Lần đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nhà sưu tập cổ vật nổi tiếng Ngô Thị Thương vừa đưa ra trưng bày tại triển lãm Điêu khắc tượng Phật giáo hơn 100 pho tượng Phật cổ đến từ nhiều nước.
Thể hiện sự tài hoa, tinh xảo của người xưa
Bộ sưu tập pho tượng Phật cổ mang đậm nét văn hóa Phật giáo đa quốc gia được bà Ngô Thị Thương (ở TP.HCM) cất công sưu tầm trên 30 năm nay, bằng khoản kinh phí khá khủng không dám tiết lộ. Các hiện vật này được các nghệ nhân trên thế giới chế tác kỳ công trên nhiều vật liệu khác nhau như: hổ phách, đồng, gốm sứ, gỗ, bạch ngọc, san hô… nên đa dạng và đẹp mắt.
Nhà sưu tập Ngô Thị Thương tâm sự: “Đây là tâm huyết của cả đời tôi với đề tài văn hóa Phật giáo, vì vậy mà tôi muốn tuyển chọn để đưa ra triển lãm cho mọi người chiêm ngưỡng sự tài hoa, tinh xảo của người xưa”.
Nhà sưu tập Ngô Thị Thương kể: “Tượng Bổn Sư bằng đồng hiện nay có giá hơn 10 tỉ đồng, được chế tác vào đời nhà Trần của Việt Nam ở thế kỷ 13-14. Tượng này với tôi có rất nhiều kỷ niệm. Trước đây, tôi được một người quen giới thiệu ở miền Trung có pho tượng này nhưng chủ nhân của tượng đòi giá quá cao. Toàn bộ lái buôn cổ vật đều bỏ cuộc nên mãi đến hơn bốn năm sau vì thời gian dài không bán được nên chủ nhân phải hạ giá xuống. Biết rõ đây là pho tượng rất quý, tôi tìm mọi cách nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để thỉnh ngài về như mong muốn. Nhân một hôm tại nhà riêng, tôi có tâm sự với chú em, cũng là một người bạn mơ ước của mình về pho tượng và nhờ chú em có quen biết “kết nối” với chủ nhân pho tượng, thuyết phục để giúp tôi mua. Ai ngờ, ước nguyện thành công, sau này khi tượng đã về nhà tôi, có rất nhiều người đến xem và ngã giá muốn mua lại rất cao, dù lợi nhuận nhiều nhưng tôi vẫn không bán vì muốn giữ lại cho bộ sưu tập thêm phong phú”.
- Xem thêm: Báu vật tìm thấy dưới lòng đất Việt
Còn pho tượng gốm sứ Quan Âm khổng tước thuộc văn hóa Hàn Quốc do bà Thương may mắn mua cách đây đã hơn 30 năm thì nay không còn xuất hiện trên thị trường nữa. “Cũng đã có nhiều người muốn sở hữu pho tượng này nhưng tôi vẫn giữ lại vào bộ sưu tập Phật cho nhiều màu sắc và đa dạng”, bà Thương chia sẻ.
Tượng đồng tử bái Quan Âm đang có mặt tại triển lãm Điêu khắc tượng Phật giáo được làm bằng ngọc (đá trắng) thuộc đời nhà Minh Trung Quốc, thế kỷ 14-15. Tuy đã trải qua thời gian dài nhưng pho tượng vẫn còn hoàn hảo, nét chạm trổ rất tinh vi, nghệ nhân xưa đã thổi hồn vào đá nên nhìn thật đẹp và thần thái.
Bộ tượng Phật Tây phương Tam Thánh làm thời Edo của Nhật Bản, thế kỷ 17, là đỉnh cao nghệ thuật chạm trổ vào lúc đó. Nghệ nhân xa xưa đã chọn dùng chất liệu bằng một loại gỗ quý, không mối mọt, tuy nhẹ nhưng rất thơm và bền. Chân dung của những bức tượng thật đặc sắc, chuẩn đến từng mi li mét, mà khó quốc gia nào sánh kịp nghệ thuật điêu khắc của bức tượng.
- Xem thêm: Phục dựng vàng son
Riêng pho tượng bằng đồng của Myanmar bà Thương hữu duyên mua được của một gia đình tại Việt Nam. Họ đã gìn giữ tượng qua nhiều đời, tượng được làm bằng đồng, bên ngoài thếp thêm một lớp vàng mỏng, qua thời gian tượng cũng có chỗ bong tróc và phai bạc, nhưng nhìn vẫn rất đẹp, và hiện nay cũng vào loại cực quý hiếm.
Khám phá hết các cổ vật, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (TP.HCM) nhận xét: “Tôi đánh giá rất cao bộ sưu tập độc đáo hơn 100 tượng Phật cổ của nhà sưu tầm Ngô Thị Thương. Qua triển lãm này của bà, người xem có điều kiện nhìn ngắm và nhận biết các loại tượng Phật Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar… khác nhau như thế nào về khuôn mặt, cách ngồi và sự thể hiện tinh xảo của người xưa, giúp cho thế hệ trẻ có dịp tiếp cận với những cổ vật vô giá, càng trân trọng tấm lòng của nhà sưu tập đã biết gìn giữ cho đời sau nhiều hiện vật quý, mà có tiền giờ cũng chưa chắc mua được”.
Nhà báo Lý Đợi thì cho rằng: “Hơn 100 tượng của bộ sưu tập tại triển lãm Điêu khắc Phật giáo vừa mới khai cuộc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là cuộc chơi công phu nếu xét về phong cách tượng. Còn nếu chỉ đến để xem hình tướng, thì đây cũng là dịp để nhận ra sự đa dạng, với nhiều xuất xứ và là một triển lãm tượng Phật rất đáng ngắm, suy ngẫm”.
- Xem thêm: Bí mật của những pho tượng nổi tiếng