Với những gì dư luận lên tiếng xung quanh nghi án dàn xếp của một trong những chương trình truyền hình thực tế hot nhất hiện nay, The Voice – Giọng hát Việt cho thấy khán giả không chỉ xem để mua vui mà họ quan tâm rất nhiều đến chất lượng chương trình. Phải chăng, những chương trình truyền hình thực tế kiểu này chỉ cần giải trí, hấp dẫn là đủ? The Voice – Giọng hát Việt là chương trình truyền hình thực tế vào nước ta khá muộn, sau hàng loạt những cái tên rất được chú ý như Vietnam Idol – Thần tượng âm nhạc, Dancing with Star – Bước nhảy hoàn vũ, Just two of us – Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam’s Got Talent – Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Vietnam’s Next Top Model – Người mẫu Việt Nam… Nhưng với format khá lạ với thói quen xem của khán giả nên The Voice – Giọng hát Việt đã được đón nhận rất nồng nhiệt ngay từ vòng thi đấu đầu tiên, thành công không hề nhỏ cho nhà sản xuất ở cả rating lẫn quảng cáo. Tuy nhiên, cuộc đua chưa đến hồi kết, ngay khi kết thúc tập ba vòng Đối đầu thì xuất hiện một video clip được dàn dựng công phu với mục đích tố cáo chương trình đã chèn ép thí sinh cũng như dàn xếp kết quả. Đã từ lâu, hàng loạt các cuộc thi, chương trình kiểu này đã dính vào nghi vấn dàn xếp kết quả nhưng mấy ai đã tìm ra được chứng cứ rõ ràng hay cũng chìm xuồng theo những lời giải thích chung chung từ nhiều phía. Nhưng lần này, có lẽ sức lan tỏa của The Voice – Giọng hát Việt quá mạnh nên hiệu ứng ngược đã xảy ra? Và người được cho là khá “thân thiết” với giám đốc âm nhạc Phương Uyên đã đưa ra những bằng chứng cho rằng cuộc thi đã ấn định kết quả cho từng vòng thi đấu.
Mặc dù sự việc đã có một sự giải trình từ phía nhà sản xuất, và chính nhân vật trung tâm của câu chuyện là nhạc sĩ Phương Uyên, nhưng chúng ta vẫn cứ lo ngại về tính trung thực cũng như mức độ tôn trọng khán giả của những chương trình truyền hình thực tế kiểu này. Vậy thì nên hiểu chữ “thực tế” ở các chương trình này như thế nào? Đây sẽ là chương trình được xây dựng trên kịch bản rất giống thực tế, hay được quay với những tình tiết, góc máy chân thật nhất, hoặc thực tế trong một chừng mực cho phép? Rõ ràng, khán giả số đông vẫn nghĩ rất đơn giản là chương trình phải phản ánh thực tế những gì đang diễn ra và kết quả luôn cần sự công bằng.
Để một chương trình có tính hấp dẫn cao, tạo được kịch tính là lôi kéo khán giả vào cuộc chạy đua của các thí sinh tham gia, một kịch bản được dựng lên để mọi người có thể chấp nhận được. Phải chăng, qua những gì thể hiện ở The Voice – Giọng hát Việt, kịch bản đó là “thí tốt bắt xe”? Tạm đánh rớt những giọng hát khá, để cho những giọng hát vừa đi tiếp vòng trong và làm nổi bật giọng hát hay? Không những làm nổi bật được người chiến thắng mà còn khơi được sự tò mò, tức tối của khán giả để họ phải theo dõi bốn vị huấn luyện viên kia sẽ làm thế nào để tìm ra người chiến thắng?
Nếu như vậy thì cũng không có gì là quan trọng với khán giả nếu chỉ dừng ở mức độ tạo sự lôi cuốn và quyết giữ được thí sinh tài năng đến cùng. Nhưng lẩn khuất trong cái kịch bản ấy có thể là những mưu tính, tiểu xảo giữa các thí sinh để giành nhau chiếc vé vào vòng trong. Luôn mang tiêu chí là giải trí để nhắc nhớ khán giả, nhưng khi thực tế diễn ra thì nó hoàn toàn không phải là giải trí. Khi nhận xét, có kẻ thắng, người thua đương nhiên ngay lập tức như một phản xạ, khán giả sẽ phải tự kiểm định xem người thắng đó có xứng đáng hay không? Liệu điều này nhà sản xuất và người viết nên kịch bản có nghĩ tới hay phớt lờ để đạt được mục đích của mình?
Khán giả sẽ tự hỏi, vậy các chương trình thực tế kiểu này phản ánh thực tế nào? Giám khảo và thí sinh đều nằm trong một cái khung định sẵn của kịch bản? Hỷ, nộ, ái, ố… tất cả đều là dàn dựng và khán giả chỉ có quyền được ngồi xem một cách im lặng và chấp nhận kết quả như một định lý bất biến. Rõ ràng, tính tương tác làm nên hiệu ứng tốt cho những chương trình truyền hình như thế sẽ mất hẳn và chỉ có tính tác động một chiều. Hệ lụy sẽ không hề nhỏ, vì các thí sinh kia đang thi thố để đạt được điều gì? Họ sẽ trở thành người của công chúng sau khi rời khỏi chương trình, rời khỏi cuộc chơi. Nhưng trong suốt quá trình đi tìm sự thành công ấy họ đã bỏ rơi khán giả của mình, vì đã đánh bại đối phương bằng mọi cách chứ không bằng giọng hát của chính họ.
Không thể phủ nhận những cái mới mẻ, hấp dẫn mà các chương trình truyền hình thực tế tạo được trên sóng truyền hình suốt thời gian qua. Đặc biệt, The Voice – Giọng hát Việt đã rất thành công khi tạo được sự chú ý cho các gương mặt mới. Giọng hát Việt đã làm nên cơn sốt trong làng nhạc thật sự bởi những điều được cho là trái quy luật ấy nhưng rất thành công về hiệu ứng số đông. Tuy nhiên, hành trình dài để làm nên thương hiệu của một chương trình không ở những giá trị giải trí đơn thuần mà còn ở giá trị nghệ thuật nữa. Thí sinh sau khi tham gia chương trình truyền hình thực tế … nhưng không chân thật ấy, họ bị khán giả quay lưng. Người xem nhìn họ như những “bọt xà phòng” nhiều màu sắc nhưng mong manh dễ vỡ vì chưa hề có giá trị cốt lõi nào bên trong để tồn tại!
- Y Nhân