Không giống như các sản phẩm vật chất cụ thể, các dịch vụ là loại hàng hóa mà khách hàng không thể có được tất cả các trải nghiệm trước khi bỏ tiền mua.
Do đó, khi bán một dịch vụ chuyên môn tức là doanh nghiệp cam kết đem đến cho khách hàng một kết quả mà họ mong đợi trong tương lai và giúp họ giải quyết một vấn đề nào đó.
Dịch vụ chuyên môn được bán trên cơ sở của uy tín và niềm tin mà một nhãn hiệu đã định hình được trong tâm trí của người tiêu dùng. Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu đối với các công ty cung cấp dịch vụ chuyên môn thường thiên về xây dựng các giá trị.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, thách thức lớn nhất đối với các công ty cung cấp dịch vụ là định vị nhãn hiệu của mình làm sao để tạo ra được sự khác biệt, khiến nhiều người tiêu dùng quan tâm đến hơn.
Ngoài việc xây dựng niềm tin trong tâm trí người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu được các giá trị khác biệt mà khách hàng mong đợi để đáp ứng cho hoàn hảo.
Để thực hiện công việc định vị nhãn hiệu dịch vụ thật sự có hiệu quả, trước tiên các doanh nghiệp cần phải xác định các kết quả mà khách hàng thường đánh giá cao.
- Xem thêm: Tái định vị nhãn hiệu theo giá
Một khi dịch vụ của doanh nghiệp hướng đến một vài kết quả mà không có đối thủ cạnh tranh nào cũng làm được thì nhãn hiệu của doanh nghiệp có cơ hội chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trên thị trường và có nhiều cơ hội phát triển tốt.
Theo các chuyên gia, thường có hai loại kết quả được khách hàng đánh giá cao, đó là:
- Kết quả rõ ràng. Trong trường hợp này, suy nghĩ của khách hàng là cần phải bỏ tiền để mua dịch vụ, nếu không sẽ gặp rắc rối vì không có sự lựa chọn nào khác.Các công ty luật, tư vấn kế toán và kiểm toán thường hướng đến những kết quả này khi định vị cho nhãn hiệu của mình.
- Kết quả ngầm. Ở đây, nhu cầu của khách hàng chưa được xác định rõ ràng và nó chỉ được mở ra khi doanh nghiệp đưa họ đến một điều đặc biệt mà họ cảm thấy rất muốn có. Các công ty làm dịch vụ nghiên cứu thị trường, quan hệ với công chúng, quảng cáo, tư vấn thiết kế và xây dựng,… là những công ty hướng đến các kết quả ngầm.
Khi đã xác định được khách hàng mục tiêu của mình và loại kết quả mà họ mong đợi, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tập trung sức định vị cho nhãn hiệu.
Khó khăn lớn nhất ở đây là ngoài những giá trị tối thiểu của dịch vụ mà đối thủ cạnh tranh nào cũng có thể đem đến cho khách hàng, doanh nghiệp phải nêu được rõ những giá trị đặc thù khác chỉ riêng mình mới có để nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng.
Muốn tạo ra sự khác biệt trong định vị nhãn hiệu cho mình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần chứng minh được khả năng và trình độ chuyên môn nổi bật. Bằng chứng có sức thuyết phục nhất chính là những kết quả mang lại cho nhiều khách hàng đã nhiều năm, trong đó có những kết quả thu được ngay trong thời gian gần đây.
Khi có được những tấm ảnh, đoạn phim minh họa sinh động về kết quả đó, lại có thêm những nhận định của những khách hàng đã có trải nghiệm tích cực về dịch vụ của doanh nghiệp thì sức thuyết phục của thương hiệu sẽ rất cao và tất nhiên là doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều khách hàng mới.