Bạn du lịch đến một đất nước khác và sớm nhận ra rằng wifi miễn phí, tốc độ cao thì không phải ở đâu cũng có. Để có thể kết nối và tránh phí dịch vụ roaming đắt đỏ, bạn mua một thẻ SIM của nước đó và xác nhận một số điện thoại mới chỉ để có thể sử dụng một ứng dụng chat.
Nhưng, nếu như người dân địa phương có thể chuyển điện thoại thông minh của họ để thành “hotspot” phát sóng và bán dung lượng mạng của họ cho bạn khi bạn cần?
Simplify (www.simplify.nextwave.my) là một nền tảng ứng dụng khởi nghiệp tại Malaysia, giúp người dùng bán dung lượng di động “còn thừa” cho người khác và được chi trả theo nhu cầu sử dụng. “Ý tưởng này mở ra những khả năng mới cho việc tiếp cận internet theo nhu cầu và đưa dịch vụ mạng chi phí hợp lý đến với số đông”, nhà sáng lập Yen Pei Tay nói.
Không giống với các hình thức chia sẻ dịch vụ khác, Simplify để cho người bán tự đặt mức giá và mức dung lượng mà họ muốn bán. Công ty sẽ lấy 25% hoa hồng từ doanh thu. Người dùng có thể trả phí qua thẻ credit hoặc debit và người bán có thể nhận doanh thu qua ví điện tử PayPal.
Simplify tự động tạo một “hotspot” an toàn và để cho người dùng kết nối trực tiếp đến hotspot cá nhân của người bán mà không phải nhập bất cứ mật khẩu nào. Theo giải thích của Yen Pei Tay, cả tên mạng wifi (SSID) và mật khẩu đều được mã hóa vì lý do an toàn. Simplify cũng không giữ hoặc chuyển tiếp mật khẩu ra khỏi điện thoại thông minh của bạn.
Công ty khởi nghiệp này đầu tiên nhắm vào các tài xế Grab và Uber, cũng như các hướng dẫn viên du lịch để có thể tiếp cận thị trường du lịch. Một nhóm đối tượng khác là những sinh viên muốn chia sẻ dung lượng với bạn cùng lớp.
Cho đến nay, ứng dụng này đã được tải 50.000 lần và có 8.000 người dùng thường xuyên. Doanh thu cao nhất của một giao dịch dung lượng là 64 USD.
Trước khi thành lập Simplify, Yen Pei Tay từng làm việc 13 năm trong ngành phần mềm và viễn thông, là kỹ sư cho Motorola, Nokia, và chuyên viên tư vấn của IBM.
Nhà sáng lập này cũng từng tham gia trại huấn luyện khởi nghiệp MIT Global Entrepreneurship Bootcamp và đã thực hiện khảo sát thị trường về Simplify với các “trại viên” khác. “Cố vấn của MIT đã khuyên chúng tôi nên tự thân vận động lâu như có thể để nâng cao giá trị công ty. Chúng tôi vẫn đang chi tiêu tiết kiệm và đi đúng hướng”, anh nói.
Thách thức chính của ứng dụng này là hệ điều hành iOS bởi vì Apple có những quy định an toàn chặt chẽ đối với việc cho phép các ứng dụng khác kiểm soát hotspot cá nhân của iPhone.
Dù Simplify không xem các nhà mạng là đối thủ cạnh tranh, nhưng nhà sáng lập của công ty này cho biết họ có thể “trả đũa” theo ba cách: Thứ nhất, có thể hạ thấp cước phí dung lượng mạng, cung cấp dung lượng cao hơn với giá thấp hơn; thứ hai, nhà mạng có thể bắt đầu tính phí hoặc thậm chí khóa chức năng chia sẻ kết nối mạng di động với thiết bị khác (hotspot tethering); thứ ba, họ có thể theo đuổi một hành động pháp lý.
“Dù vậy, tôi nhận thấy có nhiều nhà mạng muốn hợp tác với chúng tôi hơn vì Simplify mang lại cho họ một cơ hội để khai thác gói dung lượng cho đối tượng là du khách nước ngoài mà không phải đổi thẻ SIM”, Tay nói.
Từ giữa tháng 5-2017, Simplify bắt đầu giới thiệu chương trình nhượng quyền toàn cầu của họ cho các đối tác tiềm năng tại các thị trường khác. Công ty này sẽ trao quyền triển khai kinh doanh qua mô hình chia sẻ lợi nhuận. Họ tin tưởng rằng hình thức nhượng quyền sẽ giúp công ty phát triển nhanh.
- Xem thêm: Những lĩnh vực khởi nghiệp hay năm 2018
“Để cho các đối tác địa phương chủ động tìm ra các tình huống sử dụng tốt nhất, chiến lược tiếp thị và kênh thanh toán phù hợp cũng là một cách sáng tạo để phát triển”, nhà sáng lập của Simplify cho biết.
Yen Pei Tay có những giấc mơ lớn cho Simplify. “Tôi tin rằng sẽ có một ngày, khi bạn mua điện thoại di động, bạn không cần tìm mua thẻ SIM nữa. Bạn chỉ cần đăng ký và thay đổi kế hoạch sử dụng dung lượng trên Simplify. Nếu Uber có thể là công ty vận tải lớn nhất thế giới không sở hữu xe hơi, tôi đoán rằng Simplify có thể khao khát trở thành công ty viễn thông lớn nhất thế giới không có trạm thu phát sóng”.