Đình làng là một cơ sở tín ngưỡng quan trọng và chính thức của làng xã xứ ta. Đình không chỉ là nơi thờ tự Thành Hoàng, thần bảo hộ của cộng đồng mà còn là trung tâm văn – xã và thậm chí là trụ sở hành chính của làng. Chính vì vậy, từ lâu đình trở thành biểu tượng phong hóa của cộng đồng.
Lời tục rằng “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” là cách nói văn vẻ, còn thực tế thiết chế văn hóa-tín ngưỡng của làng gồm: “đình- chùa-miễu-võ”; trong đó, đình là trú sở của vị thần được thiên tử cắt đặt nhiệm vụ “bảo ngã lê dân”, tức bảo hộ cộng đồng dân cư sống trong khoảng “đất vua” được xác định là đơn vị hành chính cơ sở – gọi chung là làng, gọi chính thức là thôn/xã. Ở cấp hành chính cao hơn, cấp tỉnh thành, kinh đô, thiết chế văn hóa- tín ngưỡng mang tính chính thống gồm “đàn-miếu-đền-từ”. Như vậy, xét về đại thể, đình là cơ sở tín ngưỡng trung gian nối thiết chế chính thống và thiết chế dân gian. Ở đây, đình thuộc thể chế thờ tự chính thống, từ tín niệm, đối tượng thờ tự đến lễ thức đều tuân theo điển lệ – xét về cơ bản, trừ trường hợp đình làng có hèm; và mặt khác, tùy theo từng tọa độ địa lý – lịch sử cụ thể, đình dung nạp các đối tượng phối tự, tòng tự vào khuôn viên đình hay vào các vị trí phụ thuộc trong đình…
Tính chất phồn tạp của đình bắt nguồn từ lịch sử hình thành và quá trình điển lệ hóa của các triều đại trong lịch sử.
Khởi đi từ đình trạm, đình trú – một cơ sở công ích thế tục, đến thế kỷ XIII được lệnh chính thức “dựng tượng Phật để thờ” trong đình và đến cuối thế kỷ XV mới bắt đầu trở thành đình làng và vị thần Thành Hoàng, một cách chính thống là thần bảo hộ các địa điểm quan yếu có thành có hào bao bọc (như kinh đô, tỉnh thành…) giờ đã trở thành thần bản cảnh/đương cảnh bảo hộ cho làng mạc, thôn-xã, nơi chẳng có thành cao, hào sâu.
Danh nghĩa là thần Thành Hoàng, song đây là nỗ lực quốc điển hóa của triều đình nhằm thống thuộc các thần linh vào khuôn khổ chính thống về quyền lực của mình dựa trên nguyên lý “thiên tử phong bách thần”: tất các thần là thuộc hạ của vua và đảm nhận nhiệm vụ được vua cắt đặt: bảo ngã lê dân, tức bảo vệ dân đen của vua. Việc phong sắc cho bách thần nói chung, thần Thành Hoàng làng nói riêng, tuy có dựa vào chuẩn mực công đức “hộ quốc tí dân”, song lại dựa vào tờ khai của quan viên làng xã; do đó, tập hợp thần Thành Hoàng làng đã kế thừa quá khứ, theo đó, bao gồm cả nhiên thần, thiên thần và nhân thần, tức các thần linh có nguồn gốc từ tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, động vật, thực vật, linh vật, vật tổ, tổ tiên, anh hùng, danh nhân lịch sử, văn hóa…
Nói chung, việc phong cấp sắc thần Thành Hoàng, một mặt là điển lệ hóa một trong các thần linh vốn được làng xã tôn thờ lên địa vị chính thức là thần bảo hộ cộng đồng hoặc ban bố cho các làng xã không có sẵn thần linh bằng cách phong tặng một vị thần Thành Hoàng để bảo hộ dân làng của vua.
Như đã nói trên, thần Thành Hoàng có nguồn gốc đa tạp, bao gồm cả nhiên thần, thiên thần lẫn nhân thần, song về mặt công năng thì đây là vị thần bảo hộ cộng đồng dân cư của đơn vị hành chính cơ sở là thôn xã.
Điều đáng lưu ý trong dải mỹ hiệu, có hai mỹ hiệu thường thấy là Đôn ngưng (dày cứng) và Bảo an (gìn giữ sự an toàn), tức một chỉ thuộc tính của đất và chỉ một nhiệm vụ của thần. Thực ra hai mỹ hiệu của thần Thành Hoàng hàm chứa hai tín lí cơ bản của đất. Bởi như chúng ta biết, trong nhiều ngôn ngữ thường có hai từ song tồn để chỉ đất. Trong ngữ cảnh văn hóa Hán-Việt, để chỉ đất có hai từ: Thổ và Địa.
Thổ làm một trong năm yếu tố của ngũ hành, năm nguyên tố cơ bản tạo ra vật chất: Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ. Xét theo tính chất thì nước thấm xuống dưới, nước nóng bốc lên, gỗ có cong có thẳng, kim khí tùy theo tay người thợ mà đổi hình, đất đai thì dùng để cấy gặt (Thượng thư-Hồng phạm: Thủy viết nhuận hạ, Hỏa viết viêm thượng, Mộc viết khúc trực, Kim viết tòng cách, Thổ viết giá sắt). Ở đây, Thổ là dùng để cấy gặt; theo đó, Thổ là nơi mọi sinh linh/sinh vật đều được sinh ra từ đó. Chính vì vậy đã dẫn đến việc sùng bái thổ/đất, coi đó là bậc thần linh có sức sống vô cùng. Tế đất là việc lớn của bậc vua chúa đến thứ dân. Cấp quốc gia lập đàn xã tắc và sau địa vị xã thần thấp đi, từng làng có đàn xã có đàn xã tắc thờ Thần Nông hoặc biến thành miếu thờ Thổ thần, Thổ công, Thổ Địa.
Địa là từ chỉ đất với tư cách địa lí, tức chỉ không gian giới hạn của đất: một cuộc đất, một khu đất, một vùng đất có cương giới. Như vậy, đất là đối tượng thờ tự với hai tín lý: một là, tính chất cơ bản của đất, gọi là “Thổ đức”, tức đức tính, ơn huệ của đất: khả năng sinh sản, cội nguồn/bản nguyên của sự sinh sản, phát triển, phát đạt, phồn thực, phì nhiêu; và hai là, vị thần/phúcthần bảo hộ/bảo an cho cộng đồng dân cư sống trên một không gian địa lí: nhà ở, dinh thự, đền chùa, tiệm quán, xóm ấp, thôn xã, tỉnh thành. Ở đây, mỹ tự “đôn ngưng” của vị thần Thành Hoàng hàm chứa tín lý của Thổ và mỹ tự “bảo an” biểu thị tín lý của Địa vậy. Nói cách khác, việc định danh là thần Bản cảnh/Đương cảnh Thành Hoàng, thực chất chỉ vị thần có công năng như thần Thổ Địa của làng.
Một trong những điều cần lưu ý là ở tầm vóc vũ trụ, Đất đối lập với Trời một cách tượng trưng: đất là bản nguyên thụ động, nữ tính, bóng tối, âm; trời là bản nguyên chủ động nam tính, ánh sáng và dương. Trong Kinh Dịch, đất là quẻ Khôn tính thụ động hoàn hảo, tiếp thụ tác động của nguyên lý chủ động là Càn/Trời. Đất chống đỡ, trời che phủ: đất chở trời che. Mọi con người đều sinh ra từ đấy vì đất là nữ và bà mẹ, nhưng nó hoàn toàn phục tùng nguyên lý chủ động của trời. Chính vì Đất tiếp thụ tác động của Trời như vậy nên trong nghi lễ Kỳ yên/Cầu an của đình nhằm trước hết vào mục đích cầu “Phong điềuvũ thuận” (mưa thuận gió hòa), tức sự tác động của trời, biểu hiện bằng việc trời tác động tạo mưa thuận gió hòa cho cõi đất “đôn ngưng”, nơi mọi sinh vật sống trên đó. Kế đó, việc cầu xin “Quốc thái dân an” tức sự an lành thuộc cảnh giới cộng đồng/xã hội mà ở đây vốn thuộc công năng “bảo an” của thần Thành Hoàng. Nói tóm lại, những gì trình bày trên đây cốt chỉ ra ý nghĩa và dự phóng của các nghi thức cúng tế ở lễ Kỳ Yên của đình làng, một hình thức thực hành nghi lễ chủ vào hai chức năng của thần Thành Hoàng với tư cách là biểu trưng kép “Thổ-Địa”.
- Xem thêm: Đìu hiu đình làng
Với tư cách là vị thần đã từng “Hộ quốc tí dân” và nay được cắt cử “bảo ngã lê dân”, tức bảo hộ cho cộng đồng dân đen của vua,thần Thành Hoàng làng có trú sở chính thức là đình nên tính chất thiêng qui tụ về đây. Có thể đẳng trật của thần Thành Hoàng là “hạ đẳng thần” không lớn hơn các phúc thần khác được sắc phong là trung/thượng đẳng thần, nhưng thần là chủ thể của bản cảnh nên trong lễ Kỳ Yên ở đình, các thần linh trong vùng đều được thỉnh về đình để dự hưởng-gọi là lễ nghinh thần. Cũng có trường hợp đình làng thờ thần Thành Hoàng và đồng thời thờ các thần linh có sắc phong của vua ban cho làng phụng tự. Trong trường hợp này, thần Thành Hoàng dù đẳng trật như thế nào thì vẫn là vị chủ thể của đình và các thần kia có thể đẳng trật được phong cao hơn vẫn được coi là đối tượng phối tự/tòng tự. Đều này chỉ ra vị trí chính yếu của Bổn cảnh/Đương cảnh thành hoàng đối với tập hợp thần linh của từng làng xã.
Làng xã như vậy có một thần Thành Hoàng bảo hộ, có đình thờ tự và lấy đó làm nơi tổ chức lễ hội và làm nơi hội họp việc làng, có tự điền lấy hoa hợi chi dùng cho việc cúng tế, có bộ máy quan viên/hương chức quản lí cộng đồng cả về hành chính lẫn phong hóa, rồi thêm vào đó là hương ước xác lập nên lệ làng, một tập hợp lệ luật được lịch sử xác nhận là có hiệu lực lớn hơn phép nước: phép vua thua lệ làng.
Cái gọi là “quyền tự trị làng xã” ở xứ ta một mặt được coi là tích cực trong việc cân bằng quyền lực đối với chế độ quân chủ tập quyền; song đây là hệ quả tan rã của chính quyền trung ương từ thế kỷ XVI, qua các cuộc tranh chấp và xung đột bên trong triều Lê, giữa Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn và điều này, tạo nên một “tiểu triều đình” mang tính sứ quân ở chốn hương thôn với nhiều tệ tục tồn đọng về sau này. Đến những năm đầu thế kỷ XX, sự trì trệ ở làng xã nông thôn đã được báo chí đề cập và với những tư trào cải đổi phong tục, chấn hưng phong hóa, thì tệ tục nơi thôn làng, biểu hiện tập trung ở chốn đình trung, bị lên án và xuất hiện ý kiến đòi phá bỏ đình làng. Tất nhiên, học giới không nắm quyền quản lí nhà nước nên dù bị lên án, song đình vẫn được duy trì. Đình làng và tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng được bảo lưu một mặt nhờ vào sự đối kháng của truyền thống trước những thay đổi và mặt khác, là do “độ chậm” thay đổi của văn hóa so với những lĩnh vực khác. Điều đáng lưu ý là mặc dù các triều vua Nguyễn thời thuộc địa duy trì việc ban cấp sắc phong cho thôn xã, đã góp phần gia cố nề nếp văn hóa truyền thống, song trong thực tế, đình cũng như những cơ sở thuộc thiết chế phong hóa-tín ngưỡng chính thống, đã mất chỗ dựa thế quyền sản sinh ra nó; nhất là khi chính quyền thuộc địa tách hội hương ra khỏi hội tề. Đình làng và việc cúng tế thần Thành Hoàng được tiếp tục duy trì như tục lệ của công đồng. Một số vùng thành thị, sự xáo trộn dân cư đã khiến một số đình làng biến thành đình hội theo nghĩa đình và việc tế lễ ở đình được duy trì bởi những thành viên có tinh thần bảo thủ truyền thống hơn là của toàn bộ cư dân của làng xã. Các “Hội quí tế”, “Hội linh tế”… ra đời trong thời kỳ này và duy trì mãi về sau này.
Đình làng được bảo tồn đến nay là vậy, nhưng điều đó, không có nghĩa là không trải qua những thử thách. Trước hết, trong chín năm kháng chiến (1945- 1954) một số đình làng bị dỡ bỏ theo chủ trương toàn dân kháng chiến toàn diện kháng chiến. Rõ ràng, trong đợt này, đình và các công trình kiến trúc khác phải dỡ bỏ vì mục đích ngăn chặn giặc Pháp chiếm làm công sự chống lại lực lượng kháng chiến của ta; song đợt tiêu thổ này, một cách nào đó đã khởi đầu cho công cuộc “đả thực bài phong”, tức ngoài mục đích quân sự-quốc phòng việc làm này còn hàm chứa mục đích xóa bỏ tàn tích phong kiến còn bảo lưu trong xã hội nửa thực dân nửa phong kiến trước thời điểm 1945 mà các tư trào cải lương phong hóa theo “chủ nghĩa tiến bộ” trước đó đã lên án và coi đó là lực cản của đà tiến bộ.
Rõ ràng trong non 100 năm, kể từ thực dân Pháp đặt ách đô hộ, âm điệu phương Tây là âm điệu chủ đạo trong bản trường ca hiện đại hóa, song thực tế cho thấy rằngđó là một quá trình tiêu biểu cho cuộc đụng đầu lịch sử: tập trung những xung đột và giao lưu, những áp đặt và giải trừ, những áp bức và đấu tranh, những thất bại đau thương và những thắng lợi hào hùng, những thách thức của tình trạng thế giới hóa và những nỗ lực bảo tồn phong hóa. Trong bối cảnh văn-xã đó, sự rung động của các thế hệ cư dân bản xứ hoàn toàn không như nhau, và đặc biệt những phản ứng từ thực tế đó đã nảy sinh ra những phong trào có đích và đường khác nhau, nhưng tất thảy đều có xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Đây chính là điều kiện để đình và thần Thành Hoàng còn được tồn tại.
- Xem thêm: Thương nhớ đình làng
Một xu thế có phần triệt để hơn diễn ra sau 30.4.1975 đã triệt hạ gần như đa số đình làng và nỗ lực xây dựng văn hóa mới, khởi phát từ quan điểm hư vô về truyền thống, đã làm mất sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại. Song hơn một thập kỷ sau, cương lĩnh xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ra đời lại đã khởi động việc phục hồi những di sản văn hóa truyền thống, trong đó có đình làng.
Tình cảnh thực tế là khi coi những tập tục thờ tự, tín ngưỡng truyền thống là tệ tục mê tín, duy tâm lạc hậu đã dẫn đến việc xóa bỏ, cải tạo triệt để và ngược lại, dưới danh nghĩa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đã phục hồi toàn bộ những gì thuộc quá khứ, kể cả những tệ tục lạc hậu và mê tín dị đoan. Nói cách khác, lúc thì bài xích thái quá, lúc thì cổ xúy và phục dựng bất cập. Điều này đã dẫn tới không chỉ gia tăng về số lượng lễ hội mà còn làm mất cân đối chỉnh thể “tiên tiến-đậm đà bản sắc dân tộc”. Chính từ những xáo trộn trong đời sống và sinh hoạt văn xã đã khiến cho các thần linh trỗi dậy một cách hỗn loạn, kéo theo một khối lượng đông đảo “tín đồ” cầu xin và dâng cúng, thực hành những lễ thức dung tục theo xu hướng “hối lộ thần thánh” để đổi lấy sự bảo hộ cho việc thành đạt, thu hái nhiều danh lợi thế tục, tiền bạc của cải và chức quyền, sự thăng tiến địa vị xã hội. Đáp ứng nhu cầu tâm linh thực dụng này, các vị thần tài lộc, thần bảo hộ việc “gia quan tấn tước”, thi cử… đã lấn át uy linh các chính thần. Đây là sự thay đổi theo sự biến chuyển của lịch sử và những biến thái mê tín bắt nguồn từ sự khủng hoảng về niềm tin và giá trị của thời đại kinh tế thị trường khởi phát bồng bột.
Các nhà nguyên cứu lịch sử -văn hóa đã chỉ ra rằng trong xã hội cổ xưa con người thường chọn giá trị thuộc về tôn giáo làm giá trị định hướng; còn trong xã hội văn minh thì xã hội nông nghiệp chọn giá trị quyền lực và xã hội công nghiệp chọn giá trị thuộc lĩnh vực kinh tế. Song trong thực tế thăng trầm trong lịch sử với sự du nhập bề bộn các trào lưu tôn giáo – tư tưởng thì ở xứ ta hầu như không đổi thay một cách dứt khoát như vậy và cho đến nay tâm thức văn hóa-tín ngưỡng tuồng như vẫn còn là tín ngưỡng vạn vật hữu linh (animism). Chính cái sàn văn hóa này trở thành môi trường sống cho hầu hết các dạng thức tín ngưỡng tôn giáo. Điều này đã giải thích sự tồn tại một cơ cấu tín ngưỡng lễ hội nhiều về số lượng, đa tạp đối tượng thờ tự và đa nghĩa về tín lý.
Nói cách khác, một cơ cấu tín ngưỡng-lễ hội chính thức đáp ứng nhu cầu chính đáng như một nền tảng phong hóa, định hướng cho sự đồng nhất cộng đồng và biểu hiện bản sắc văn hóa đa dạng ở từng tọa độ địa lý là chưa định hình và còn đang “diễn biến phức tạp”, chưa có hồi kết.
Hiển nhiên tín ngưỡng-lễ hội là nhu cầu của cộng đồng và cũng như các dạng thức văn hóa khác, chúng cũng luôn biến đổi theo sự biến chuyển của lịch sử một cách tự phát lẫn tự giác.
Lễ hội truyền thống ở xứ ta, đa phần là lễ hội nghi lễ, là những biểu hiện cụ thể của một tín ngưỡng bằng một hệ thống nghi lễ và các hình thức diễn xướng cùng các thứ vật chất tương ứng như lễ vật, cờ phướng, tàng lọng, đồ tự khí và những vật phẩm trang nghiêm cho cuộc lễ… Nói cách khác, lễ hội là một chỉnh thể nhằm biểu đạt lòng sùng tín theo một tín lý nhất quán chứ không phải là tổng số của phép cộng hai đại lượng tách biệt lễ và hội như cách hiểu thời thượng trong vài thập kỷ gần đây.
Ngày xưa, lễ hội tập trung quanh cái trục thiêng là sự huyền bí hay thậm chí là ma thuật. Việc tế tự, dù đối tượng là thiên thần, địa kỳ hay nhân quỉ đều thường bao gồm việc cầu cúng và giải hạn, trừ tà. Toàn bộ mọi hoạt động lễ hội, người tổ chức, người tham dự đều xoay quanh trục thiêng trung tâm và điều đó, khiến cho lễ hội là khoảnh khắc đặc biệt, tách khỏi đời sống thường nhật, khỏi hoạt động thường ngày và giờ khắc đó làm cho con người hòa vào vũ trụ.
Trong ý nghĩa như vậy, lễ hội là một nhu cầu tâm linh. Mỗi cộng đồng/dân tộc có một trục thiêng riêng như là cơ sở đồng nhất về tinh thần và tình cảm. Ngoài ra, lễ hội còn là một nhu cầu cố kết xã hội vì lễ hội, qua việc tụ họp, ăn uống, vui chơi, giao tiếp… bao giờ cũng là hiệu năng hòa giải tạm thời những điều trái ngược, liên kết những gì mà ngày tháng có xu hướng phân biệt tách bạch ra, tức giữa cái nghi thức và cái tự phát, giữa cái truyền thống và phóng túng, giữa cái thiêng và phàm tục, giữa kẻ giàu và người nghèo, giữa sự cô đơn từng người và hơi ấm của tất cả. Nói cách khác, lễ hội có chức năng tái tạo hiệu quả sợi dây đoàn kết các thành viên của cộng đồng, hòa giải những xung đột trong đời sống thường nhật.
Sự biến đổi của lễ hội xưa nay là càng lúc nó giải phóng con người ra khỏi sự thần bí. Xưa, cuộc sống của người ta được coi như sự mô phỏng ý đồ của vũ trụ; ở đó, người ta hình dung những mối quan hệ vô hình mà họ duy trì với tự nhiên và qui luật vận hành của trời đất theo chu kỳ tứ thời bát tiết. Ngày nay, cuộc sống của vùng nông thôn, chuyên canh tác nông nghiệp tuy vẫn theo mùa, song người nông dân làm ruộng và trồng trọt đã dựa trên bốn phép tính và những thành tựu khoa học nông nghiệp; theo đó xu hướng quan trọng nhất là tách quy luật tự nhiên ra khỏi qui luật xã hội.Đặc điểm của xã hội hiện tại đặt cơ sở trên giá trị hợp lý và khoa học; ở đó, xã hội càng lúc cùng hình thành nhiều điều kiện thuận lợi cho quyền tự quyết của cá nhân trong sự chọn lựa và thị hiếu. Trong xã hội hiện đại, lễ hội cùng lúc có thể giảm bớt mất tính thiêng, nhưng do yêu cầu cố kết cộng đồng nên lễ hội được duy trì một cách tự giác với những biến thái mới mẻ. Lễ hội giờ đây là một thiết chế bảo vệ sự tái sinh nhằm tái tạo sợi dây liên kết các thành viên của một xã hội – ở đó, điều cốt yếu không phải sự thiêng liêng huyền bí mà là biểu tượng của tinh thần cộng đồng hàm chứa sự thiêng liêng của lịch sử-văn hóa-chính trị.
Rõ ràng là hiện đại gắn kết với khái niệm tính hợp lý dựa trên niềm tin khoa học và con người tin rằng xã hội và cuộc sống có thay đổi bằng tác động ý chí. Do đó, các tín lý, tín niệm huyền bí, siêu hình dần mất chỗ đứng trong tâm thức con người và xã hội hiện đại; theo đó, và số phậncủa con người dần dần thoát khỏi sự ràng buộc với phúc họa do thần linh quyết định. Chính vì vậy, cái gọi là “văn hóa tâm linh” không bao gồm những niềm tin huyền bí, mê tín dị đoan mà là những gì giúp con người hướng thượng, hướng đến chân thiện mỹ, thúc đẩy những ước mơ và khát vọng nhân văn và tiến bộ.
Thực tiễn bề bộn đang diễn ra trong những thập kỷ qua cho thấy một mặt là xu hướng thiên trọng vào các tín ngưỡng tài lộc, cầu xin thực dụng đã dẫn đến tình trạng “loạn thần phả” và mặt khác, hệ thống nhân thần lịch sử-văn hóa cũng dần được xác lập, chiếm vị trí quan trọng trong nhiều cộng đồng. Nói chung, cơ cấu tín ngưỡng – lễ hội trong bối cảnh tâm thức duy lí hiện nay, việc xây dựng một trục tín ngưỡng lễ hội chuẩn sẽ giúp phần định hướng giá trị theo tâm thế của một lối sống phù hợp với quyền lợi lâu dài của dân tộc đang trên đường hướng đến văn minh và tiến bộ, lấy đó làm cơ sở đồng nhất cộng đồng/dân tộc.
Trong khuôn khổ làng xã, việc các anh hùng kháng Pháp, danh nhân lịch sử được “dân phong” tôn làm phúc thần, làm thần Thành Hoàng của đình làng cũng như việc làm đơn xin vua phong thần các danh nhân địa phương cùng các bậc tiền hiền khai hoang lập làng làm thần Thành Hoàng của những hương chức thời thuộc địa đã chỉ ra xu hướng thiên trọng việc sùng bái nhân thần lịch sử hơn là các thần linh mang tính ý niệm biểu thị bằng dải mỹ tự trừu tượng. Xu hướng này rõ ràng không là đề xuất mới mẻ mà bắt nguồn từ truyền thống “báo bản tư nguyên” tức nhằm báo đáp cái gốc, nhớ về nguồn cội của chính mình, chính cộng đồng mình: trong gia đình thờ tổ tiên, ngoài làng xã thờ các bậcTiền Hiền khai khẩn lập làng, Hậu Hiền khai dựng cơ nghiệp, các danh nhân có công đức; rồi ở một vùng rộng lớn hơn thờ các anh hùng cứu quốc, các danh nhân có công tích lớn, để cuối cùng là thờ Quốc Tổ, anh hùng dựng nước…
Rõ ràng việc thờ tự các thần linh lịch sử như vậy và những lễ hội kỷ niệm tương ứng tự nó xác lập một công ước của các thế hệ đương đại với các giá trị mà các bậc trên trước đã dày công thành tạo. Ở đó, sự ôn cố tri tân chẳng những giúp nối kết quá khứ/truyền thống với hiện tại/đương đại hầu xác lập sự liên tục thủy chung mà còn làm cho những hạt giống thiện mỹ nẩy mầm, làm sinh sôi thái độ mới, những khát khao mới.
Ở khuôn khổ vấn đề đang bàn của chúng ta, hướng chung nhất của thời đương đại: một mặt là xu hướng chuyển đổi các tín ngưỡng phúc thần sang tín lý tài lộc mang tính thực dụng dung tục; và mặt khác, hệ thống thần linh lịch sử – văn hóa chiếm được vị trí quan trọng hơn so với thần linh siêu nhiên, vô nhân xưng trừu tượng. Chính vì vậy, chiến lược văn hóa – tư tưởng hẳn cần thiết xác lập một hệ thống thờ tự – lễ hội các thần lịch sử – văn hóa, bao gồm từ quốc tổ, các anh hùng dựng nước và giữ nước, các bậc văn quan võ thần có công tích với dân với nước để làm trục thiêng trung tâm, cơ sở cho sự đồng nhất văn hóa – chính trị. Theo đó, các vùng miền, tỉnh, huyện, làng xã cũng chủ vào việc xác định, xác lập đối tượng thờ tự – lễ hội nhằm bảo tồn truyền thống, cố kết cộng đồng: các bậc tiền bối hữu công đối với làng xã, các bậc Tiền Hiền, Hậu Hiền, các danh nhân, anh hùng liệt sĩ, các tổ nghề… đã góp phần làm rạng rỡ cho quê hương hoặc đã anh dũng chiến đấu bảo vệ cộng đồng.
Như chúng ta biết cũng như mọi dân tộc, tất cả các cộng đồng đều có lịch sử. Đó là một tập họp những sự kiện xảy ra tiếp nối nhau theo thời gian, được các cộng đồng tích lũy, giữ gìn và cùng sống với chúng. Những loại câu hỏi hồi cố về những thời đại lịch sử đều được khơi gợi từ những sự việc đang diễn ra trong xã hội đương đại. Nói cách khác, người ta luôn tìm lời giải đáp cho những vấn nạn đương đại từ sự tham chiếu lịch sử. Cái hiện tại của quá khứ là ký ức, chính ký ức là một phần của cuộc sống. Ký ức tích lũy qua thời gian đã làm nên một thực tại văn hóa có phần khác với thực tại lịch sử ở nhiều mức độ khác nhau, là cơ sở đồng nhất của cộng đồng. Chính cái thực tại văn hóa đó mới thực sự là điều quan trọng đối với cộng đồng, so với những dữ liệu sử học chính xác về niên đại, chỉ định rõ tên người tên đất. Vả lại, trong thực tế, lịch sử chưa bao giờ là bộ môn khoa học thật sự; trong khi đó, cái thực tại văn hóa được cố kết qua thời gian lại định hình trong tâm thức cộng đồng như một cổ mẫu, một biểu tượng văn hóa. Ký ức là nhân tính của từng người; cũng vậy, truyền thống là nhân tính của từng cộng đồng, từng dân tộc. Nói cách khác, ký ức chính là tinh thần của lịch sử giúp chúng ta xác lập một cảm nhận về tinh nghĩa của lịch sử như là một khả năng khởi đầu một cái gì đấy trong quá trình của sự việc.
Trong viễn tượng phát triển của xã hội hiện đại, việc giải phóng con người ra khỏi sự thần bí mê tín hướng đến việc xác lập cơ sở cho sự chánh tín hẳn chúng ta phải lưu tâm đến việc xây dựng một nội dung thờ tự cũng như một kịch bản lễ hội tương ứng cho đình làng; thậm chí nghi thức tế tự, văn tế truyền thống được xướng đọc theo âm Hán tự cũng cần được Việt hóa bằng chữ quốc ngữ thì may ra mới được thế hệ dân cư đương đại, đặc biệt là giới trẻ hiểu được. Phàm hữu tri mới khả mộ là vậy.