Chính phủ Ấn Độ thừa nhận sự hỗn loạn sẽ kéo dài nhiều tuần do những chậm trễ trong việc in ấn đồng tiền mới – thay cho các đồng tiền có mệnh giá lớn bị hủy bỏ – cũng như những trục trặc kỹ thuật đối với máy rút tiền tự động do toàn bộ máy ATM phải cài đặt lại chương trình cho phù hợp mệnh giá. Chính phủ của Thủ tướng Modi cho biết họ không thể chuẩn bị trước việc in tiền cũng như sửa máy ATM vì sợ lộ thông tin. Ông Modi kêu gọi người dân kiên nhẫn, chấp nhận tình trạng thiếu tiền mặt cho tới ngày 30-12-2016.
Để trấn áp tham nhũng và buộc lộ diện các khoản tiền trốn thuế đang được che giấu trong “nền kinh tế đen”, Thủ tướng Ấn Độ Modi hôm 8-11 đột ngột tuyên bố hủy bỏ lưu hành hai tờ tiền có mệnh giá lớn nhất và phổ biến nhất là 500 và 1.000 rupee (khoảng 7,3-14,7 USD).
Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ cho phép người dân có thể đổi tối đa 4.000 rupee mỗi ngày; được rút từ ngân hàng và máy ATM không quá 10.000 rupee mỗi ngày và không quá 20.000 rupee mỗi tuần. Mỗi người dân có thể được đổi tổng cộng 250.000 rupee (tương đương khoảng 3.700 đôla Mỹ) từ đồng 500 và 1.000 rupee sang các tờ tiền có mệnh giá nhỏ hơn mà không phải nộp thuế.
Quyết định đột ngột của Chính phủ Ấn Độ nói trên không chỉ khiến nhiều người có thu nhập thấp, tiểu thương và dân thường vốn phụ thuộc vào nền kinh tế tiền mặt bị ảnh hưởng nặng nề, mà cả các doanh nghiệp cũng khốn đốn. Nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu tiền mặt.
Chi tiêu tiêu dùng chiếm tới 56% trong nền kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD của Ấn Độ, nhưng lượng tiền mệnh giá nhỏ có sẵn và đang lưu thông lại không đáp ứng được nhu cầu đổi tiền của người dân. Cuộc chiến để có được đồng tiền mới đã trói chân trói tay người tiêu dùng ở nước này.
Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng tiền mặt dự kiến sẽ kéo tụt tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm nay xuống còn 4,1 điểm phần trăm, từ mức 7,6% năm ngoái. Công ty môi giới Ambit Capital cho biết họ không loại trừ khả năng GDP sẽ sụt giảm mạnh trong quý IV.
Trong tuần đầu tiên từ khi đổi tiền, từ lái xe taxi, những người bán hàng rong trên phố, cho tới các công ty hàng tiêu dùng lớn, đều chứng kiến thu nhập của họ giảm mạnh tới 80%.
Tại các khu vực nông thôn, nơi mà việc sử dụng tiền mặt chiếm ưu thế hoàn toàn, tình hình còn tồi tệ hơn. Ở các bang trồng lúa mì, việc bán hạt giống và phân bón đã giảm mạnh đúng vào mùa gieo hạt, bởi người nông dân không có tiền mặt.
Theo The New York Times, khoảng một phần ba tổng số các doanh nghiệp ở Ấn Độ sử dụng “tiền đen” (được hiểu là những khoản tiền có được do tham nhũng hoặc không kê khai thuế rõ ràng). Trong một đất nước mà sự giám sát của chính phủ yếu kém, người ta thường giao dịch kinh doanh bằng tiền mặt để tránh thuế.
Trong cảnh hỗn loạn hiện nay, có một số người giàu đang nỗ lực tìm đủ mọi cách để “rửa” số tiền mà họ tích lũy được nhằm tránh thiệt hại về tài chính.
Chính quyền của Thủ tướng Modi cho biết sẽ nâng cao cảnh giác để ngăn chặn tình trạng trên. Thủ tướng Modi cam kết tình hình sẽ trở lại bình thường vào cuối năm nay, tuy nhiên ông Saumitra Chaudhuri, cựu cố vấn kinh tế cho chính phủ, ước tính sẽ phải mất ít nhất sáu tháng mới có thể thay thế hết số tiền bị hủy bỏ lưu hành.
- Đ.N