Những phát hiện quan trọng suốt hơn 100 năm qua của ngành khảo cổ học Việt Nam đã mang lên từ lòng đất những báu vật vô giá, được tìm thấy ở nhiều địa phương khắp đất nước và được trưng bày, bảo quản ở nhiều bảo tàng từ Bắc chí Nam.
Năm ngoái, lần đầu tiên công chúng được mãn nhãn khi cuộc trưng bày khoảng 300 báu vật khảo cổ học được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội trong hơn ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 7-2018). Đó là các hiện vật từ thời tiền sử đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 15 – thế kỷ 18).
Trước khi đến với công chúng trong nước, từ tháng 10-2016 đến tháng 2-2017, một cuộc triển lãm đặc biệt cũng có tên gọi “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” đã diễn ra tại Bảo tàng Khảo cổ học LWL ở thành phố Herne, bang Nordrhein-Westfalen của nước Đức với hơn 400 hiện vật đặc sắc.
Sau đó các báu vật khảo cổ học Việt Nam tiếp tục được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz tại TP. Chemnitz (30-3 đến 20-8-2017) và Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại TP. Mannheim (16-9-2017 đến 7-1-2018).
Một trong những nguyên nhân chính để có cuộc trưng bày lưu động các báu vật Việt Nam tại Đức là có nhiều chuyên gia, nhà khảo cổ Đức đã giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc khai quật khảo cổ học quan trọng.
Ngay triển lãm “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội cũng có sự tham gia tổ chức của các bảo tàng Herne, Chemnitz và Reiss-Engelhorn.
Các báu vật khảo cổ học tiêu biểu của Việt Nam có thể chia làm ba phần chính: “Báu vật khảo cổ thời tiền sử”, “Báu vật khảo cổ học thời đại kim khí” và “Báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử”.
Mỗi thời kỳ có những hiện vật đặc sắc như thời tiền sử có hàng vạn mũi tên đồng cùng hàng trăm khuôn đúc tên được khai quật tại vùng Cổ Loa (nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) là bằng chứng có thể giúp làm sáng tỏ huyền thoại Mỵ Châu – Trọng Thủy với nỏ mà Thần Kim Quy đã trao cho An Dương Vương để chống giặc ngoại xâm phương Bắc.
- Xem thêm: Nhạc cụ bằng đồng của người Tà Ôi
Hay chiếc rìu gót vuông bằng đồng của thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách nay 2.000-2.500 năm). Cũng không thể thiếu báu vật của thời kỳ tiền sử là các loại trống đồng khác nhau, được tìm thấy nhiều nơi ở miền Bắc.
Còn vào thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 9, người Chăm ở Cát Tiên đã làm được một báu vật độc đáo là chiếc linga bằng vàng ròng với đế bằng thạch anh có kích thước siêu nhỏ, muốn xem rõ phải nhìn qua một kính phóng đại.
Báu vật này rất lạ vì các linga thường được làm bằng đá với kích thước lớn như ở Mỹ Sơn và nhiều di tích của văn hóa Champa tại Việt Nam.
Gần đây hơn, trong cuộc khai quật khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long, đã phát hiện nhiều hiện vật quý giá như đầu chim phượng bằng đất nung, một loại trang trí kiến trúc khá phổ biến ở thế kỷ 11-13, thường được gắn trên đầu nóc các cung điện và chùa tháp thời Lý – Trần.
Nhiều hiện vật khai quật từ con tàu đắm tại vùng biển cù lao Chàm những năm 1997-1999 cũng có giá trị lớn về mặt lịch sử – văn hóa – thẩm mỹ cũng như giá trị về kinh tế không nhỏ, cần được bảo quản, gìn giữ hết sức cẩn trọng song cũng cần trưng bày cho công chúng thưởng lãm.