Trước khi đáp xuống sân bay King Khaled, mọi người trong đoàn chúng tôi đều hăm hở quan sát Vương quốc Ả Rập Saudi từ trên cao. Xứ sở Nghìn lẻ một đêm gần như toàn một màu vàng sa mạc và hoang mạc, khi tiến vào địa phận thủ đô Riyadh, từng mảng xanh thưa thớt mới hiện rõ. Từ trên máy bay có thể thấy Riyadh có hình vuông khá rộng, nhà cao tầng chỉ tập trung dày đặc ở trung tâm thành phố, nhìn chung thủ đô xứ dầu mỏ còn nhiều bãi đất trống và công trường xây dựng ngổn ngang.
Ốc đảo xa hoa giữa sa mạc
Xe đi từ sân bay vào đến trung tâm mất khoảng nửa giờ. Chặng đường 40 cây số phô bày phần nào đời sống Ả Rập hiện đại. Dọc con đường cao tốc tám làn xe hiện đại là những dãy nhà phố xây bằng gạch bùn truyền thống. Nhà phố ở đây không phải là đẹp, nhưng vì tất cả có chung gam màu vàng đất, cộng thêm kiểu xây vuông vức đồng bộ với những ô cửa sổ hẹp nên “vòng ngoài” của Riyadh trông có vẻ bí ẩn – điều làm nên nét khác biệt cho xứ Ả Rập. Khoảng trăm năm trước, thành phố là một ốc đảo của hợp lưu nhiều sông chỉ có nước vào mùa mưa ngắn ngủi. Những ngôi làng trồng chà là, ngũ cốc thời bấy giờ chẳng còn mấy dấu vết.
Chúng tôi vừa ngắm nhà cửa bên đường, vừa… thót tim theo dõi giao thông trên xa lộ. Hầu hết phương tiện di chuyển đều là xe hơi loại đắt tiền, sang trọng nhưng nhiều chiếc bị móp đầu, đuôi hay thân xe. Phải nói là người Ả Rập lái xe khá ẩu, họ dường như không quan tâm nhiều đến luật giao thông. Cũng may là đi toàn xe loại tốt nên các va quẹt nhẹ không ảnh hưởng nhiều đến người lái. Đa số dân sẵn tiền nên xe móp thì đổi ngay được xe khác. Anh bạn dẫn đường tên Faisel – một thanh niên Ả Rập trung lưu trí thức du học ở Anh về phân bua với cả đoàn: “Các bạn thông cảm! Vì luật Hồi giáo nghiêm ngặt quá, cấm tiệt bia rượu, karaoke hay massage nên nam giới chúng tôi đôi khi chỉ biết xả stress sau tay lái”. Khi có người nói đàn ông Hồi giáo sướng nhất vì được phép lấy bốn vợ, Faisel thở dài cho biết chỉ có thành viên hoàng tộc hoặc số ít các triệu phú mới đủ khả năng lấy nhiều vợ. Còn phần đông nam giới trung lưu như anh thì chỉ một vợ là đã mệt mỏi lắm rồi. Phụ nữ Ả Rập hầu hết không đi làm, thích sinh nhiều con và thích mua sắm khi rảnh rỗi! Gì chứ chuyện thích mua sắm thì chắc là đúng. Ả Rập Saudi hiện là một trong những nước có diện tích bán lẻ trên đầu người cao nhất thế giới. “Dầu mỏ chưa chắc chia đều cho mỗi người, nhưng những cám dỗ vật chất hiện đại từ phương Tây tràn sang thì hầu như chẳng chừa ai cả” – Faisel triết lý. Nhiều người gật gù. Ừ, xứ nào mà chẳng vậy!
Chúng tôi nghỉ tại một khách sạn ở trung tâm, nhìn ra tháp Al Faisaliah nổi tiếng cao nhất Riyadh với độ cao 300m. Từ trên đỉnh tháp vào ban đêm nhìn xuống thành phố lấp lánh như sao sa. Số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tại đây có lẽ chẳng thua kém Dubai hay Doha. Hầu hết đều có diện tích rất lớn và hiện đại, hệ thống chiếu sáng và hàng hóa đều thuộc hàng tối tân. Cửa hàng nào cũng có những tốp phụ nữ trùm áo đen che kín từ đầu đến chân đứng săm soi hàng hóa. Kinh đô Ả Rập được coi là xứ sở hà khắc với phụ nữ nhất thế giới. Họ không được cấp bằng lái xe, rất khó xin việc làm và tuyệt đối không được giao tiếp với đàn ông lạ. Lực lượng cảnh sát tôn giáo luôn cần mẫn đi tuần và thường xuyên bắt về đồn những cặp trai gái dám nói chuyện giữa đông người.
Còn đó những khu chợ xưa
Sau các buổi hội thảo, chúng tôi thuyết phục Faisel dẫn đến những nơi đặc trưng cho đời sống thành thị Ả Rập thời kỳ chưa biết đến dầu mỏ. Ai nấy đều mong được đến các khu chợ, các cổng thành náo nhiệt trong Nghìn lẻ một đêm, được trả giá với các lái buôn khi mua vài cân chà là, hồ đào… Faisel không thoải mái lắm nhưng rồi anh cũng đồng ý. Các khu chợ truyền thống, hay còn gọi là các souk thật ra thì vừa nóng, vừa… nặng mùi nên ngày càng xa lạ với tầng lớp trên. Riêng chúng tôi thì thích thú với các dãy nhà cổ xây bằng gạch bùn, đường phố hẹp như mê cung. Ở đây, người ta bày bán rất nhiều hương liệu – thực chất là những miếng gỗ vụn và nhỏ khi đốt lên có mùi thơm nhè nhẹ. Sản phẩm thứ hai cũng thông dụng ở đây là nước hoa được ép từ nhiều loại hoa trồng ở bản xứ. Đi hết khu chợ, tôi chợt hiểu vì sao Faisel ngần ngại khi mọi người tỏ ý muốn đến đây. Trái với vẻ lộng lẫy sang trọng của các cao ốc và khu mua sắm ở trung tâm, quanh các souk – nơi sinh sống của cả triệu thị dân Riyadh vẫn còn nhếch nhác, nghèo nàn. Rõ ràng, mười lăm ngàn thành viên hoàng tộc giàu có và đức vua có khối tài sản gần 20 tỉ đôla không phải là hình ảnh đại diện cho số đông của đất nước này.
Mặc dù vậy, phải khó khăn lắm nhiều thành viên mới có thể rời khỏi khu bán đồ thủ công mỹ nghệ. Trang sức và đồ lưu niệm ở đây đẹp, độc đáo, nếu chịu khó mặc cả thì giá bán cũng khá dễ chịu. Tuy nhiên, muốn chiêm ngưỡng đỉnh cao nghệ thuật trang trí Riyadh thì phải vào thăm cung điện Murabba. Kiến trúc này cũng xây bằng gạch bùn và mang phong cách Ả Rập đặc trưng. Những cánh cửa và hành lang dài hun hút đều được trang trí tỉ mỉ, các khoảng sân rộng trồng đầy chà là và luôn có hồ phun nước bằng cẩm thạch xanh mát. Riyadh có nhiều dinh thự đẹp nhưng không nhiều bằng thành cổ Diriyah cách thủ đô 30 cây số. Diriyah còn nguyên quy hoạch ban đầu với pháo đài, quảng trường, chợ, thánh đường. Dù nhiều công trình đã xuống cấp song vẻ đẹp tổng thể vẫn khiến nhiều du khách cất công đến đây chiêm ngưỡng.
Nhờ chuyến đi đến Riyadh mà nhiều khách du lịch phát hiện thêm một nét đẹp có lẽ chỉ có ở xứ Ả Rập. Đó là khung cảnh nên thơ quanh các suối cạn (wadi). Riyadh nằm tại nơi hợp lưu của nhiều dòng suối. Dọc theo các dòng nước trong veo này, người ta làm những con đường đi bộ dưới hàng cây chà là, có nơi thì làm hẳn công viên bờ sông. Hoàng hôn trên sa mạc vô cùng rực rỡ, đi dạo dọc các wadi ngắm các đụn cát, hồng, vàng cam trải dài đến chân trời quả là thú vị. Thú vị hơn là không có wadi nào giống wadi nào. Có nơi thì cảnh êm đềm phẳng lặng, có nơi khá hùng vĩ với núi đá granite và những khối đá sa thạch cao, vuông vắn nằm bên cạnh thung lũng hẹp đầy cát đỏ. Đi xa khỏi thủ đô khoảng 60km sẽ gặp một loạt các hẻm núi hẹp có những mái vòm tự nhiên và những vách đá cao chót vót, có cả các đường dốc quanh co được tạo thành sau các trận lở đất lớn…
Riyadh nổi tiếng bảo thủ nhất xứ Ả Rập không thu hút du khách như các thành phố dọc Biển Đỏ hay thánh địa Mecca. Dù vậy trong vài ngày ngắn ngủi lưu lại đây, chúng tôi đã thấy được phần nào màu sắc đời sống Ả Rập ngày xưa.
- Huyền Anh