Chứng mất trí nhớ tạm thời xảy ra khi chúng ta bỗng nhiên quên bẵng những sự kiện mới xảy ra ngày hôm qua hoặc thậm chí vài ngày trước, không thể nhớ nổi những công việc quan trọng đang làm, những người mình mới gặp mặt hoặc các số điện thoại thường xuyên sử dụng.
Hiện tượng này có thể chỉ xảy ra trong vài ngày cũng có thể kéo dài đến vài tháng, do quá trình lão hóa tự nhiên hoặc do ảnh hưởng của bệnh tật, chấn thương, stress hay tác dụng phụ của thuốc. Tình trạng mất trí nhớ tạm thời sẽ phục hồi theo thời gian, nhưng sẽ phục hồi nhanh hơn nếu chúng ta áp dụng các lời khuyên sau đây:
Kết nối với mọi người
Kết quả một nghiên cứu của Trường Đại học Harvard cho thấy càng có đa dạng các mối quan hệ xã hội thì người lớn tuổi càng giảm tỷ lệ suy giảm trí nhớ, giảm chứng mất trí nhớ tạm thời. Việc tạo các mối quan hệ mới trong công việc lẫn xã hội sẽ góp phần kích thích trí óc của chúng ta vì không chỉ tạo cơ hội giao lưu, tìm kiếm những điều mới mẻ mà còn là cách để thử thách xem bạn nên ứng phó với mối quan hệ mới như thế nào (tin tưởng, cảnh giác hoặc đối phó…).
Tăng cường sự nhạy bén của trí nhớ
Trí nhớ cũng phản ứng lại khi có kích thích giống như cơ bắp nên khi luyện tập thường xuyên thì trí não cũng nhanh nhạy hơn. Hằng ngày, bạn nên chơi ô chữ, sudoku hoặc tìm hiểu về một điều gì đó mới mẻ với bạn để kích thích trí não hoạt động. Bạn cũng nên thử tham gia một thú giải trí mà bạn cảm thấy thích (sưu tập tem, sách, câu cá…), học một loại nhạc cụ mới, tham gia một lớp học thêm (ngoại ngữ, nghệ thuật giao tiếp, yoga…). Những hoạt động này ban đầu rất khó khăn nhưng là cách hiệu quả để tăng hoạt động của trí nhớ mỗi ngày, giúp suy giảm tình trạng mất trí nhớ tạm thời.
Sử dụng thuật nhớ (mnemonics)
Đây không chỉ là cách cải thiện tình trạng mất trí nhớ tạm thời mà còn là cách luyện tập để trí nhớ tốt hơn cho tất cả mọi người. Thuật nhớ hay còn gọi là phương pháp tăng cường trí nhớ bằng từ ngữ, nhóm từ hoặc sự liên tưởng các sự vật, chẳng hạn như khi nhắc đến một tên người nào đó, bạn đưa ra những đặc điểm nhận dạng nổi bật của họ như chiều cao, màu mắt, tóc hoặc những liên tưởng hài hước bạn tự đặt ra để dễ nhớ.
Ăn những thực phẩm tốt cho trí não
Các loại thực phẩm chứa acid béo omega-3 rất cần thiết cho trí não trong giai đoạn cần phục hồi. Loại acid béo này có nhiều trong các loại cá biển như: cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá mòi… Ngoài ra, omega-3 cũng có nhiều trong trứng, sữa đậu nành, bí đỏ, đậu phộng, hạt hướng dương… Người bị mất trí nhớ tạm thời cũng nên uống một ly rượu vang đỏ vào mỗi buổi tối vì loại rượu này chứa polyphenol và chất chống oxy hóa hữu ích trong việc bảo vệ mạch máu não và tăng cholesterol tốt.
Thường xuyên vận động, tập thể dục
Hoạt động thể chất giúp tăng lưu thông máu đến não, cải thiện chức năng não bộ nói chung và trí nhớ nói riêng. Buổi sáng, chúng ta nên tập những động tác co duỗi tay chân để thư giãn cơ trước khi ra khỏi giường. Nếu có thời gian, bạn nên tập thể dục 30 phút/ngày với các môn thể thao quen thuộc như: đi bộ nhanh, đạp xe, chạy bộ hay khiêu vũ.
Tầm quan trọng của giấc ngủ
Một giấc ngủ đủ và sâu vào đêm hôm trước sẽ giúp bạn tỉnh táo và hoạt động của trí nhớ tốt hơn vào ngày hôm sau. Do đó, cần tạo thói quen ngủ đủ mỗi ngày, từ sáu đến tám tiếng tùy theo nhu cầu của mỗi người. Không thức khuya thường xuyên để tránh làm tình trạng căng thẳng và mất trí nhớ trầm trọng hơn.
Ghi lại thói quen
Nếu không thể nhớ ra những việc cần làm hoặc những vật dụng trong nhà, bạn hãy ghi vào một cuốn sổ tay hoặc vào một mảnh giấy rồi dán ở một nơi thường xuyên tiếp xúc như gương phòng tắm, tủ lạnh, tủ quần áo… hoặc nhờ người thân, đồng nghiệp nhắc bạn nhớ các cuộc hẹn, hướng dẫn chỗ để tài liệu hoặc các vật dụng cá nhân.