở đó mọi người được tự do đi lại thăm thú thành phố cổ, nhưng gần đến 12 giờ sẽ được chứng kiến hiện tượng rất thú vị từ chiếc đồng hồ thiên văn cổ nhất thế giới đặt tại quảng trường chính.
Trước khi đến Praha để chiêm ngưỡng cái đồng hồ nổi tiếng này, một người thân ở Pháp gọi điện bảo là nên tìm hiểu trước, vì nếu quan sát mà chưa hiểu gì về nó thì cũng… như không! Do đó, đêm hôm trước chúng tôi tranh thủ xem qua các thông tin ở các tập sách mỏng tại khách sạn dành cho du khách để có thể hiểu rõ những gì sẽ diễn ra khi đến đó.
Tiến vào khu vực trung tâm, một không gian cổ kính ngoài sức tưởng tượng hiện ra bao quanh cả bốn hướng. Khu vực quảng trường không rộng lắm, hay có thể nó rộng mà khi chúng tôi đến, lượng du khách đổ về khá đông nên tầm nhìn đã hạn chế. Mặt bằng quảng trường được lát đá, bao bọc chung quanh là những cổ thành tráng lệ. Ở đây, chúng tôi có cảm tưởng như cả một thiên đường kiến trúc hình thành nên một cảnh quan thường thấy trong những câu chuyện cổ tích. Còn khoảng gần 1 giờ nữa mới đến 12g nên chúng tôi có dịp tha thẩn trên các con đường “xưa thật là xưa” của một thành phố đầu tiên được UNESCO công nhận là Di sản của thế giới. Được biết, các danh xưng, “đô thành cổ tích”, “trái tim của châu Âu” cũng được trân trọng dành cho thành phố này.
Trên những con phố cổ Praha, nhiều con đường lát đá trở nên đen bóng theo năm tháng. Khác với ở Ý, ai cũng ít nhiều lo lắng về các tệ nạn, ở đây có phần yên tâm hơn về sự an toàn, trật tự, cho dù chung quanh phố cổ có nhiều cửa hàng, nhà hàng, dịch vụ du lịch kinh doanh. Nếp sống văn minh đô thị ở thành phố cổ đem lại ý thức chung cho hàng ngàn người tụ tập qua lại nhưng không quá ồn ào, không làm phiền người bên cạnh. Tranh thủ vào một nhà hàng nhỏ cạnh khu trung tâm để ăn trưa trong khi chờ chợ giờ G sắp đến. Giá cả các món ăn ở các nhà hàng tại Praha không đắt mấy so với các nhà hàng mà chúng tôi đã ghé qua ở Thụy Sĩ hay ở Ý.
Trở lại khu vực có cái đồng hồ huyền thoại, dòng người qua lại càng lúc càng đông. Chiếc đồng hồ rất to được treo cao ở bức tường phía Nam của Tòa Thị chính. Đây là một trong ba chiếc đồng hồ cổ nhất và là đồng hồ cơ duy nhất còn hoạt động.
Bên trên của hai mặt đồng hồ là một tượng bán thân thiên thần bằng đá, hai bên là hai ô cửa, trên cùng là một ô chữ nhật có chóp nhọn. Vành ngoài của đồng hồ màu đen, được khắc chữ số Gô-tích mạ vàng theo hệ thống Czech ngày xưa, phân chia một ngày thành 24 giờ bắt đầu vào lúc mặt trời lặn. Cứ mỗi vòng quay của chiếc vành này, giờ thứ 24 luôn luôn trùng với lúc mặt trời lặn, bất luận mùa nào.
Chữ số La Mã ngay bên trong vành ngoài chia ngày thành hai khoảng thời gian, mỗi khoảng 12 giờ, với giữa trưa ở bên trên và nửa đêm ở dưới. Các ngón của một bàn tay mạ vàng chỉ giờ. Ngoài ra, trên mặt đồng hồ thiên văn, chuyển động của một chiếc đĩa lớn mạ vàng cho thấy quỹ đạo của mặt trời, trong khi một quả cầu nhỏ cho thấy các tuần trăng. Chuyển động biểu kiến của bầu trời đầy sao xung quanh trái đất được biểu diễn bằng một vành lệch tâm, vành này nhỏ hơn và có ghi ký hiệu của các chòm sao.
Nằm cố định ở giữa mặt đồng hồ là trái đất, có cả các đường kinh tuyến, vĩ tuyến và các cực của nó. Trên mặt đồng hồ cũng có ba vòng tròn tượng trưng đường xích đạo, Bắc chí tuyến và Nam chí tuyến. Qua đó, mặt đồng hồ cho thấy vị trí tương đối của trái đất, mặt trăng, mặt trời và các ngôi sao trong suốt cả năm. Phía bên dưới mặt đồng hồ thiên văn là lịch hình đĩa, trên đó có những tranh phong cảnh đồng quê tượng trưng mỗi tháng trong năm. Cái lịch hình đĩa cho biết ngày tháng, cứ mỗi ngày vào nửa đêm nó lại xoay thêm một nấc trong số 365 nấc, ngoại trừ một đêm trong năm nhuận.
Ở hai bên mặt đồng hồ là các biểu tượng được thể hiện bằng các bức tượng. Từ trái sang đầu tiên là bức tượng người đàn ông luôn nhìn vào tấm gương soi, biểu tượng cho sự phù phiếm của con người. Tiếp theo là người một chống gậy, tay cầm một túi vàng tượng trưng cho sự tham lam ích kỷ. Bên kia là bộ xương đại diện cho thần chết, trên tay bộ xương là một chiếc đồng hồ cát như một biểu tượng đo lường tuổi thọ con người, tay kia rung chuông như nhắc nhở rằng số phận của mỗi người đều không thể tránh khỏi. Cuối cùng là bức tượng một người Thổ Nhĩ Kỳ ôm đàn, đại diện cho dục vọng và thú vui trần thế. Người ta đặt tượng người Thổ vì bấy giờ, người Thổ là mối đe dọa cho cả châu Âu. Phía dưới là các hình tượng của những chứng nhân như: nhà triết học, thiên thần, nhà thiên văn và nhà chép sử.
Trong suốt 600 năm lịch sử, đồng hồ thiên văn trải qua nhiều lần hư hỏng và trùng tu, để ngày hôm nay, công trình trở thành một tuyệt tác của Praha; một địa điểm mà mỗi ngày thu hút không biết bao nhiêu là du khách.
Thời khắc chờ đợi cũng đã đến. Gần đến 12g, quảng trường tự nhiên yên lặng, nghi thức chuyển giờ bắt đầu. Mọi cặp mắt đều hướng lên hai cánh cửa sổ màu xanh nhạt trên ngọn tháp. Một con gà vàng xuất hiện vỗ cánh trên một khung ô có chóp nhọn, một hồi chuông giòn giã được cất lên, đồng thời hai cánh cửa hai bên từ từ mở ra. Hình tượng các tông đồ của Chúa Christ từ từ xuất hiện. Đúng với những gì mà chúng tôi đã tìm hiểu, cảnh tượng diễn ra như một màn hoạt cảnh trên một nền sân khấu rất độc đáo:
Đi đầu là Thánh Pièrre tay cầm chiếc chìa khóa lớn; rồi lần lượt từng đôi một đi ngang qua hai khung cửa sổ, 12 hình tượng quay mặt ra ngoài, có vẻ như quan sát đám đông phía dưới. Cùng với cảnh diễu hành của các tông đồ là những hình ảnh cử động của các bức tượng bên dưới: Người soi gương gật đầu có vẻ tự mãn; người cầm túi vàng cũng gật gù như đang tính toán xong một điều gì. Bộ xương thì há cái miệng đầy răng rồi ngậm lại, mở ra, tay kéo dây chuông, đồng thời gật gật cái đầu hướng về phía người Thổ Nhĩ Kỳ đứng bên cạnh. Người Thổ lắc đầu, tỏ vẻ không đồng ý kết giao!
Hoạt cảnh chỉ diễn ra chừng 15 phút, và khi con gà vàng cất lên tiếng gáy thì vị tông đồ cuối cùng đã đi qua, hai ô cửa được đóng lại. Các bức tượng trở lại bất động.
Có nhiều truyền thuyết liên quan đến chiếc đồng hồ thiên văn độc đáo này. Một trong số đó nói rằng: một thợ cả tên là Hanus đã sáng tạo ra nó. Kiệt tác này đặc sắc đến nỗi chính quyền thành phố sợ rằng ông sẽ tạo ra những chiếc đồng hồ tương tự ở nơi khác, và như thế sẽ làm mất danh tiếng của thành phố Praha. Ðể ngăn chặn việc này, họ mướn người hành hung và đâm mù mắt người thợ này. Kết cục của truyền thuyết nói rằng khi sắp chết, Hanus đã với tay vào trong các bánh răng cưa của đồng hồ để phá hủy nó. Trong nhiều năm, các chuyên gia tin rằng chính người thợ cả Hanus đã làm ra chiếc đồng hồ thiên văn. Tuy nhiên, công cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy ông Mikulas thuộc Kadaa mới là người sáng tạo nên chiếc đồng hồ vào năm 1410. Thợ cả Hanus chỉ là người tái thiết nó vào năm 1490.
Kể từ thế kỷ XVI, cỗ máy này đã được sửa chữa và tái thiết nhiều lần. Tuy nhiên, kể từ khi được tái thiết vào năm 1865 trở về sau, hầu hết các bộ phận cơ bản của nó vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.
Vào cuối Thế chiến II (1945), quân Đức đã phóng hỏa đốt Tòa Thị chính khi họ rút lui khỏi thành phố Praha. Chiếc đồng hồ bị hư hại nặng. Sau chiến tranh, chính quyền mới phân vân giữa hai đề án: khôi phục chiếc đồng hồ, làm nó trở lại nguyên dạng; hoặc thiết kế lại để đồng hồ mới mang ý nghĩa tượng trưng hoàn toàn khác hẳn. Ở Praha thời đó, đối với nhà cầm quyền thời hậu chiến, hình ảnh của các tông đồ trong đạo Thiên Chúa không được ưa chuộng. Tuy nhiên, ý kiến phục hồi nguyên trạng cũng được thực thi. Công trình phục dựng được giao cho nhóm 3 người thợ giỏi về việc chế tạo đồng hồ trong cả nước.
Không chỉ là biểu tượng của kiến trúc, đồng hồ thiên văn ở đây còn là minh chứng cho sức mạnh trí óc tuyệt vời của con người từ thời Trung cổ. Những ý tưởng nhân văn được thể hiện một cách đơn giản nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa về đời, về đạo. Đã bao nhiêu năm qua, cứ mỗi giờ, 12 vị Thánh tông đồ xuất hiện một lần như là sự cầu nguyện cho con người. Hình ảnh ngộ nghĩnh của chú gà vàng, của sự phù phiếm, người tham lam, thần chết và anh chàng Thổ Nhĩ Kỳ hung hăng đã hình thành nên một tuyệt tác rất sinh động mà qua bao năm tháng, nó vẫn còn tồn tại.
Nhà triết học Friedrich Nietzsche (1879-1888) đã từng gọi Praha là thành phố của bí ẩn. Không biết triết gia gọi bí ẩn về điều gì, nhưng theo chúng tôi, ngoài cái bí ẩn ẩn chứa ở tòa lâu đài Praha tráng lệ tọa lạc trên đỉnh đồi trông ra vịnh Vltava xinh đẹp; bí ẩn trên chiếc cầu Charles với 30 bức tượng thánh độc đáo, mà sự bí ẩn đó còn hiển hiện trên chiếc đồng hồ thiên văn được tạo nên cách đây hơn 6 thế kỷ…